Tòa án thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, bảo vệ công lý

Mai Thoa - Minh Giang| 15/03/2016 18:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 15/3, TANDTC tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, truyền thông về việc tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn chủ trì buổi họp báo.

Hiệu quả từ cải cách tư pháp

Tại buổi họp báo, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp; thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014... trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015, cùng với việc hoàn thành các chỉ tiêu trong xét xử, các TAND đã khẩn trương, nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án về cải cách tư pháp và đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.  Do đó, vị thế và chất lượng công tác của Thẩm phán, của các Tòa án được nâng cao, làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ XHCN và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong giai đoạn mới, góp phần củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Tòa án thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, bảo vệ công lý

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại buổi họp báo

Để thi hành Luật Tổ chức TAND, TANDTC đã khẩn trương sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và hoàn thành việc xây dựng 4 cấp Tòa án, gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.  Đồng thời, triển khai xây dựng Đề án thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Ngày 21/01/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh và tương đương. Trong tháng 4/2016, TANDTC sẽ tổ chức Hội nghị Triển khai thành lập các Tòa chuyên trách tại các Tòa án, đặc biệt là thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.

Công tác triển khai, thi hành án lệ được TANDTC bảo đảm thực hiện. Trong tháng 3/2016 này, TANDTC sẽ tổ chức 02 cuộc Hội thảo (ngày 16/3 tại Hà Nội và ngày 19/3/2016 tại TP.HCM) để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia pháp lý, các nhà hoạt động thực tiễn, góp ý đối với một số bản án, quyết định Giám đốc thẩm bước đầu được lựa chọn để giới thiệu làm án lệ. Đầu quý  II/2016, TANDTC sẽ xuất bản Tập án lệ đầu tiên áp dụng cho các Tòa án trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, TANDTC cũng đẩy mạnh các biện pháp đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, một trong 5 giải pháp đột phá mà TANDTC đề ra trong những năm qua là: Đổi mới công tác hành chính - tư pháp tại các Tòa án nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án. Đó là: Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, loại bỏ các loại giấy tờ, thủ tục không cần thiết, áp dụng quy trình một cửa, một dấu liên thông; Giáo dục cán bộ Tòa án về quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ và tinh thần, ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, thực sự là công bộc của dân; Kêu gọi các tổ chức, cá nhân hợp tác với các Tòa án phản ánh, góp ý, tố giác các hành vi, thái độ hống hách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đòi hối lộ, tham nhũng; kiên quyết chống hành vi bồi dưỡng, đưa hối lộ. Tiến tới xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2020, hướng tới xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, từng bước xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhiều biện pháp bảo đảm Tòa án bảo vệ công lý

Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bồi thường oan sai và ban hành án lệ. Các nhà báo đều đánh giá, công tác giải oan đối với người bị oan của TANDTC thời gian qua rất kịp thời, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vụ án ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và ông Lương Ngọc Phi (Hải Phòng), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, TANDTC đã có những chỉ đạo quyết liệt và TAND tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức kiểm điểm cán bộ, Thẩm phán có liên  quan đến vụ án và gửi kết quả về TANDTC. “Đây là vụ án liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn nên lãnh đạo TANDTC đã giao cho bộ phận chuyên môn xem xét. Trên cơ sở đó, sau khí có kết quả, TANDTC sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này. Còn vụ án ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), ngay sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, TANDTC đã ra quyết định bồi thường và đến nay mọi việc đã hoàn tất” - Phó Chánh án khẳng định. 

Tòa án thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, bảo vệ công lý

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trả lời báo chí

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc đào tạo 3 chức danh tư pháp tại Học viện Tòa án có bị trùng lặp với các cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp của Bộ Tư pháp và VKSNDTC hay không, Phó Chánh án Nguyễn Sơn cho biết, năm 1960, Trường Tư pháp Trung ương được thành lập trực thuộc TANDTC, sau này đổi tên thành Trường Cán bộ Tòa án. Ngôi trường này đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Nhiều thế hệ cán bộ Tòa án các cấp và cơ quan tư pháp khác đã được đào tạo và trưởng thành từ Trường Cán bộ Tòa án. Năm 1982, TANDTC đã chuyển giao công tác quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức sang Bộ Tư pháp, Trường Cán bộ Tòa án được sáp nhập với Trường Đại học pháp lý (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội) trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp.

Sau khi sáp nhập, năm 1994, TANDTC đã thành lập Trường Cán bộ Tòa án. Mới đây Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Tòa án; đào tạo nghiệp vụ xét xử cho các chức danh tư pháp; đào tạo đại học, sau đại học nhằm tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán có chất lượng cao cho các Tòa án. Học viện đã tổ chức nhiều phương thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp cho cán bộ, Thẩm phán; tổ chức thi vào các ngạch và nâng ngạch Thẩm phán, đảm bảo hoàn thiện đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp, đáp ứng yêu cẩu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Ngày 21/03/2016 tới đây, TANDTC sẽ tổ chức Lễ ra mắt Học viện Tòa án và Công bố kế hoạch đào tạo Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp và đào tạo sau đại học. Đồng thời, Học viện Tòa án đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền triển khai các thủ tục cần thiết, phấn đấu sớm chiêu sinh khóa Đại học Tòa án đầu tiên trong năm 2016. 

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cũng cho biết thêm, công tác cải cách hành chính - tư pháp thời gian qua đã triển khai và triển khai rất hiệu quả tại TAND các cấp. Trong yêu cầu cải cách hành chính có nội dung kêu gọi tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp tố cáo cán bộ sách nhiễu, tham nhũng, hối lộ và tiếp nhận thông tin qua các hình thức: tiếp dân ở TANDTC, các TAND và tổng hợp thông tin từ báo chí phán ánh. Việc tiếp nhận thông tin sẽ đảm bảo an toàn, bí mật cho người tố cáo.

Về việc ban hành, triển khai án lệ, Phó Chánh án Thường trực Bùi Ngọc Hòa cho biết, ngày 29/10/2015, TANDTC đã công bố Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đây chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch.

Trước mắt, sẽ lựa những Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để đưa ra hội nghị các nhà khoa học cho ý kiến nhằm chọn lựa làm án lệ, còn về sau này sẽ lựa chọn cả những bản án sơ thẩm, phúc thẩm mẫu mực làm án lệ.

Với tinh thần làm việc thẳng thắn và trách nhiệm, các lãnh đạo TANDTC đã chia sẻ những kết quả đạt được của cải cách tư pháp và nhiệm vụ của TAND trong thời gian tới. Lãnh đạo TANDTC cũng đánh giá, báo chí nói chung là kênh phản biện quan trọng trong quá trình đồng hành cùng Tòa án nhằm truyền tải hiệu quả hơn nữa công tác và nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ công lý của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án thực hiện hiệu quả cải cách tư pháp, bảo vệ công lý