Theo Bộ LĐ-TB& XH, do tác động của tội phạm ma tuý trong khu vực, thế giới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Tội phạm ma túy gia tăng
Năm 2013, cả nước đã phát hiện, điều tra 21.188 vụ, bắt 32.332 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 940kg heroin, 117kg thuốc phiện, 323.772 viên ma túy tổng hợp. VKSND và TAND các cấp đã đưa ra truy tố, xét xử 15.671 vụ/20.245 bị cáo. Đến ngày 15/11/2013, cả nước có 181.396 người nghiện ma túy, tăng 5,4% so với năm 2012. Đáng lo ngại, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn. Tệ nạn sử dụng ma túy tổng hợp đang tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn về trật tự, an toàn xã hội và lo lắng, bức xúc cho cộng đồng.
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, trong năm 2013 số vụ, số đối tượng và lượng ma túy bị bắt giữ đều tăng. Hai tuyến biên giới Việt - Lào, Việt - Trung vẫn còn rất phức tạp, riêng hai tuyến này đã bắt giữ 5.339 vụ (chiếm 30%) với gần 7.000 đối tượng, thu giữ gần 300kg heroin. Báo cáo của UBQG phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, có những vụ thu giữ đến 265 bánh heroin hoặc hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp. Trong quá trình vận chuyển, hầu hết các đối tượng tội phạm đều trang bị vũ khí và chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.
Các tổ chức tội phạm vận chuyển ma túy, tiền chất từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc đi nước thứ ba qua đường hàng không ngày càng tinh vi với số lượng lớn. Ví dụ như vụ 600 bánh heroin đi Đài Loan, vụ bắt giữ 103 heroin, 244kg ma túy tổng hợp… Vì lợi nhuận cao nên đối tượng phạm tội ma túy sẽ bất chấp thủ đoạn, có thể phát triển rất đa dạng về lứa tuổi và thành phần phạm tội trong thời gian tới. Thời gian qua đối tượng phạm tội ma túy ở các địa phương thường tập trung ở độ tuổi từ 18-35 tuổi. Tuy nhiên, số người nghiện ma túy vẫn có thể sẽ tăng nhưng với mức độ chậm hơn, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh, sinh viên. Vì vậy, ngày càng xuất hiện tình trạng trẻ hoá đối tượng nghiện ma túy.
TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử lưu động vụ án mua bán 4.400 bánh heroin
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi và xảo quyệt hơn. Bởi vì, các lực lượng chức năng ngày càng tấn công quyết liệt bao nhiêu thì các đối tượng phạm tội ngày càng thận trọng bấy nhiêu và nhận thức rõ hơn hậu quả pháp lý phải gánh chịu do hành vi phạm tội gây ra. Chúng khai thác triệt để các thành tựu mới của khoa học kỹ thuật vào quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật. Bọn phạm tội ma túy có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước với các đối tượng nước ngoài, móc nối với các cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, hình thành các băng nhóm chuyên tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy. Sẽ xuất hiện các vụ nhập lậu tiền chất và các hoá chất để sản xuất ma túy. Có sự móc nối giữa bọn tội phạm ở ngoài xã hội với các đối tượng tiêu cực trong cơ sở quản lý, sản xuất, bào chế thuốc tân dược gây nghiện cũng như các hoá chất trong các cơ sở y dược, phòng thí nghiệm và các cơ sở công nghiệp hoá chất. Có vụ khi bị phát hiện, bọn tội phạm ma túy đã và sẽ sử dụng vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ. Vì vậy, cuộc chiến chống ma túy ở nước ta trong thời gian tới ngày càng quyết liệt và nguy hiểm hơn.
Chú trọng xét xử lưu động các vụ án ma túy
Tại khóa họp lần thứ 57 Ủy ban phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) vừa qua, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, toàn diện, đồng bộ và cân bằng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa do ma túy gây ra với phương châm lấy phòng ngừa làm chính, lấy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức là cơ bản, từ đó thúc đẩy sự đồng tình và tích cực tham gia của toàn dân vào các chương trình, hoạt động phòng chống ma túy.
Góp phần vào cuộc chiến chống tội phạm ma túy, thời gian qua hệ thống TAND các cấp đã đưa ra xét xử nhiều vụ án ma túy, trong đó có những vụ án ma túy lớn như TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử 89 bị cáo trong đường dây mua bán hơn 4.400 bánh heroin, 323.478 viên hồng phiến và 35kg ma túy đá. HĐXX đã tuyên phạt 30 bị cáo phải chịu mức án cao nhất là án tử hình; 13 bị cáo lãnh án chung thân; các bị cáo khác nhận mức án dưới 20 năm… Bên cạnh đó, TAND các cấp đã chú trọng đến việc xét xử lưu động các vụ án ma túy nhằm tuyền truyền, giáo dục pháp luật cho người dân. TAND các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để lựa chọn một số vụ án trọng điểm về ma tuý đưa ra xét xử lưu động tại các địa bàn phức tạp, nhức nhối về tệ nạn ma tuý.
Mặc dù kinh phí cấp cho công tác xét xử lưu động cho các TAND địa phương còn thấp, việc tổ chức phiên tòa lưu động còn rất khó khăn, nhất là địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa, nhưng TAND các cấp đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức tốt các phiên toà xét xử lưu động. TAND các cấp đã phân công cán bộ, Thẩm phán có năng lực chuyên môn tốt sớm tiếp cận hồ sơ vụ án để nhanh chóng đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất, đảm bảo việc xét xử các vụ án về ma túy được tiến hành đúng pháp luật, không để án quá hạn luật định, tồn đọng; kiên quyết không bỏ lọt tội phạm. Một số địa phương thuộc địa bàn trọng điểm đã thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy.
Qua thực tiễn xét xử các vụ án ma túy, một số chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước xem xét, tăng kinh phí cho các Toà án địa phương để tổ chức xét xử lưu động các vụ án về ma tuý. Bên cạnh đó, cần đầu tư thích đáng về con người và cơ sở vật chất, phương tiện cho các lực lượng chủ chốt trong công tác phòng chống tội phạm ma túy và các lực lượng liên quan, trong đó có hệ thống TAND các cấp.