Lợi dụng sự quen biết và tín nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương, Cao Xuân Thiện cùng vợ là Nguyễn Thị Lan Anh đã sử dụng nhiều mánh khóe hòng chiếm đoạt số tài sản lên tới hàng chục tỉ đồng.
Vụ án gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài đã đi đến hồi kết với mức án trừng trị thích đáng.
Bị cáo Cao Xuân Thiện tại phiên tòa
Từ nhỏ, Cao Xuân Thiện (SN 1968, trú tại Đông Lễ, Đông Hà, Quảng Trị) đã bộc lộ rõ tố chất thông minh, ham học hỏi và cầu toàn so với các bạn cùng trang lứa. Để thực hiện hoài bão lớn lao của mình, Thiện “khăn đùm, khăn gói” vào Nam tham gia các lớp học để tích lũy kiến thức cho bản thân. Sau nhiều lần luân chuyển công tác, với số vốn kha khá giắt lưng, đến năm 2005, Thiện quyết định nghỉ việc, đứng ra thành lập công ty riêng có tên Công ty CP Thái Bảo gồm 4 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 36 tỷ đồng do Cao Xuân Thiện - Chủ tịch HĐQT, vợ là Nguyễn Thị Lan Anh làm Giám đốc.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vợ chồng Thiện vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng và cá nhân. Cụ thể vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị số tiền hơn 43 tỷ đồng, tài sản thế chấp là hơn 2.700 m³ gỗ các loại, gồm nhiều gỗ quý như hương, trắc, cẩm lai…Khi có nhu cầu lớn về vốn đầu tư, vợ chồng Thiện-Anh tự ý xuất bán gần hết số gỗ đang thế chấp mà không được sự đồng ý của ngân hàng. Ngoài ra, vợ chồng Thiện còn vay lãi suất cao của các tổ chức, cá nhân khác với số tiền lên tới 10,9 tỷ đồng. Nhiều khoản vay theo hình thức thỏa thuận, không có giấy tờ hợp pháp nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi bắt được “mẻ lưới” nặng, hai vợ chồng dồn hết vào công việc kinh doanh, tiếp tục vay của người này trả cho người khác. Thời gian đầu, vợ chồng Thiện trả lãi rất sòng phẳng, tích cực, sẵn sàng chi mạnh tay để gây dựng uy tín. Với cái mác “đại gia buôn gỗ”, Cao Xuân Thiện cũng có tên tiếng ở địa phương với mạng lưới khách sạn, nhà hàng mang tên Lan Anh, đồng thời đó cũng là trụ sở chính của Công ty CP Thái Bảo. Lãi suất cao ngất ngưởng và cái lợi trước mắt che mờ, không ít người đã cầm cố nhà cửa, vay mượn của người khác, đem hết tiền của dành dụm được cho vợ chồng Thiện vay. Được đà, hai vợ chồng đánh vào tâm lý hám lợi của các bị hại, tiếp tục sử dụng thủ đoạn lừa vay lãi suất cao thông qua “hợp đồng miệng”, “tin tưởng nhau là chính”. “Con mồi” mà vợ chồng Thiện - Anh giăng bẫy rải khắp từ Bắc chí Nam. Đến khi công việc kinh doanh đổ bể, làm ăn thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản vay, Cao Xuân Thiện và vợ đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú hòng chiếm đoạt số tiền trên. Tới lúc này các bị hại mới vỡ lẽ thì đã quá muộn, toàn bộ số tiền cho vay đều mất trắng, tiền mất tật mang. Nhận thấy không thể thoát khỏi sự nghiêm minh của pháp luật, sau gần 2 năm trốn chui, trốn lủi, Cao Xuân Thiện đã ra đầu thú.
Trước tòa, bà Bùi Thị Minh tỏ ra vô cùng bức xúc.
