Học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW: Nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Phương Nam| 22/04/2019 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn. Báo Công lý trân trọng giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05- CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nêu rõ: Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW: Nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất phong phú, thể hiện trong toàn bộ di sản và cuộc đời hoạt động của Người, có mối quan hệ thống nhất, biện chứng tạo nên nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh; là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện của Người về đạo đức, vị trí, vai trò của đạo đức, những chuẩn mực giá trị của đạo đức cách mạng và những nguyên tắc xây dựng đạo đức. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động qua chính tấm gương đạo đức của Người, trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm và sinh hoạt hằng ngày. Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người, được thể hiện trong công việc, ứng xử, gần gũi và tự nhiên, có sức thu hút, cảm hoá kỳ diệu.

Xuất phát từ yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, cần tập trung quán triệt và thực hiện những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, đồng thời nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) xác định tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân…

Trong giai đoạn hiện nay, để “tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, cần tập trung nghiên cứu, quán triệt nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sáu nhóm vấn đề: về con đường của cách mạng Việt Nam; về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng văn hóa và con người; về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; về xây dựng Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học tập, triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW: Nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng