TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Trần Minh Giang| 14/03/2016 16:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 14/3, TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong các TAND. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo TANDTC; Thẩm phán TANDTC; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, Thanh tra Chính phủ; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TANDTC và lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAQS các cấp… 

TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bô Chính trị, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh: Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng với mục đích nhằm đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; thực trạng tham nhũng và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; đặc biệt là việc xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án kể từ khi có Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho đến nay. Hội nghị cần làm rõ những kết quả đã đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện căn bản hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới (2016-2020).

Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ đánh giá toàn diện, sâu sắc làm rõ những kết quả đạt được, chưa đạt được, phân tích nguyên nhân của những thành công và hạn chế trong việc triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những định hướng và giải pháp thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất các nội dung đóng góp để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng; việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng như hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm này thông qua hoạt động xét xử của TAND.

TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày báo cáo tại Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo TANDTC, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trình bày Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Báo cáo chuyên đề về công tác xét xử tội phạm tham nhũng của TAND. Theo đó, qua 10 năm thực hiện, TANDTC nhận thấy về cơ bản hệ thống Tòa án đã và đang thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, trong đó có các vụ án tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005 và các Luật sửa đổi, bổ sung); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Trong xét xử các vụ án tham nhũng, 10 năm qua TAND các cấp đã giải quyết 4.323 vụ án/11.080 bị cáo.  Khi xét xử  đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Do vậy, trong 10 năm qua (từ năm 2005 đến năm 2015), trong hệ thống Tòa án ít để xảy ra các hành vi tham nhũng. Đối chiếu các nội dung, yêu cầu mà Luật phòng, chống tham nhũng cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã đề ra thì công tác phòng, chống tham nhũng của hệ thống Tòa án về cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Kết quả này xuất phát từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng của hệ thống Tòa án. Trong quá trình thực hiện, Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ và lãnh đạo TANDTC đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác trọng tâm, tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng nên đã tạo ra được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức TAND, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Ngoài ra, việc mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác này nên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử và luôn chấp hành nghiêm các quy định, nội quy của cơ quan, đơn vị, cũng như các quy định về phòng, chống tham nhũng. Đây là điều kiện, là tiền đề quan trọng để công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống TAND đạt kết quả tốt.

TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những mặt tích cực, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng chỉ ra những hạn chế chủ quan trong công tác này như: một số cơ quan, đơn vị, Tòa án địa phương vẫn còn tình trạng có cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gin đạo đức, lối sống nên vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế của cơ quan, vi phạm kỷ luật Đảng và thậm chí vi phạm pháp luật. Ở một số đơn vị, người đứng đầu, cán bộ công chức, đảng viên có biểu hiện né tránh hoặc ngại va chạm trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thậm chí cá biệt có trường hợp còn có biểu hiện bao che cho hành vi tham nhũng…

Về nguyên nhân khách quan, vấn đề phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như nỗ lực thực hiện của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, đòi hòi phải áp dụng những giải pháp đồng bộ, từ việc xây dựng thể chế, cải cách bộ máy nhà nước và nền hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đến việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ chống tham nhũng. Vì vậy, công tác này đòi hỏi phải có thời gian, có bước đi phù hợp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đồng thời phải phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của xã hội thì mới đạt được kết quả như mong đợi.

Trong phần tham luận và đóng góp ý kiến, lãnh đạo Ban Thanh tra, Vụ Giám đốc - Kiểm tra I TANDTC, TAQS Trung ương, TAND TP Hà Nội, TAND TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ… cơ bản đồng thuận với Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của TANDTC. So sách kết quả, hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay với thời điểm trước năm 2005, nhận thấy những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt đổi với công tác phòng, chống tham nhũng; nhiều biện pháp mạnh đã được áp dụng để phòng, chống tham nhũng; do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây đạt được thêm nhiều kết quả tích cực; nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng khả thi đã được ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Các đại biểu cũng nêu lên thực trạng tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản và uy tín của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng vẫn còn chậm và chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; do vậy, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn, thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội.

TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Đồng chí Trương Hòa Bình tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2005-2015

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu đã kiến nghị những giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng; kiện toàn cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng theo hướng nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chổng tham nhũng độc lập với hệ thống cơ quan hành chính. Nhóm giải pháp đối với hệ thống Tòa án, cần khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” trong các TAND; kịp thời khen thưởng, tuyên dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng…

TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Đồng chí Trương Hòa Bình tặng Bằng khen cho các cá nhân

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng TANDTC đã công bố danh sách 37 tập thể và 38 cá nhân được tặng Bằng khen của Chánh án TANDTC vì đã lập thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2005-2015. Thay mặt TANDTC, đồng chí Trương Hòa Bình đã tặng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ: Với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, trong công tác phòng, chống tham nhũng, TAND luôn chủ động, tích cực, đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Luật Phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cả kinh tế và tư pháp, vừa mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức mà tham nhũng là một biểu hiện, một lực cản cho quá trình phát triển đất nước. Từ đó, đòi hỏi Tòa án cần phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực có chất lượng cao, nắm vững các nội dung quy định của công pháp và tư pháp quốc tế, luật pháp trong nước; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các thế chế và các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật đế đảm bảo giải quyết tốt các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các tội phạm truyền thống và phi truyền thống, nhất là các tội về tham nhũng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các TAND cần tiếp tục thực hiện 5 giải pháp đột phá mà TANDTC đã đề ra. Mỗi cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống TAND phải luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng