TANDTC tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW

Quang Trung| 22/09/2015 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/9, tại TP.Hồ Chí Minh, TANDTC tổ chức hội nghị góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện pháp luật đến năm 2010,định hướng đến năm 2020.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Trần Hồng Nguyên, Ủy viên chuyên trách thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; các Phó Chánh án TANDTC; các Thẩm phán TANDTC; các TAND cấp cao; đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Việc tổng kết Nghị quyết số 48 là nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong 10 năm qua với trọng tâm là công tác hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hội nhập quốc tế; phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

TANDTC tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW

Quang cảnh Hội nghị

Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, việc tổng kết phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải bảo đảm tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn; bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định trong Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị. Việc tổng kết phải làm rõ những kết quả đạt được, chưa đạt được so với yêu cầu đề ra của Nghị quyết 48; của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; phân tích nguyên nhân của những thành công và hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 48; trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất những định hướng và giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nghị quyết góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo dự thảo báo cáo của Ban Cán sự Đảng TANDTC, xác định việc tổ chức quán triệt Nghị quyết số 48-NQ/TW trong các TAND đã được thực hiện nghiêm túc, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của CBCC đối với các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của các TAND, giúp cho cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong quá trình thực hiện, đồng chí Chánh án, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng TANDTC luôn trực tiếp chỉ đạo sát sao bảo đảm cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt được kết quả hết sức khả quan. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhìn chung kịp thời đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong giai đoạn 2005-2015, TANDTC được giao chủ trì xây dựng 7 dự án luật, 9 dự án pháp lệnh, 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh. Đến nay, Quốc hội đã thông qua 4 Luật, 3 Nghị quyết; Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua 7 Pháp lệnh. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII, TANDTC đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với 2 dự án Luật, hiện các dự án luật này đang được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Đối với các dự án luật, pháp lệnh còn lại, TANDTC đã đề nghị và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thu hút vào các dự án luật liên quan. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được giao chủ trì soạn thảo, TANDTC còn tham gia đóng góp ý kiến đối với 45 dự án luật và 2 dự án pháp lệnh do cơ quan khác chủ trì soạn thảo có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án.

Trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, TANDTC luôn quán triệt và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 48-NQ/TW và các văn kiện khác trong các dự thảo luật, pháp lệnh, đảm bảo các quy định của pháp luật phải phù hợp với các điều kiện thực tiễn và có tính khả thi. Về công tác tổ chức thi hành pháp luật, trong giai đoạn 2005-2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 24 Nghị quyết; Chánh án TANDTC đã ban hành 1 Thông tư; TANDTC cũng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và ban hành 13 thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính…; phối hợp với liên ngành tư pháp Trung ương xây dựng và ban hành 45 thông tư liên tịch. Bên cạnh đó, TANDTC cũng ban hành nhiều công văn trao đổi nghiệp vụ để TAND cấp tỉnh, cấp huyện tham khảo trong công tác xét xử.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết

Định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục làm rõ hơn và thể hiện đầy đủ nội hàm quyền tư pháp trong các văn bản luật tố tụng. Tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán và HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, của đương sự. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của Tòa án. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Toà án có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48, Ban cán sự Đảng TANDTC kiến nghị cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp mà Nghị quyết số 48-NQ/TW đã đề ra. Kiến nghị Quốc hội bổ sung biên chế CBCC Tòa án, biên chế Thẩm phán cho các TAND để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án. Bên cạnh đó đề nghị Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ của Toà án, về quyền con người, quyền công dân trong các văn bản pháp luật nói chung, các luật tố tụng nói riêng trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng TANDTC đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chế độ chính sách, bổ sung kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xét xử của Tòa án.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đánh giá những ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự thảo rất nghiêm túc, có chất lượng cao và tâm quyết. Nhiều ý kiến rất sát với thực tiễn công tác xét xử của Tòa án, đây là những góp ý rất quan trọng và chất lượng để bổ sung vào dự thảo. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị Vụ pháp chế và quản lý khoa học tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu bổ sung những kết quả TAND đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời cần làm rõ những việc chưa đạt được yêu cầu, đánh giá nguyên nhân hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục để hoàn thiện dự thảo báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW