Đây là vụ việc đang rất được dư luận quan tâm, rất đông phóng viên báo, đài đã tới đưa tin. Tuy nhiên đại diện Bộ đã mời ra ngoài hội trường với lý do đây là cuộc họp chuyên môn nên không mời báo chí tham dự.
Đúng 14h chiều ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với nhiều bộ, ngành để nghe báo cáo toàn bộ sự việc cá chết gây hoang mang dư luận thời gian qua. Những kết quả từ quá trình lấy mẫu, phân tích mẫu, báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục cũng sẽ được đưa ra tại cuộc họp này.
Dự kiến, tham dự cuộc họp có đại diện nhiều Bộ như Quốc phòng, Công an, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & Công nghệ cùng nhiều chuyên gia khoa học. Tuy nhiên, với lý do đây là cuộc họp chuyên môn nên không mời báo chí tham dự.
Có gần 200 phóng viên các báo chí chờ đợi thông tin về kết quả họp chiều nay bên ngoài trụ sở Bộ TN&MT.
Phóng viên vạ vật ngoài cổng Bộ TN&MT
Đại diện Bộ giải thích đây là cuộc họp chuyên môn nên không mời báo chí tham dự
Như đã đưa tin trước đó, từ ngày 6/4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện ở gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), sau đó lan rộng ra suốt dọc khoảng 300 km bờ biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống và sinh kế của người dân. Một bé gái 8 tuổi, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do ăn phải cá chết. Một thợ lặn ở cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh) tử vong sau khi lặn xuống biển để xây dựng đê chắn sóng và 5 thợ lặn khác cũng phải vào viện để kiểm tra sức khỏe.
Các Bộ TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.
Ngày 25-4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại trừ. Lãnh đạo hai bộ TN&MT và NN&PTNT đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân khiến cá chết. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.
Nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Đường ống này rộng 1m, dài 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ khoảng 1,5 km. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống, có nhập khoảng 300 tấn hóa chất được đánh giá là cực độc về để làm việc này. Bộ TN-MT cho biết đã lấy mẫu để phân tích.