Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

(TH)| 05/09/2012 08:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (5-9), hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2012 - 2013. Các trường rực rỡ cờ hoa, tưng bừng tổ chức lễ khai giảng.

Là ngày đầu tiên của năm học mới, nên mỗi học sinh có tâm trạng khác nhau. Ấn tượng nhất là học sinh bậc mầm non và tiểu học. Nhiều em còn bỡ ngỡ với ngôi trường mới, thậm chí có bé còn làm nũng cha mẹ, khóc nhè. Tuy nhiên, khi bước vào sân trường, với sự trang trí rực rõ cờ, hoa, các bé đều vui mừng, phấn khởi chào đón năm học mới.

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra rất hồi hộp, xúc động trước buổi Lễ khai giảng. Cha mẹ nào cũng diện cho con bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất, mua cho con cờ, hoa, bóng bay để con cầm tay. Tại trường mầm non Bình Minh, quận Tây Hồ (Hà Nội), lúc 7h30 đông nghịt phụ huynh và học sinh. Rất nhiều phụ huynh thu xếp công việc, ở lại dự lễ khai giảng cùng các con. Tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong buổi lễ khai giảng sáng nay có sự tham dự của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các lãnh đạo Sở GD-ĐT.

Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

 

Bé nào cũng rạng rỡ, tay cầm cờ, hoa chào đón năm học mới

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2012-2013, cả nước có khoảng 22 triệu học sinh các bậc học, trong đó bậc giáo dục mầm non là trên 4 triệu học sinh, giáo dục phổ thông là 15 triệu học sinh, đại học là trên 1,4 triệu em.

Nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên trong cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2011-2012 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý giáo dục có những đổi mới theo hướng tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm và kiểm tra, giám sát trong quản lý giáo dục các cấp. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục vùng khó khăn có mặt được nâng lên. Công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục thu được kết quả tích cực. Nhiều học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế.

Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành Giáo dục, nhất là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã vượt khó vươn lên trong học tập.

Năm học 2012-2013 có ý nghĩa quan trọng, là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Ngành Giáo dục cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cáo chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội chăm lo chăm lo phát triển giáo dục, nhất là giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong giáo dục; tập trung giải quyết một số vấn đề búc xúc như: dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Chủ tịch nước mong và tin tưởng rằng, các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, noi theo các tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Năm học này cũng là năm học toàn ngành tổ chức quán triệt thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục Đại học mới được Quốc hội thông qua. Toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và đẩy mạnh, phát huy những kết quả đã đạt được của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; chú trọng các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; Tăng cường giáo dục đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân, rèn luyện kỹ năng sống cho HS, SV.

Đẩy mạnh đổi mới quản lý giáo dục, tăng cường phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm trong quản lý giáo dục các cấp. Huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư và phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HS, SV giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức và năng lực sư phạm cho đội ngũ thầy, cô giáo; Triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện các trường sư phạm, đặc biệt là các trường đại học sư phạm trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho toàn ngành.

P.Lan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới