Báo Công lý nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng đang xâm phạm quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Theo đó, các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ diễn ra ồ ạt và có xác nhận của chính quyền địa phương dẫn tới việc xây dựng tràn lan nhưng không được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Thậm chí các thửa đất khi chưa được các cơ quan chức năng đo đạc bản đồ địa chính đã được chuyển nhượng cho các “đại gia” xẻ đồi, khoét núi xây biệt thự. Hiện tại đã có những công trình đưa vào sử dụng, hàng loạt công trình khác đang cấp tập thi công, khẩn trương hoàn thiện.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên (PV) đã tới địa điểm vi phạm để xác minh thông tin và có những hình ảnh ghi nhận thực tế các công trình vi phạm quy hoạch.
Theo quan sát của PV, các công trình này nằm sâu trong một khu đất rộng lớn hàng chục héc ta. Ngoài các công trình nằm ven theo hồ nước rộng lớn là các công trình có địa thế rất đẹp, “tựa sơn hướng thủy”, được coi là đắc địa, cát tường trong phong thủy.
Máy móc đang hoạt động hết công suất, xẻ núi làm đường xây "lâu đài" trên phần đất được quy hoạch
Được biết, theo Quyết định số 2234/QĐ-UB ngày 11/6/1998 của UBND TP Hà Nội, quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 6.630ha (trong đó rừng đặc dụng là 1.530ha; rừng phòng hộ là 5.100ha). Ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2100/QĐ-UB về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn năm 1998 thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo đó diện tích quy hoạch được điều chỉnh xuống còn 4.557ha bao gồm diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã đồi gò (Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Nam Sơn…) và Lâm trường Sóc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn.
Trước đó, tình trạng xây dựng nhà hàng, biệt thự trên đất lâm nghiệp tại Sóc Sơn đã diễn ra trong nhiều năm và tới nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc dư luận. Tại kết luận số 754/TTCP ngày 17/04/2006 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn. Chủ yếu những sai phạm này bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc quản lý và bảo vệ rừng.
Ngày 25/01/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 696/VP-ĐT đề nghị Sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Nội dung công văn nêu rõ: "Sau khi xem xét nội dung báo cáo của Thanh tra thành phố về kết quả thực hiện các nội dung kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường: Khẩn trương rà soát chi tiết, cụ thể các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (Kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006) và các trường hợp phát sinh, đề xuất hướng xử lý cụ thể.
Kiểm tra lại các mốc rừng đã cắm, kiểm điểm trách nhiệm của UBND các xã liên quan trong việc quản lý các mốc giới tại thực địa đã được UBND huyện bàn giao (nay không còn tại thực địa), khôi phục lại các mốc giới đã mất; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc cắm mốc ranh giới đất rừng theo quy hoạch để phục vụ công tác quản lý.
Tuy nhiên, theo thông tin PV có được thì tới thời điểm hiện tại UBND huyện Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp cắm mốc ranh giới đất rừng theo quy hoạch để phục vụ công tác quản lý. Đây cũng chính là nguyên nhân dân tới tình trạng xây dựng tràn lan trên đất quy hoạch và gây khó khăn cho việc quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại Sóc Sơn.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Một số hình ảnh PV ghi nhận được:
Hồ nước nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại Sóc Sơn
Một nhà hàng ven hồ cũng nằm trong quy hoạch
Cận cảnh một "lâu đài" đã hoàn thiện