Kỳ tuyển dụng công chức năm 2014 trên địa bàn Hà Nội cũng như ở TP. HCM có sức hút mạnh mẽ đến nỗi ứng viên gây tắc cả một đoạn đường. Đáng chú ý nhất là chuyện thi vào ngành thuế với 14.000 hồ sơ.
14.000 hồ sơ thi vào ngành Thuế Hà Nội, TP.HCM
Cục Thuế Hà Nội chỉ có 340 chỉ tiêu nhưng nhận tới 9.000 hồ sơ thi tuyển trong khi TP. HCM tiếp nhận khoảng 5.000 ứng viên cho 540 vị trí tuyển. Không thể bình luận gì hơn về sức hấp dẫn “ảo” của công việc “nhạy cảm” từng được người đứng đầu Chính phủ nói thẳng ra hiện tượng “chia mấy” của các nhân viên thuế vụ mất nết .
Tuyển công chức ở Hà Nội vừa qua có 41 người thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển, nhưng vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch. Hình thức sát hạch: bằng bài viết và phỏng vấn trực tiếp. Họ là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Tuy nhiên,10 thí sinh đã bị trượt tại kỳ kiểm tra sát hạch. Trong 4 thí sinh bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài bị trượt, có 3 người là thạc sĩ.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết nhà trường có một Tiến sĩ Vật lý ở Pháp về bị trượt công chức trong kỳ thi vừa qua. Hiện giáo viên này vẫn giảng dạy theo diện hợp đồng lao động và theo quy chế thì Tiến sĩ này không thuộc diện ưu tiên.
Còn nhớ, việc kiểm tra sát hạch những người thuộc diện đặc cách ứng tuyển vào công chức thủ đô năm 2013 cũng có kết quả tương tự. Năm 2013, có 43 thí sinh thuộc diện đặc cách, qua sát hạch có 9 người không đạt, trong đó có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nước ngoài. Đừng nói rằng đây là chuyện học tài thi phận bởi đây không phải thi mà là sát hạch bằng bài tự luận. Viết lách đâu phải là chuyện dễ và không ít cử nhân không viết nổi cái đơn xin việc, không trình bày được hiểu biết tối thiểu của mình về cơ quan mình đang xin vào.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2007) cho rằng, đã gọi là tuyển thẳng lại còn qua kiểm tra, sát hạch thì không khác gì một kỳ thi. Hơn thế việc tổ chức kiểm tra, sát hạch làm mất đi ý nghĩa của việc trải thảm đỏ thu hút nhân tài của Hà Nội.
Việc các thủ khoa bị loại sau kỳ kiểm tra, sát hạch có thể gây hiệu ứng phản cảm cho xã hội. Hà Nội đã tổ chức vinh danh thủ khoa thì nên tuyển thẳng họ vào cơ quan công sở. Sau một thời gian nhất định để họ thể hiện khả năng thì tổ chức đánh giá năng lực làm việc và đưa ra quyết định nhận hay không. Hoặc thành phố cho thủ khoa thi tuyển công chức cùng những người khác và cộng số điểm ưu tiên nhất định cho họ.
Các chuyên gia nhận xét rằng, đang có xu hướng muốn được làm việc trong các cơ quan nhà nước tăng cao ở giới trẻ. Năm ngoái có 123 thủ khoa thì có tới 65 người có nguyện vọng làm việc tại các cơ quan nhà nước, năm nay có 132 thủ khoa, thì 70 người có nguyện vọng đi làm tại các cơ quan nhà nước.
Xem ra học hành và thi cử vẫn là chuyện dài kỳ.