Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội

Phương Nam| 28/04/2019 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng con người.

Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội bao gồm: Chủ nghĩa xã hội là một chế độ do nhân dân làm chủ. Nhà nước phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân để huy động được tính tích cực và sáng tạo của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hoá, đạo đức, trong đó người với người là bạn bè, là đồng chí, là anh em; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết mọi khả năng sẵn có của mình.

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng và hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng; các dân tộc đều bình đẳng, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi.

  Chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định, xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Liên Xô (năm 1959)

Về động lực: Người chỉ rõ, quyết định nhất là con người, là Nhân dân lao động, nòng cốt là công - nông - trí thức. Trong thực hiện, phải kết hợp giữa cá nhân (sức mạnh cá thể) với xã hội (sức mạnh cộng đồng); coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Phải quan tâm tới văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu của chủ nghĩa xã hội. Cần kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng.

Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định: cần căn cứ vào đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước để xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Người viết: “tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản),... Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản)...”.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra những đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó bao trùm lớn nhất là đặc điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, khi nói về độ dài của thời kỳ quá độ, Ngưòi chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”.

Về những nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước; phát huy tính tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Về phương châm xây dựng chủ nghĩa xã hội: Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình phổ biến, có tính quy luật trên thế giới. Nhưng việc xác định bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả năng thực tế của nhân dân. Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thận trọng từng bước một, từ thấp đến cao, không chủ quan, nôn nóng. Người chỉ rõ: “Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và lâu dài”, “phải làm dần dần”, “không thể một sớm, một chiều”, “ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất bại”. Tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh về bước đi của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là phải qua nhiều bước, “bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh”, nhưng “chớ ham làm mau, ham rầm rộ... Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần”.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là thực hiện cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo với xây dựng, trong đó lấy xây dựng làm chính. Kết hợp xây dựng và bảo vệ trong phạm vi một quốc gia (tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau ở hai miền Nam - Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có kế hoạch, biện pháp, đặc biệt là quyêt tâm (chỉ tiêu 1, biện pháp 10, quyết tâm 20) để thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra.

Theo Hồ Chí Minh, biện pháp cơ bản, quyết định, lâu dài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đem của dân, tài dân, sức dân làm lợi cho dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền là tập hợp lực lượng, đề ra đường lối, chính sách nhằm huy động và khai thác các nguồn lực trong dân để phát triển đất nước vì lợi ích của nhân dân. Người luôn luôn nhắc nhở phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, rập khuôn kinh nghiệm nước ngoài, phải suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo ra cách làm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

 (Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội