Nâng cao hiệu quả xét xử án hình sự liên quan những vi phạm đối với động vật quý hiếm

Mai Đỉnh| 30/10/2019 22:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/10, tại Hà Nội, TANDTC phối hợp với tổ chức WCS tại Việt Nam tổ chức hội thảo Tham vấn về “Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Tham dự hội thảo có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền; Giám đốc Tổ chức WCS chương trình Việt Nam Hoàng Bích Thủy; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc TANDTC.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí TAND cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc thực thi cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý.

Tuy nhiên, Việt Nam đang trở thành địa bàn trung chuyển và cũng là điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã ở khu vực Đông Nam Á. Các vi phạm chủ yếu là hành vi vận chuyển, buôn bán và lưu giữ trái phép nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả xét xử án hình sự liên quan những vi phạm đối với động vật quý hiếm

   Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại hội thảo

Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra là cần phải xử lý nghiêm minh hơn các hành vi phạm tội liên quan đến việc buôn bán, giết hại động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm răn đe, giáo dục và tuyên truyền cho người dân về tính nguy hại và bất hợp pháp của hành vi này.

Mặc dù TANDTC đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, song thực tiễn xét xử cho thấy, một số Thẩm phán vẫn gặp khó khăn trong việc định tội danh, định khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; vẫn còn bản án chưa đủ nghiêm khắc và đảm bảo tính răn đe, giáo dục.

Trên cơ sở đó, TANDTC xây dựng Dự án “Nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm” phối hợp với Tổ chức WCS tại Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ nguồn lực của Cục Đặc trách Chất gây nghiện và Thực thi Pháp luật Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ nhằm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực cho đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án trong việc xét xử loại tội phạm này.

Nâng cao hiệu quả xét xử án hình sự liên quan những vi phạm đối với động vật quý hiếm

Số liệu các đường dây phạm tội ĐVHD ở Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các quy định, hướng áp dụng pháp luật và các tình huống thực tế phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án. Đặc biệt có ý kiến cho rằng, trong quá trình tố tụng còn có nhiều điểm hạn chế, đồng thời có những bất cập trong việc định tội danh, định khung hình phạt đối với tội vi phạm quy định về loại tội phạm này.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức WCS chương trình Việt Nam cho biết, WCS công khai và đưa ra các con số cụ thể về các đường dây tội phạm liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam với mong muốn chia sẻ các bản án, đồng thời giúp cho TANDTC đưa ra ý tưởng cũng như các kế hoạch nói chung và nâng cao năng lực của Thẩm phán nói riêng.

Theo ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán TANDTC, lần đầu tiên trong Bộ luật hình sự của Việt Nam quy định về trách nhiệm hình sự pháp nhân đối với hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, nuôi nhốt... động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, điều này chứng tỏ Việt Nam đã hết sức cố gắng, đồng thời nỗ lực rất cao để nội luật hóa về các quy định luật hóa quốc tế trong pháp luật của Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả xét xử án hình sự liên quan những vi phạm đối với động vật quý hiếm

Từ trái qua phải: Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức WCS chương trình Việt Nam; TS. Trần Thu Hằng, Ban nội chính Trung ương; ông Nguyễn Quang Lộc, nguyên Thẩm phán TANDTC

Phát biểu tại buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, Việt Nam là một đất nước có thiên nhiên đa dạng, có rừng, núi và biển trải dài, nên các loài động vật hoang dã cũng rất phong phú, trong đó nhiều loài hoang dã, quý hiếm được đưa vào sách đỏ cần bảo vệ. Thực tiễn xét xử của hệ thống TAND trong cả nước những năm qua cũng cho thấy có rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến xâm hại, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã.

Mặc dù bị xử lý về hình sự nhưng tình trạng săn bắt, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần chú trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền thông tin, WCS bảo vệ các loài động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới qua nghiên cứu khoa học, bảo tồn, giáo dục và khơi dậy giá trị của thiên nhiên đối với con người. Với lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, WCS đã đóng góp tích cực để đẩy mạnh công tác bảo tồn động vật hoang dã trên toàn thế giới thông qua quan hệ đối tác với chính phủ các nước và cộng đồng địa phương. Hiện nay, WCS có văn phòng đại diện tại gần 60 nước trên toàn cầu và trụ sở chính được đặt tại New York, Mỹ.

Với sự nỗ lực của TANDTC và WCS đã góp phần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật thông qua việc bắt giữ, truy tố và kết án thành công tội phạm về động vật hoang dã. Đồng chí Phó Chánh án mong hai bên tích cực phối hợp một cách chặt chẽ hơn nữa, để những bài viết đăng trên Tạp chí TAND, bản in và bản điện tử có hàm lượng khoa học cao, có cơ sở thực tiễn sâu sắc, để góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức trong hệ thống TAND và bạn đọc trong cả nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả xét xử án hình sự liên quan những vi phạm đối với động vật quý hiếm