Ngày 16/4, dưới sự chủ trì của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TANDTC đã họp về một số nội dung của dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đó, nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã được các thành viên HĐTP nhất trí cao.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Thẩm phán đã cho ý kiến vào các nội dung: Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên; thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của TAND sơ thẩm; cơ cấu tổ chức của TANDTC; Thẩm quyền xét xử của Tòa chuyên trách TAND cấp cao; về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, ngạch Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân…
Cần thiết phải thành lập thêm hai Tòa
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản đồng tình về việc thành lập Tòa gia đình & người chưa thành niên (Tòa GĐ&NCTN) trong dự thảo Luật. Vì từ nhiều năm nay, vấn đề thành lập Tòa này đã được quan tâm, nghiên cứu. TANDTC đã xây dựng Đề án thành lập Tòa GĐ&NCTN trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, theo đó, thời điểm hiện nay việc thành lập Tòa chuyên trách trong cơ cấu tổ chức của TAND là cần thiết. Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, và xử lý NCTN phạm tội nói riêng. Bên cạnh đó, việc thành lập Tòa án này xuất phát từ đặc thù tâm lý của trẻ em, NCTN là đối tượng chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương, suy chấn tâm lý trước những tác động từ bên ngoài, kể cả từ phía cơ quan tiến hành tố tụng… Đặc biệt, việc thành lập Tòa GĐ&NCTN xuất phát từ tình hình ngày càng nhiều NCTN bị xâm hại cần có những biện pháp pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ từ phía Tòa án, đặc biệt là những trường hợp bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bạo hành gia đình… Hơn nữa, việc thành lập Tòa này không chỉ là việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND cho phù hợp với mục đích, yêu cầu giải quyết có hiệu quả các vụ việc về gia đình và hình sự có liên quan đến trẻ em và NCTN mà coi đây là một thiết chế để TAND thực hiện quyền tư pháp được giao.
Quang cảnh buổi họp
Về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND sơ thẩm, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, TAND được giao nhiệm vụ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh, cai nghiện bắt buộc; đồng thời Nghị quyết số 48-NQ/TƯ về hoàn thiện hệ thống pháp luật thì việc thành lập Tòa giản lược chủ yếu thực hiện việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa, giúp Chánh án Tòa sơ thẩm trong việc ra các quyết định về thi hành án theo quy định của pháp luật; ngoài ra, Tòa giản lược sẽ là nơi TAND sơ thẩm tiến hành việc xem xét, giải quyết một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng, các vụ việc dân sự đơn giản, chứng cứ rõ ràng theo thủ tục rút gọn.
Các ý kiến đồng tình và cho rằng, việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức TAND sơ thẩm là rất quan trọng, nhưng đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn, sâu hơn vai trò cũng như tầm quan trọng của Tòa án này.
Nên thi tuyển cán bộ tạo nguồn Thẩm phán
Về cơ cấu tổ chức TANDTC, dự thảo Luật quy định theo hướng tinh gọn từ 13 đến 17 Thẩm phán như định hướng mà Nghị quyết số 49 đã đề ra. Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng cũng đồng tình với quy định này và nhất trí quan điểm tinh gọn cả bộ máy giúp việc nhưng vẫn phải đảm bảo giúp TANDTC và Chánh án TANDTC thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Theo hướng này, dự thảo Luật quy định bộ máy giúp việc TANDTC có 16 đơn vị cấp vụ, cơ bản kế thừa các đơn vị chức năng như hiện nay nhưng có điều chỉnh một số đơn vị cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.
Về việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán, Ban soạn thảo cho rằng đây là vấn đề mới cần được thực hiện từng bước để đảm bảo để phù hợp với tình hình thực tiễn về tổ chức, hoạt động của Tòa án và công tác cán bộ ở nước ta. Theo đó, TANDTC đề nghị chưa đặt ra việc tổ chức kỳ thi quốc gia để tuyển chọn Thẩm phán mà thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán. Những người trúng tuyển nếu là sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật chưa qua công tác thực tiễn thì sẽ được đào tạo nghiệp vụ xét xử. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo này sẽ được tuyển dụng vào làm Thư ký, Thẩm tra viên ở các Tòa án. Khi có đủ các điều kiện sẽ được xem xét tuyển chọn bổ nhiệm làm Thẩm phán.
Nhiều ý kiến đồng tình cao với quan điểm này vì cho rằng Thẩm phán là một nghề có đặc thù riêng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tế mới có thể đảm đương công việc được giao.
Thẩm phán Hoàng Văn Liên, Chánh tòa Tòa Dân sự TANDTC cũng nêu lên việc, nếu tuyển chọn Thẩm phán qua thi tuyển trực tiếp các kỳ thi quốc gia sẽ rất khó khăn, bởi ngoài việc đặc thù đòi hỏi phải có kinh nghiệm chuyên môn, thì Thẩm phán là chức danh do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vậy nên quy định theo hướng thi tuyển để tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán là hợp lý, song đi cùng với đó là việc phải xác định các tiêu chí để thi tuyển, có như vậy mới có thể tuyển lựa được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tòa án.
Về Hội thẩm nhân dân (HTND) và công tác quản lý Hội thẩm, các ý kiến đều nhất trí với phương án mà Ban soạn thảo đưa ra là theo hướng, cơ quan nào bầu Hội thẩm sẽ thực hiện việc quản lý Hội thẩm. Vì hiện nay, HTND sau khi HĐND bầu xong không có cơ quan nào quản lý, chỉ có Tòa án quản lý phần chuyên môn và các chế độ của Hội thẩm, trong khi đó, theo quy định của Luật, khi xét xử, HTND ngang quyền với Thẩm phán.
Phát biểu chỉ đạo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh đến một số những nội dung quan trọng cần chú ý như: Việc thành lập hai Tòa là Tòa GĐ&NCTN và Tòa giản lược có tầm quan trọng rất lớn nên làm sao để dự thảo Luật thể hiện được đúng với vị trí của Tòa án này; làm rõ thêm một số quy định liên quan đến cơ cấu tổ chức các cấp Tòa án; thẩm quyền xét xử của Tòa chuyên trách TAND cấp cao; việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán… để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thời gian sắp tới.