Trong một trường học nhưng tồn tại những lớp học, được các phụ huynh gọi là “lớp Vip”, với những phòng học đầy đủ tiện nghi khác hẳn so với lớp thường. Chính điều này đã tạo nên sự thiếu bình đẳng trong môi trường giáo dục?
Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con học lớp 2, Trường Tiểu học thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Một hôm thấy con về bảo với bố mẹ, xin cho cháu được vào học “lớp Vip”, vì lớp các bạn có điều hòa mát mẻ, còn lớp con không có. Nghe con nói vậy, vợ chồng tôi như lặng người đi nhưng không biết giải thích thế nào cho cháu hiểu được”.
Theo tìm hiểu được biết, ở huyện Quỳnh Lưu, dưới hình thức vận động xã hội hóa, những năm trước, phòng Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương xây dựng lớp chất lượng cao ở bậc tiểu học. Ở các trường, mỗi khối chọn từ 1 – 2 lớp (chủ yếu tập trung con em có điều kiện).
Phụ huynh sẽ đóng góp kinh phí để mua điều hòa, máy chiếu, ti vi…Việc trong cùng một môi trường giáo dục, mà các lớp học đã có sự khác biệt nhau như vậy, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cũng như nhận thức của các em về lớp học con nhà giàu và lớp con nhà nghèo.
Một “lớp Vip” ở trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát được trang bị đầy đủ tiện nghi.
Chị Trần Thị T.- Chi hội trưởng Hội phụ huynh lớp 3D, có con học tại “lớp Vip” cho biết: “Việc lắp điều hòa ở lớp này (lớp 3D - PV) là do các bậc phụ huynh tự bàn bạc với nhau, sau đó có xin ý kiến của Ban giám hiệu nhà trường để thông qua, chứ hoàn toàn không có sự áp đặt hay bắt buộc nào cả”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề: “Chị suy nghĩ gì trước câu chuyện một em học sinh lớp 2 về nói với cha mẹ khi muốn được học ở “lớp Vip” ? Phải chăng trong suy nghĩ của các cháu đã có sự phân biệt giữa lớp này học sướng hơn và lớp kia học khổ hơn”. Chị T. đã im lặng.
Trao đổi với PV, cô Hoàng Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cầu Giát cho biết: “Những năm trước đây khi cô Hoàng Thị Thư làm Hiệu trưởng (cô Thư giờ đã nghỉ hưu), ở trường đã xây dựng những lớp học như vậy (“lớp Vip”, “lớp cơ sở vật chất” - PV).
Năm học mới, bản thân tôi cũng rất băn khoăn khi một số phòng học được trang bị lắp máy điều hòa, tuy nhiên những vấn đề đó đều do Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh, bàn bạc thống nhất trên tinh thần “tự nguyện”, sau đó xin ý kiến nhà trường, nhà trường chỉ đồng ý về mặt chủ trương”.
Khác với “lớp Vip”, ở lớp thường không được đầu tư như vậy, không có ti vi, máy chiếu, hay điều hòa
Nhiều phụ huynh đã không dám trực tiếp đóng góp ý kiến ở cuộc họp phụ huynh ở trường, vì sợ con em mình sẽ bị trù dập. Tuy nhiên khi tiếp xúc với PV, nhiều ý kiến của phụ huynh vẫn cho rằng, việc lắp máy điều hòa là không cần thiết, cũng như tốn kém tiền của, chưa kể đến việc những tháng hè nóng nhất là tháng 5,6,7 thì học sinh đã nghỉ hè.
Việc học tập nhiều trên máy chiếu, ti vi cũng khiến các em bị ảnh hưởng đến mắt rất nhiều. Thêm nữa những gia đình không có điều kiện, việc chạy theo đóng góp sẽ trở thành gánh nặng…
Một phụ huynh khác chia sẻ: “Theo tôi cần để các lớp học giống nhau, để các em không phân biệt lớp “Vip” hay lớp thường. Vì ở môi trường này rất dễ sinh ra lối suy nghĩ kiêu ngạo ở các lớp con nhà giàu cũng như sự tự ti ở các lớp con nhà nghèo. Các cháu cần sự hòa đồng để học cách yêu thương, chia sẻ lẫn nhau hay hơn là học cách phân biệt”.
Trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát nơi tồn tại những lớp học con nhà giàu và con nhà nghèo
Phải chăng tinh thần “tự nguyện” đã luôn được lợi dụng triệt để nhằm hợp thức hóa các khoản thu đầu năm học, cũng như để xây dựng các “lớp Vip”, “lớp cơ sở vật chất” từ nhiều năm nay mà trường Tiểu học Thị trấn Cầu Giát vẫn đang thực hiện.
Dẫn PV đi thực tế ở các phòng học, có thể thấy nhiều phòng học được trang bị hai máy điều hòa, ti vi màn hình lớn, máy chiếu, rèm cửa đẹp mắt…, bên cạnh những lớp học “sang trọng”thì cũng có những lớp học không được trang bị đầy đủ tiện nghi như vậy.
Thiết nghĩ trong môi trường giáo dục, cần tạo cho các em sự bình đẳng như nhau thay vì tồn tại những “lớp Vip” hay “lớp thường”, bởi trong trường Tiểu học đã có sự phân biệt như vậy, chẳng khác nào dạy cho con em mình phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, đó không phải là môi trường giáo dục mà là sự phản giáo dục.