Nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam trong khu vực và trên thế giới

Trần Minh Giang (thực hiện)| 27/01/2017 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong quá trình cải cách tư pháp, hệ thống TAND luôn tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với Tòa án các nước trong khu vực và trên thế giới; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn về pháp luật và tư pháp quốc tế.

Ngoài ra, TAND cũng thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các nguồn tài trợ của nước ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động của TAND, TAQS các cấp. Nhân dịp Tết đến Xuân về, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền về hội nhập và hợp tác quốc tế của TAND trong quá trình cải cách tư pháp.

Phóng viên: Phó Chánh án đánh giá như thế nào về hợp tác quốc tế của hệ thống TAND trong thời gian qua?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: Tòa án đóng vai trò trung tâm trong quá trình cải cách tư pháp; một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp, tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường phối hợp chung trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có tính chất quốc tế. Bên cạnh đó, các hiệp định quốc tế song phương và đa phương, hệ thống những văn bản luật quốc gia liên quan đến lĩnh vực tương trợ tư pháp, thương mại quốc tế cũng đặt ra yêu cầu TAND các cấp tích cực tham gia công tác quản lý nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam.

Hiện nay, TAND có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị, được khẳng định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Để làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, TAND đã chủ động tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương; trong đó nâng tầm quan hệ toàn diện với Tòa án các nước láng giềng, đối tác chiến lược, quan trọng và những nước trong khu vực. Mặt khác, TAND mở rộng tham gia các tổ chức, diễn đàn quốc tế về pháp luật, tư pháp; xây dựng cơ chế thực thi nghĩa vụ quốc gia trong các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia thuộc trách nhiệm của TAND; tiếp tục thực hiện tốt các dự án hỗ trợ kỹ thuật; chủ động kêu gọi và tranh thủ các nguồn tài trợ từ nước ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Phóng viên: Hợp tác quốc tế của TAND được thể hiện ở những hoạt động nào, thưa Phó Chánh án?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Hàng năm TANDTC, TAQS Trung ương tổ chức nhiều đoàn Đoàn cán bộ Tòa án đi thăm, làm việc với Tòa án các nước để học hỏi kinh nghiệm trong cải cách tư pháp, tổ chức bộ máy hoạt động của Tòa án các cấp và xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều Đoàn đại biểu của các TAND địa phương cũng chủ động sang thăm, làm việc với TAND các nước có chung đường biên giới Việt Nam- Lào- Campuchia và Tòa án các nước trong khối ASEAN có ký kết biên bản ghi nhớ với TAND Việt Nam. Việc trao đổi các đoàn ở địa phương đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam trong khu vực và trên thế giới

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền và ông Giles Lever, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len, ký kết tài trợ cho TANDTC Việt Nam 

Hiện nay, TANDTC Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận và Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với TATC 17 nước trên thế giới, trong đó có những đối tác truyền thống và hoạt động hiệu quả như TANDTC Lào, TATC Campuchia, TATC Liên bang Nga, TATC Liên bang Úc, TATC Hàn Quốc, TANDTC Trung Quốc, TATC Hungary, TATC Rumani, TANDTC Cuba, TATC  Bungari, TATC Angeria… Trong hoạt động, TAND Việt Nam và Tòa án các nước hướng đến đa dạng hóa hình thức hợp nhằm trao đổi kinh nghiệm xét xử; quản lý hệ thống Tòa án; ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng Tòa án điện tử và cải cách tư pháp…

Ngoài ra, mỗi năm TANDTC đón tiếp và làm việc với hàng chục Đoàn đại biểu của các cơ quan, tổ chức quốc tế ngoài ngành Tòa án như: Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát, Đoàn luật sư, các Tổ chức Liên hợp quốc, các Đại sứ, Tham tán… của nhiều quốc gia trên thế giới. Quá trình làm việc với TANDTC Việt Nam, các đoàn đã tìm hiểu tổ chức và hoạt động của Tòa án, cải cách tư pháp, các lĩnh vực về pháp luật để tiếp tục tài trợ hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.

Phóng viên: Tòa án Việt Nam cũng là thành viên tích cực của các hội nghị và diễn đàn pháp luật, tư pháp quốc tế, thưa Phó Chánh án?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Những năm qua, TANDTC rất tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về pháp luật và tư pháp. Hiện nay, TANDTC Việt Nam là thành viên của Diễn đàn cải cách tư pháp Châu Á- Thái Bình Dương; Diễn đàn tư pháp quốc tế về hải quan; Hiệp hội TATC các nước sử dụng tiếng Pháp... Ngoài ra, TANDTC còn tích cực tham gia Hội nghị quốc tế các Chánh án thế giới; Hội nghị Chánh án các nước Châu Á- Thái Bình Dương; Hội đồng Chánh án các nước ASEAN; Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế…

Tại các diễn đàn và hội nghị quốc tế, TAND Việt Nam rất chủ động tiếp xúc, trao đổi với Toà án các nước trên thế giới để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Đây là cơ hội để TANDTC Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu đổi mới về kinh tế, văn hóa, chính trị, cải cách tư pháp của Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tư pháp và pháp luật cũng được TAND Việt Nam tham gia có trách nhiệm cao, xin Phó Chánh án cho biết rõ hơn?  

