Với mục đích xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, năm APEC 2017 hướng tới mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Sự phát triển của APEC sẽ trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới, góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của toàn khu vực.
Trong những năm qua, nỗ lực của APEC trong việc thực hiện hợp tác về tự do hoá thương mại và đầu tư, thuận lợi hoá kinh doanh, hợp tác kinh tế - kỹ thuật đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở khu vực, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo. Hiện nay, cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương phát triển trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và Diễn đàn APEC chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới. Đây là thời điểm các nền kinh tế APEC cần tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn, cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực cũng như toàn cầu đang thay đổi.
Tại buổi đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (SOM 2 APEC), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh việc APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Thế giới đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Quá trình liên kết kinh tế sâu rộng và sự thay đổi công nghệ, đặc biệt là tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề nhanh hơn khả năng tự điều chỉnh của các nền kinh tế. Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và già hóa dân số đặt ra những yêu cầu mới đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.
Về tương lai của Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước cho rằng, trong hai đến ba thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch. Để làm được điều đó, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương
Còn theo ông Donald Campbell, Chủ tịch của Hội đồng PECC thì châu Á - Thái Bình Dương là trọng tâm của những thay đổi và chuyển đổi nhanh chóng đang diễn ra trên thế giới. Các thành viên của Diễn đàn đang đứng trước cơ hội xác định tầm nhìn dài hạn nhằm định hướng cho việc hình thành các chính sách và quy định bảo đảm cho mọi người dân được hưởng lợi từ những thay đổi này. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. APEC cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại một giá trị, vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi.
Ông Pascal Lamy, nguyên Tổng Giám đốc WTO thì nhận định thương mại mở sẽ mang lại nhiều lợi ích. Song để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, các thành viên APEC cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một “thế giới thương mại đang thay đổi”. APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là cơ chế hợp tác linh hoạt, trên cơ sở tự nguyện, không ràng buộc, tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở nhằm đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực. Trong tình hình mới, để tiếp tục khẳng định vai trò của APEC, các nội dung hợp tác của Diễn đàn cần gắn hơn với các vấn đề phát triển bền vững và bao trùm; đẩy mạnh thông tin tới người dân và các doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực hợp tác giữa các thành viên mang lại.
Các đại biểu thảo luận về định hình tương lai hợp tác của APEC
Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển, cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia, thụ hưởng từ sự phát triển, thịnh vượng. “Chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn” đó là mong muốn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với các thành viên APEC. Mô hình đó phải bảo đảm tính bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội; phải góp phần đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo, cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai, các thách thức về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, APEC cần thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số.
Với mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC 2017 tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực; gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả. Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đang đi đúng hướng với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển con người và nâng cao năng lực.
Hiện nay, các thành viên APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi mà kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi chậm chạp khiến thương mại khu vực tăng trưởng chậm lại. Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên triển khai các sáng kiến giải quyết những rào cản nhằm xây dựng, định hình tương lai hợp tác của APEC từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của khu vực, hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng chung, đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.
Làm hết sức mình để tương lai của thế kỷ XXI được khởi nguồn từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là cam kết của các thành viên APEC- một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân, doanh nghiệp.