Tại phiên tòa xét xử, Cao Xuân Thiện thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi đạt được mục đích của mình, Thiện cũng không nhớ rõ số tiền vay và cũng không quan tâm đến lãi sẽ bao nhiêu. Thái độ thiếu trách nhiệm của Thiện trước gia sản của người khác khiến nhiều người ngỡ ngàng. Các bị hại tỏ ra vô cùng bức xúc, họ đâu ngờ mình lại trở thành “con tốt” trong ván bài mà vợ chồng Thiện đã vạch sẵn. Bà Bùi Thị Minh (trú tại phường 3, Tp. Đông Hà) là một trong số những “con tốt” đó. Chỗ “chị em” thân tình với nhau, bất chấp rủi ro cao, bà Minh đem gần 2 tỷ đồng và gần 5.000 USD cho Thiện - Anh vay trong vài ba ngày mà không hề có giấy tờ chứng thực. Sau nhiều lần đến đòi nợ nhưng đều bị khước từ, bà chỉ nhận được lời hứa hẹn viển vông “chị cho em lui ít ngày, sau ni chị cần lúc mô em đưa lúc đó”. Chưa hoàn trả lại số tiền cũ, Nguyễn Thị Lan Anh lại tiếp tục ngỏ ý vay thêm nhưng bị từ chối. “Đó là số tiền chúng tôi phải đổ mồ hôi nước mắt mới có được, đề nghị Tòa xem xét lại vụ án, trừng trị thích đáng vợ chồng Thiện-Anh và sớm thống kê tài sản để hoàn trả lại cho chúng tôi”, bà Minh tỏ ra bức xúc.
Bà Trần Thị Phượng - một trong những bị hại có hoàn cảnh éo le.
Trong số những người bị hại có những trường hợp hoàn cảnh rất éo le. Bà Trần Thị Phượng (trú tại số 7/110 Lý Thường Kiệt, Tp. Đông Hà) bị căn bệnh ung thư hành hạ đã mấy năm qua. Cũng vì nhẹ dạ cả tin và cái lợi trước mắt làm lu mờ, bà đem số tiền tích góp được cho Thiện-Anh vay nóng nhằm kiếm thêm đồng ra đồng vào. 48 triệu đồng là số tiền chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng chục tỷ đồng mà Cao Xuân Thiện và vợ chiếm đoạt, nhưng lúc này nó là số tiền đáng kể để bà Phượng chi trả tiền thuốc men chữa bệnh và sinh hoạt phí hàng ngày. “Tôi ốm đau bệnh tật đã lâu, nhà lại đông con, bao nhiêu việc phải cần đến tiền, mong Tòa giải quyết để tôi sớm được nhận lại tiền đã cho vay”, bà Phượng nghẹn ngào chia sẻ.
Khi được phép nói lời sau cùng, Cao Xuân Thiện tỏ ra ăn năn hối cải: “Bị cáo xin lỗi các bị hại, để xảy ra sự việc này là ngoài mong muốn, mong các bị hại tha lỗi cho bị cáo. Trong thời gian làm việc, bị cáo đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tham gia tích cực vào các phong trào từ thiện. Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo một cơ hội, một mức án thấp nhất để bị cáo sớm hòa nhập với cộng đồng, nuôi dưỡng cha mẹ già, chăm sóc con cái và trở thành một công dân tốt”.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như đã ra đầu thú, khai báo thành khẩn, có cha mẹ là người có công với cách mạng, ở trong trại tạm giam đã giúp đỡ cơ quan điều tra một vụ án khác, HĐXX tuyên phạt Cao Xuân Thiện 15 năm tù về tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đồng thời cùng với Nguyễn Thị Lan Anh liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền là 8,1 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Thị Lan Anh, ngày 31/10/2012, bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phạt 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đối với một số cán bộ công chức liên quan thuộc đơn vị kiểm lâm, ngân hàng không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho Cao Xuân thiện cùng vợ chiếm đoạt tài sản, cần tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Vụ án cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai vì cái lợi trước mắt mà đem tài sản “vứt qua cửa sổ”.
Hoa Đông