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Với trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao, trong những năm qua, TAND Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đối với nhiều Hiệp định, Hiệp ước quốc tế song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực như tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù; tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiệp định giữa các nước ASEAN về chống mua bán người; Công ước về chống tham nhũng…

Đặc biệt, năm 2016, TANDTC Việt Nam rất tích cực tham gia xây dựng báo cáo quốc gia trong thực thi Công ước của Liên hợp quốc về các quyền chính trị, dân sự, Công ước về chống tra tấn; đóng góp ý kiến cho bộ hồ sơ ký Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với Campuchia. Mặt khác, TAND triển khai thực hiện 2 công ước quốc tế về chống khủng bố; báo cáo triển khai chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên Hợp quốc; đánh giá tác động của Hiệp định hợp tác kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); phục vụ xây dựng báo cáo công tác phòng chống buôn bán người (TIP). TANDTC cũng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học tư pháp quốc tế về một số công ước của Hội nghị La Hay về trình tự, thủ tục TTDS, ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ ở nước ngoài và trợ giúp pháp lý cho đương sự tham gia tố tụng tại Tòa án nước ngoài.

Phóng viên: Bên cạnh đó, TANDTC Việt Nam đã đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp và pháp luật, xin Phó Chánh án cho biết thêm?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Bằng uy tín và vị thế của mình, TANDTC đã đăng cai nhiều hội nghị và diễn đàn quốc tế lớn như: Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước Đông Nam Á về môi trường; Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào… Đặc biệt trong năm 2016, TANDTC đã đăng cai 3 sự kiện lớn đó là: Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần 4 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của 10 đoàn đại biểu TATC các nước ASEAN; Diễn đàn cải cách phá sản tại châu Á (FAIR) lần thứ 10 thu hút sự quan tâm của 107 đại biểu quốc tế đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ; Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia- Lào lần thứ 4.

Thông qua các lần tổ chức, TANDTC Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao về việc tổ chức chuyên nghiệp, sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tham gia rất tích cực, có nhiều sáng kiến trong việc liên kết các quốc gia nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, xây dựng Tòa án mỗi quốc gia ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Vậy hiệu quả hợp tác quốc tế mà TAND các cấp đã thu được là thế nào, thưa Phó Chánh án?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Trong hợp tác quốc tế, TAND Việt Nam đã nhận được nhiều nguồn tài trợ và các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Ở lĩnh vực đào tạo tư pháp, hàng trăm cán bộ Tòa án đã được cử đi đào tạo thạc sỹ luật tại Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ngoài ra còn có nhiều đoàn cán bộ TAND Việt Nam được khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm luật pháp nước ngoài trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó, TAND Việt Nam được JICA (Nhật Bản) giúp xây dựng Dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; các tổ chức quốc tế giúp nghiên cứu đánh giá quá trình thi hành Luật Phá sản; xây dựng Sổ tay Thẩm phán; cải cách hành chính- tư pháp; nâng cao kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, các yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài…

Một trong những dấu ấn thành công của sự hợp tác đó là Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cùng TATC Hàn Quốc trong 10 năm qua hỗ trợ tích cực trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo Thẩm phán, cán bộ Tòa án, tăng cường năng lực cho Học viện Tòa án Việt Nam với tổng vốn ODA lên tới gần 13 triệu USD. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức quốc tế được Tòa án Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả đã phục vụ tốt hơn việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TAND.

Phóng viên: Xin Phó Chánh án cho biết phương hướng hợp tác quốc tế trong thời gian tới của hệ thống TAND?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền: Từ năm 2005 đến nay, qua hơn 10 năm thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các hoạt động hợp tác quốc tế của TAND Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết 49/NQ-TW đề ra. Những kết quả đạt được không chỉ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác của TAND nước ta với Tòa án các nước, nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, mà còn góp phần thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Hiện nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 160 nước và 70 vùng lãnh thổ. Nhận thức sâu sắc chính sách đối ngoại trong thời kỳ hội nhập, hệ thống TAND đang có những bước đi thích hợp, vững chắc để thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của Tòa án các nước; sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao chất lượng công tác của TAND các cấp, góp phần mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước trên toàn thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chánh án TANDTC!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam trong khu vực và trên thế giới