Trong các khu vực được coi là “đất vượng” ở miền biên viễn quan tái Hà Giang, ngoài Sà Phìn (Đồng Văn), nơi khởi phát và là chốn định cư của ông Vua Mông nổi tiếng Vương Chí Sình, còn một miền “đất vượng” nữa đó là xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang)
Miền đất này lâu nay nổi tiếng về những “huyền thoại vàng” với tướng quân Nguyễn Đình Thái, biệt danh là Giàng Phụng (1830 -1918).
“Đất vàng”
Trong miền Trung, dân ở đây thường có câu nói: “Muốn mát thì lên Đà Lạt, muốn hốt bạc thì về Bình Tuy”. Bình Tuy được coi là miền đất mà các triều đại phong kiến, nhất là với ông vua Hàm Nghi trong thời kỳ bỏ ngai vàng để chống Pháp đã chọn làm nơi chôn cất ngân khố cho mình. Không biết hư thực ra sao nhưng nhiều người dân ở đây, trong quá trình lao động sản xuất đã đào được những kho báu. Việc này trở thành những huyền thoại, hấp dẫn nhiều người với ý muốn có được những gia sản kếch xù nên đã tìm lên đây để thăm dò và đào bới.
Ở tỉnh Hà Giang, miền đất xã Vĩnh Phúc, cụ thể hơn là thôn Vĩnh Chà cũng đã có những huyền thoại về vàng tương tự Bình Tuy. Vàng và huyền thoại vàng ở đây phong phú vô cùng. Đào mương dẫn nước thấy vàng thỏi, vàng nén. Cầy ruộng, cầy phải vàng. Thậm chí, những cơn mưa rừng xói lở đất đai cũng đã nhiều lần làm lộ ra những khối vàng ròng trong lòng đất. Huyền thoại vàng ở đây đã tạo thành những “cơn sốt” liên tục, lôi kéo nhiều người tìm đến lùng sục để kiếm tìm vận may cho mình. Những ngày trước, khi công nghệ chưa hiện đại thì người ta đến tìm vàng bằng cách đào bới thủ công. Kinh nghiệm đào vàng ở đây là: Cứ thấy vùng đất nào có một loại cỏ dại (gần giống loại hoa tóc tiên dưới xuôi) mọc dày thì y như chỗ đó có vàng. Cái quan trọng là, nó nằm nông hay nằm sâu trong lòng đất hay không mà thôi. Ngày nay, với công nghệ hiện đại như máy dò, người tứ xứ và người bản xứ lại càng đổ về đây đông hơn. Nhiều người trong số họ đã gặp vận may mà gần đây nhất phải kể đến anh em nhà T. từ Lục Yên (Yên Bái) sang tìm vàng. Sau một thời ém quân, ăn sương nằm gió, thấy người dân bảo anh em nhà ấy đã đào được đến hai cục vàng vuông vức như viên gạch chỉ, đem về quê tậu đất, mua nhà tứ tung.
Hiện nay, ngoài may mắn và những đồn thổi đang tồn tại trong người dân Vĩnh Phúc thì còn một kho báu nữa cũng được nhiều người nhắm đến. Theo những người già trong xã thì đây chính là kho báu cực kỳ lớn của xã do một tướng quân có tên Giàng Phụng chôn lại sau khi ông dựng cờ chiêu tập binh sỹ theo chiếu Hàm Nghi. Cũng theo những người già này, những vàng thỏi, vàng nén, vàng được đúc theo hình viên gạch chỉ mà người ta đã đào và nhặt được kia chỉ là một trong những phần rất nhỏ, rơi vãi lại trong quá trình vận chuyển của binh sỹ Giàng Phụng mà thôi. Người ta kể, ông Giàng Phụng đã huy động một lực lượng lớn binh sỹ, đào một giếng tròn đến cả tháng trời, rồi lại mất cả tuần trời vận chuyển của cải ra đó để chôn. Trong thôn Vĩnh Chà, chỗ kho báu mà theo truyền miệng là nơi ông Giàng Phụng tổ chức chôn cất báu vật thuộc khu sình lầy. Đã hơn 200 năm rồi, khu đất được coi là nơi chôn cất vàng và báu vật này vẫn đầy cỏ dại, có hình tròn xoe như một cái giếng. Không chỉ người tứ xứ mà những người trong thôn đã có rất nhiều người tham vọng về kho báu này. Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người trong thôn đã tổ chức đào kho báu. Đến nay, tổng cộng đã 7 lần đào bới nhưng do giếng được lấp đậy cực kỳ hiểm, lại nằm ở nơi lún thụt và trũng nhất nên người ta vẫn chưa lấy được tý của cải nào.
