Vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình): Sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 12 tới

Mai Thoa| 17/11/2015 23:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều nay 17/11, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, cuối tháng 11 này hoặc đầu tháng 12 tới, TAND tỉnh Thái Bình sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm để xử lý dứt điểm.

Vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình): Sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 12 tới

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Giải thích kỹ thêm về vụ án của ông Lương Ngọc Phi, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, quan điểm của lãnh đạo TANDTC là không để xảy ra án oan sai và nếu điều đó xảy ra thì phải bồi thường thiệt hại đối với người bị kết án oan.

Trên tinh thần đó, với vụ án của ông Phi thì việc kết án oan này xảy ra từ năm 2000. Thời điểm 2001, VKS đình chỉ điều tra vụ án đồng nghĩa Tòa án đã làm oan sai cho ông Phi và sau đó không có kháng nghị. Tuy nhiên, thời điểm đó pháp luật về bồi thường oan sai chưa có, mãi đến năm 2003 mới có Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có hiệu lực sau đó. Cho nên đến năm 2004, ông Phi mới có đơn yêu cầu bồi thường.

Đến 2006, do không xác định được cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường cho ông Phi nên vụ việc được đẩy lên tới Quốc hội. Thời điểm đó là Quốc hội khóa X và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã kết luận Tòa án phải bồi thường. Từ đó, Tòa án nhận trách nhiệm phải bồi thường và theo Nghị quyết 388, việc bồi thường có 2 giai đoạn. Một là thương lượng và nếu thương lượng thành thì thực hiện việc bồi thường theo thương lượng. Nếu thương lượng không thành thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án. Sau đó, ông Phi đã khởi kiện và đưa ra nhiều mức bồi thường.

Cụ thể, từ 2004 ông Phi đã yêu cầu bồi thường dân sự 18 tỷ đồng, năm 2006 yêu cầu bồi thường 35 tỷ, năm 2013 là 54 tỷ và năm 2015 là 64 tỷ đồng. Bản án cuối cùng buộc Toà án tỉnh Thái Bình bồi thường 23 tỷ đồng. Toà án tỉnh kháng cáo, nguyên đơn là ông Phi cũng kháng cáo nên vụ việc kéo dài.

Chánh án TANDTC đã yêu cầu Tòa án tỉnh Thái Bình phải nhanh chóng giải quyết vụ việc, nhanh chóng đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.  Và theo tinh thần TAND tỉnh Thái Bình vừa báo cáo, cuối tháng 11 này hoặc đầu tháng 12 tới sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm để xử lý dứt điểm vụ việc.

Còn về ý kiến như ĐB Bùi Văn Xuyền nói "nếu Tòa án tỉnh Thái Bình rút kháng cáo thì ông Phi cũng sẽ rút”, Chánh án TANDTC cho rằng: Tòa án tỉnh một bên trong tố tụng là bên bị, ông Phi là bên nguyên và nếu như cả ông Phi và Tòa án tỉnh rút đơn thì đương nhiên bản án sơ thẩm được công nhận và có hiệu lực pháp luật. Còn nếu giữa ông Phi và Tòa án tỉnh có thương lượng thì đây là án dân sự. Hai bên đều được quyền thương lượng và nếu thương lượng thành thì kết quả thương lượng đó sẽ được công nhận và thi hành.

“Trên tinh thần pháp luật, Chánh án ủng hộ việc thương lượng này, nhưng nếu nói phải thương lượng như thế nào thì Chánh án không có quyền chỉ đạo như vậy” - Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, ông Lương Ngọc Phi bị truy tố 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản XHCN và Trốn thuế. Bản  án hình sự sơ thẩm đã tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, 3 năm tù về tội Trốn thuế, tổng cộng hình phạt 17 năm tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Phi kháng cáo. Bản án phúc thẩm đã tuyên ông Phi không phạm tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạn tài sản XHCN; hủy một phần án trốn thuế để điều tra lại. Sau đó Viện kiểm sát cũng đã đình chỉ điều tra về hành vi trốn thuế. Do đó, Tòa án có trách nhiệm phải bồi thường.

Bản án dân sự sơ thẩm ngày 21/7/2009, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông Phi hơn 660 triệu đồng. Bản án  này đã thực hiện xong.

Sau đó, ông Phi tiếp tục yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với 3 cơ quan tiến hành tố tụng. Ông Phi có đơn yêu cầu vào ngày 8/1/2013, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn hơn 54 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ngày 26/8/2013, TAND TP Thái Bình quyết định bồi thường tổng cộng hơn 21,4 tỷ đồng; bác yêu cầu các khoản khác của ông Phi.

Sau phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình có công văn đề nghị TANDTC thẩm định bản án sơ thẩm để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì căn cứ bồi thường chưa đảm bảo khách quan.

Tiếp đó, TANDTC đã có quyết định kháng nghị đối với bản án nêu trên, lý do là có nhiều sai lầm nghiêm trọng trong định giá tài sản, bồi thường thiệt hại khi thu giữ tài sản của ông Phi sau khi phát mãi số liệu chưa chính xác... Sau đó, Bản án đã được Uỷ ban Thẩm phán của TAND tỉnh Thái Bình chấp nhận và đã hủy bán án cũ để xét xử lại. Ngày 10/8/2015, TAND TP Thái Bình đưa ra xét xử, buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi gần 23 tỷ đồng. Bản án được tuyên và chưa có hiệu lực thì ông Phi lại kháng cáo tiếp, vì vậy việc giải quyết vụ án này theo trình tự phúc phẩm.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thắng thắn: “Cách giải quyết duy nhất là theo trình tự tố tụng. Còn có cam kết dứt điểm trong năm 2015 hay không thì theo thẩm quyền giải quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm, Chánh án TANDTC không có quyền can thiệp thẩm quyền xét xử của Hội đồng phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét xử của mình có đúng hay không. Chánh án TANDTC chỉ có yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm phải giải quyết vụ án đúng pháp luật, còn không có quyền can thiệp nội dung. Điều này đúng theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Nguyên nhân chậm hoàn trả oan sai ở đây cần nói rõ là vụ án thứ nhất là hoàn thành, còn vụ kiện thứ 2 năm 2013 mới khởi kiện và đang giải quyết theo trình tự tố tụng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình): Sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào tháng 12 tới