Nguồn kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện Hà Trung (Thanh Hóa) chỉ đạt 3-5%. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề lạm thu tại các nhà trường.
Theo Quyết định 4762/2016/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và ổn định đến năm 2020 chỉ rõ, nguồn kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường phải đảm bảo tỷ lệ đạt 10%.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Sở Tài chính cần phải thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý, đảm bảo cấp kinh phí chi nghiệp vụ đạt 10% cho các trường học, tránh tình trạng các địa phương sử dụng kinh phí sai mục đích. Sở Nội vụ phải thanh tra, kiểm tra các huyện về việc tuyển dụng, hợp đồng lao động, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trên địa bàn, để chỉ đạo các huyện khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đảm bảo cấp kinh phí chi nghiệp vụ đạt 10% cho các trường học
Tuy nhiên, theo một số Hiệu trưởng trường Tiểu học trên địa bàn huyện Hà Trung phản ánh với Báo Công lý, trong năm học 2017 - 2018 nguồn kinh phí chi nghiệp vụ “rót” cho nhà trường chỉ đạt 3 - 5%, chưa đáp ứng được yêu cầu chi cho các hoạt động như sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, tiền điện sáng, tiền hợp đồng bảo vệ nhà trường.
“Kinh phí chi nghiệp vụ của nhà trường được cấp khoảng 5%, trong khi đó lại phải tiết kiệm thêm 10% trong tổng số tiền được cấp nên không đủ kinh phí để sửa chữa, tăng cường cơ sở vật chất. Chỉ tính riêng khoản tiền chi cho điện sáng và bảo vệ nhà trường cũng đã chiếm gần một nửa. Mọi chi tiêu cho các hoạt động dạy và học của nhà trường phải dè xẻn”, một Hiệu trưởng tiểu học (xin giấu tên) cho biết.
Hiệu trưởng các trường cũng đã nhiều lần đề nghị với Phòng Giáo dục và đào tạo tham mưu với Chủ tịch UBND huyện phân bổ đủ 10% kinh phí chi nghiệp vụ cho nhà trường nhưng không được chấp thuận.
Có hay không việc UBND huyện Hà Trung "cắt xén" tiền chi thường xuyên của các trường học?
Một vị Hiệu trưởng khác cho biết: “Nhà trường chỉ cần được cấp tiền chi thường xuyên là 7% thôi cũng vui mừng rồi. Hiện kinh phí tu sửa cơ sở vật chất nhà trường phải trông chờ vào chính quyền địa phương và vận động xã hội hóa giáo dục”.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, do nguồn kinh phí chi nghiệp vụ hạn hẹp cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề lạm thu tại các trường như thu các khoản “tự nguyện” và trái quy định của Nhà nước, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Huy Tự - Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hà Trung khẳng định: “Nguồn kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường tiểu học đạt 6-7% chứ không phải chỉ đạt 3-5% như một số Hiệu trưởng phản ánh”.
Nguyên nhân không phân bổ đủ kinh phí chi nghiệp vụ cho các trường tiểu học đạt tỷ lệ 10%, ông Tự cho biết huyện ưu tiên chi cho con người vì chênh lệch biên chế của huyện cao hơn biên chế tỉnh giao.
Khi PV yêu cầu Phòng Tài chính cung cấp thêm tổng số tiền rót về cho từng trường tiểu học thì ông Tự lại không cung cấp, “ém nhẹm” thông tin.
Liệu rằng có sự “vênh nhau’ giữa nguồn kinh phí chi nghiệp vụ huyện phân bổ và các trường tiểu học được nhận, đề nghị các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, làm rõ.