Những năm gần đây, thi lớp 10 ở Hà Nội được ví còn khó hơn thi đại học. Năm nay, dẫu Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố phương án thi, nhưng vẫn còn môn thi thứ 4 tháng 3/2019 mới công bố khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh đứng ngồi không yên.
Học sinh tăng cường học ngày, học đêm
Năm nay bước vào lớp 9, với mơ ước được trở thành nữ sinh của trường THPT Thăng Long, em Nguyễn Thị Quỳnh Như - học sinh trường THPT Vĩnh Tuy (Hà Nội) đã tăng cường đi học thêm. Ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ thì Quỳnh Như còn học thêm môn Vật lý và Hóa học.
Theo như thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội, tháng 3 sẽ công bố môn thứ 4. Ảnh Ngô Chuyên.
Quỳnh Như nói: “Sở trường của em là hai môn Toán và tiếng Anh, còn môn Ngữ văn em khá yếu nên em cũng lo lắng, bởi vậy quá trình học trên lớp cũng như học thêm em giành khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, môn thứ 4 là một trong 5 môn còn lại, chính vì vậy Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân em tự ôn ở nhà, còn hai môn Vật lý, Hóa học em có đi học thêm để nếu thi hai môn đó cũng đỡ cập rập, nếu không thi thì xem như tạo "nền móng" cho năm sau”.
Được biết, hiện nay để chuẩn bị cho kỳ thi, cả tuần Quỳnh Như được bố mẹ hỗ trợ việc đưa đón đi học thêm, một tuần chỉ trừ chiều thứ 3 còn lại các ngày khác ngoài học chính thì buổi chiều và buổi tối Quỳnh Như đều đi học thêm.
Cũng giống như Quỳnh Như, nữ sinh Trần Ngọc Anh – học sinh trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cũng “bật” hết công suất để chuẩn bị cho kỳ thi. Ngọc Anh nói: “Năm nay dự kiến giảm 4000 học sinh nhưng em vẫn lo lắm, vì muốn vào được trường tốt thì phải học cẩn thận, còn học dân lập thì thực sự em không muốn bởi vậy áp lực càng chồng chất”.
“Tại sao công bố phương án thi rồi, mà Sở vẫn còn kéo dài môn thứ 4 đến tận tháng 3? Như vậy vô hình chung Sở GD-ĐT Hà Nội đang gây áp lực cho chúng em, trong khi đó Bộ GD-ĐT luôn kêu gọi giám áp lực trong thi cử nhưng những năm gần đây em chẳng thấy giảm được áp lực, mà kỳ thi lớp 10 cả học sinh lẫn cha mẹ đều lo lắng”, Ngọc Anh nói.
Lo nhưng chỉ biết động viên
“Ngoài việc động viên, đầu tư thời gian cho con đi học thêm thì không có cách nào khác để giúp con. Bởi càng ngày, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội tuyển chọn càng khắt khe”, đó là chia sẻ của chị Trần Thị Phương (48 tuổi, ở Thanh Trì – Hoàng Mai, Hà Nội).
Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.
Được biết, năm nay con đầu của chị Phương học lớp 9, nhưng ngay từ năm ngoái chị đã cho con tăng cường học thêm ba môn Toán, tiếng Anh và Ngữ văn.
“Tôi cũng lên mạng để tìm thêm đề thi của các tỉnh để con tập làm quen với dạng đề thi. Đồng thời, trong chương trình học thêm tôi cũng đề nghị các thầy cô sẽ đẩy nhanh chương trình học làm sao ra tết kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa đã xong, con có thể vừa ôn lại kiến thức, vừa luyện đề”, chị Phương chia sẻ.
Còn theo nhiều giáo viên, trước mắt học sinh nên tập trung vào 3 môn thi đã công bố tránh bị tâm lý và áp lực thi cử dẫn đến quá trình học bị đảo lộn.
“Ở thời điểm hiện tại, phụ huynh nên hướng dẫn con tập trung cao độ cho 3 môn thi đã công bố. Cùng với đó, tiếp tục học đều các môn còn lại cho tới thời điểm tháng 3/2019 - khi môn thi thứ 4 được công bố thì tập trung ôn sâu hơn”, TS Phạm Ngọc Hưng - giáo viên môn Toán lớp 9 tại Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Hưng cũng chia sẻ thêm môn thi sẽ có hai dạng là tự luận và trắc nghiệm. Đối với các môn tự luận, điều quan trọng là cần có kỹ năng đọc hiểu đề bài, phân tích, kỹ năng suy luận logic để tìm lời giải, dẫn chứng và chú ý trình bày.
Với bài trắc nghiệm, phụ huynh lưu ý con rèn luyện kỹ năng làm bài như: Kỹ năng đọc và phân tích nhanh vấn đề; phân phối thời gian hợp lý; kỹ năng đánh dấu câu đã làm, câu đã tô trong phiếu trả lời để tránh lặp lại, bỏ sót, tô nhầm mã đề thi, số báo danh hay đáp án.