Ông Lò Văn Phúc, hậu duệ đời thứ 4 và tấm báu vật sắc phong do vua Hàm Nghi phong tặng
Trong 7 lần đào bới này, quy mô nhất phải kể đến đợt đào bới do cha con ông Hứa Văn Dự thực hiện. Ông Dự cho biết, lần đào này, ngoài 5 người trong gia đình, ông còn thuê 7 người nữa. Ngoài gà, vịt thì ông còn phải gạn cả ao cá đến cả tấn cá thịt để làm thức ăn cho thợ. 6 lần trước được những người khác tổ chức đào mới bóc đi được một lớp cọ già xếp ngang, xếp dọc và ít đá xanh được xếp đặt công phu. Những lần đào này, do người ít, nước ngầm phun nhiều nên xuống đến độ sâu khoảng 5m thì người ta phải bỏ cuộc. Lần ông Dự tổ chức đào, ngoài thanh niên trai tráng, ông còn huy động máy bơm, thuốc nổ để phá đá. Sau nửa tháng lao động, ông và lực lượng đào bơm nước, nổ mìn phá đá nhưng cũng chỉ tới được độ sâu khoảng 15m. Tới khoảng độ sâu này, các ông đã gặp một phiến đá xanh phẳng lỳ, được đẽo gọt cẩn thận và rất lớn. Không có công cụ hỗ trợ như khoan đá và máy bơm lớn nên các ông đành bỏ cuộc. Từ đợt đào bới hết sức quy mô này, đến nay chưa có ai trong thôn đủ sức và dám tổ chức lực lượng để đào bới nữa. Kho báu “trung tâm” chứa của theo huyền thoại này vẫn nằm im trước sự thèm muốn của không ít người.
Gặp hậu duệ Giàng Phụng
Để lý giải huyền thoại vàng và kho báu tại khu ruộng thụt Nà Chằm, cất công đi tìm, chúng tôi đã gặp ông Lò Mạnh Phúc, hậu duệ đời thứ 4 của ông Giàng Phụng. Hiện ông Phúc đang cùng vợ ở tại tổ 3, phường Trần Phú, thị xã Hà Giang. Ông Phúc là người duy nhất đang lưu giữ một báu vật của gia đình, ấy là bản sắc phong vua Hàm Nghi cho ông Giàng Phụng. Bản sắc phong này cho biết: Ông Giàng Phụng được phong chức Ngũ phẩm, chức vụ Phó lãnh binh Quân đội triều Nguyễn, cai quản toàn bộ các tỉnh từ Ninh Bình trở ra đến Hà Giang. Ông Giàng Phụng sinh ra trong một gia đình võ nghệ tại Cao Bằng. Là người nghĩa khí và yêu nước, từ những năm 1880, ông đã tham gia quân đội nhà Nguyễn, xây dựng lực lượng, trấn áp bọn phản loạn ở hầu hết các miền biên viễn phía Bắc, trong đó có Hà Giang. Năm 26 tuổi, trong sự nghiệp chiến chinh, ông đã đặt chân tới miền đất Vĩnh Phúc. Đất đẹp, gái đẹp níu bước nam chinh, tại đây ông đã phải lòng và nên duyên với bà Nông Thị Dèn và sinh được 6 người con, trong đó chỉ có một trai là út, được đặt tên là Nguyễn Đình Tấn. Ông Giàng Phụng đã quyết định lấy quê vợ làm nơi xây dựng đại bản doanh và lập chiến khu Quảng Mã tại đây. Ông đã biến Vĩnh Phúc làm căn cứ địa với các địa danh còn lưu truyền đến ngày nay như: Bãi tập võ Cóc Kẹn, trạm quan sát Cóc Kẹn. Ông Giàng Phụng tả xung hữu đột ở một vùng rộng lớn, từ Lào Cai, Cao Bằng về đến Hà Giang, lực lượng lên đến cả nghìn người. Đầu những năm 1900, với sự nổi tiếng của phong trào Quảng Mã ở Hà Giang nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, Pháp đã tổ chức tập kích vào căn cứ này. Sau 8 ngày chiến đấu và cầm cự, binh lực Quảng Mã yếu thế, thêm nữa do con trai duy nhất bị chết nên ông Giàng Phụng đành chia tiền nong cho quân sỹ, số còn lại đã cho người đào một giếng sâu khoảng 800m trên khu ruộng Nà Chằm để chôn cất.
Chiếc giếng, với truyền thuyết là nơi chôn báu vật của tướng quân Giàng Phụng
Về thực hư kho báu, ông Phúc cho biết, ông Giàng Phụng không để lại một di chỉ gì liên quan đến kho báu. Việc đào giếng giấu báu vật và binh khí của ông Giàng Phụng theo tương truyền để sau này thành các địa danh như Núi Tiền, Núi Bạc (giáp giữa hai thôn Vĩnh Thành và Vĩnh Phúc) cũng chỉ là nghe kể lại. Nhưng ông Phúc cũng khẳng định, việc đào, cầy và nhặt được những khối vàng lớn của một số người trên địa bàn thôn là có thật. Ngay cả chiếc giếng chôn của, theo ông Phúc, ông cũng đã chứng kiến. Đây là một giếng do sức người đào mà có, được cất giấu rất công phu bằng nhiều thân cọ già và đá xanh. Dưới giếng có gì hiện nay vẫn là một bí ẩn vì 7 lần đào bới, người ta vẫn chưa phá được viên đá xanh có kích cỡ lớn rất khác lạ.
Hiện, chiếc giếng này đã được cháu con ông Phúc cai quản và cho là “của mình” nên trông nom khá kỹ và không ai dám đào bới nữa. Vậy, dưới giếng là gì? Có phải là một kho báu kếch xù của tướng quân Giàng Phụng hay không vẫn là một ẩn số. Hiện, ông Phúc rất muốn các cơ quan ban ngành lưu ý, nếu có điều kiện thì tổ chức khai quật để phá bỏ đi những huyền thoại về một kho báu đầy huyền bí này.
Tùng Lâm