Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại trong 4 năm

Bình Nguyên| 27/05/2020 11:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng đoàn giám sát trình bày Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. 

Hàng ngàn trẻ em bị xâm hại mỗi năm

Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cho thấy: Thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội và Kế hoạch giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019, Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức 03 Đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan trung ương; tổ chức các hội thảo, điều tra xã hội học, khảo sát một số trường học, cơ sở trợ giúp xã hội và Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; nghiên cứu hồ sơ một số vụ án cụ thể và triển khai nhiều hoạt động khác thuộc phạm vi giám sát.

Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại trong 4 năm

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo trước Quốc hội

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

Ngoài các hình thức trẻ em bị xâm hại nêu trên, theo Báo cáo của Chính phủ, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn.

Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận; chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà; việc xử lý hành vi môi giới, sử dụng, bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật chưa nghiêm; do đó, tình trạng này chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Đối với các trường hợp tảo hôn chủ yếu ở một số vùng dân tộc thiểu số nơi nhiều người dân vẫn còn tập tục lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cần phải có lộ trình và nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ.

Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%, như: tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Thọ, thành phố Hà Nội.

Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính.

Tòa án đã đưa ra xét xử 6.892 vụ xâm hại trẻ em

Qua giám sát cho thấy, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực đối với trẻ em xảy ra ở tất cả các địa phương trên cả nước. Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển.

Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở nơi vắng vẻ, mà còn xảy ra tại gia đình và các khu vực công cộng, như: Tại cơ sở giáo dục, trung tâm bảo trợ xã hội, nơi vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư…Hậu quả hàng trăm trẻ bị tử vong do bị giết, bị xâm hại; 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục; nhiều trẻ bị rối loạn tâm thần; bị thương tật; 180 trẻ phải bỏ học. Các trẻ em khác bị xâm hại đều phải gánh chịu những tổn hại về thể chất, tinh thần với những mức độ khác nhau…

Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại trong 4 năm

Quang cảnh hội trường Quốc hội

Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em và 18 luật, bộ luật liên quan đến trẻ em; Chính phủ sửa đổi và ban hành mới 12 Nghị định, Thủ tướng ban hành 03 chỉ thị và 15 quyết định; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.

Các địa phương cũng quan tâm hơn đến công tác này; một số địa phương có Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, còn có những quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chậm được hướng dẫn. Một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung….

Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%... Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%. 

Trong nhà trường, xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng. Đáng lưu ý, một số vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, có những vụ diễn ra trong thời gian dài, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội…

Về công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, Đoàn giám sát nhận thấy, nhìn chung công tác giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đã được xử lý nghiêm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 7.119 vụ với 7.211 bị can. Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 98,5% số vụ và 98,7% số bị can. Tòa án đã đưa ra xét xử 6.892 vụ với 7.686 bị cáo; việc áp dụng hình phạt cơ bản nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe. 

Đặc biệt, Bộ Công an đã ban hành Quy trình nghiệp vụ đặc thù hướng dẫn xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, trong đó quy định những biện pháp cấp bách phải thực hiện ngay nhằm bảo vệ trẻ em, hỗ trợ gia đình nạn nhân; Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử các tội xâm hại tình dục trẻ em nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự và quy định nhiều thủ tục tố tụng tiến bộ, bảo đảm xét xử thân thiện, tránh làm tổn thương trẻ em trong quá trình xét xử.

Đoàn giám sát đã đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 05 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ; đồng thời có kiến nghị đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Cụ thể:Đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Chính phủ: có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em; Bộ Công an: bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%; Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%; HĐND và UBND thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em giao; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 8.000 trẻ em bị xâm hại trong 4 năm