Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Phương Nam| 14/05/2019 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về công tác cán bộ, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Người nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

“Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên”.

Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Tuy nhiên, Người cũng yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.

Đặc biệt, Hồ Chí Minh phê bình mạnh mẽ việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ theo hướng cục bộ, địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Người viết: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. “Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”. Vì vậy, Người căn dặn: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào...”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu tham gia Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964

Xây dựng Đảng về đạo đức: Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”.

Không như vậy, Đảng sẽ rơi vào thoái hóa, biến dạng, tha hóa, xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Sức mạnh ấy từ dân mà ra, do dân gây dựng, phát triển.

Người cho rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ là con người, ai cũng có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại.

Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một ngưòi cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Về các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng: Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Đảng. Nguyên tắc này thể hiện sự thống nhất hữu cơ, biện chứng giữa “tập trung” và “dân chủ”. Mặt này là điều kiện của mặt kia và ngược lại, về mối quan hệ giữa “tập trung” và “dân chủ” được Hồ Chí Minh khẳng định: tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, là cơ sở của tập trung. Nếu không có sự gắn bó và thống nhất với nhau thì sẽ dẫn tới độc đoán chuyên quyền và tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Tuy nhiên, “tập trung” và “dân chủ” có nội dung cụ thể.

“Tập trung” là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng. Từ đó làm cho Đảng ta “tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”.

Còn dân chủ theo Hồ Chí Minh, là của quý báu nhất của nhân dân là thành quả của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dân chủ được thể hiện tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề mọi người được quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ nội bộ, vì nếu không có dân chủ nội bộ thì sẽ làm cho “nội bộ của Đảng âm u”. Hơn nữa dân chủ trong Đảng mới có thể nói dân chủ trong xã hội, mới định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thật sự.

Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo hay chế độ lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này cũng có hai mặt gắn bó mật thiết với nhau, gắn với nguyên tắc tập trung dân chủ vì tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Người viết: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”.

Cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng của tập thể, kế hoạch định rõ ràng rồi thì giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành, để xác định rõ trách nhiệm và phát huy vai trò của mỗi cá nhân. Người viết: "Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong”. Trong khi thực hiện nguyên tắc phải chống lại căn bệnh độc đoán chuyên quyền, hay ngược lại, dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