Mùa xuân đầu tiên

X. Thao- T. Toàn| 03/02/2017 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một ngôi trường khang trang, xứng tầm đã hiện hữu trong nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo TANDTC, của lãnh đạo và cán bộ Học viện Tòa án.

Và từ đây, bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ đương chức, Học viện còn đào tạo đại học chính quy góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống Tòa án. Những sinh viên đầu tiên, những hạt mầm Tòa án tương lai sẽ đơm hoa, kết trái trên mọi miền đất nước. Trong sắc xuân sớm đang e ấp đâu đây, chúng tôi về thăm “trường cũ” ...

Trái ngọt từ tầm nhìn chiến lược

Nắng vàng trên những vạt rau xanh đang thì thu hoạch rộ, những cánh hoa mỏng tang, lung linh khoe sắc. Từng tốp nam nữ thanh niên tung tăng trên bờ ruộng, mê mải với những tấm hình đẹp nhất cùng những tiếng cười mang lại một cảm giác về miền quê thanh bình. Đó là những sinh viên năm thứ nhất khóa cử nhân luật chính quy đầu tiên của Học viện Tòa án…

Nhớ hôm nào còn là học viên lớp Thẩm tra viên khóa 1, trên xe đến Trường cán bộ Tòa án (tiền thân của Học viện Tòa án), mấy đồng nghiệp của tôi buột miệng kêu “sao xa thế”. Đúng là cũng xa thật. Từ trung tâm thành phố đến trường dễ cũng phải hơn 30 km, lại qua sông, cách cầu nữa… Những khúc quanh co qua làng xóm, nhỏ hẹp và lộn nhộn là con đường duy nhất đến trường. Trường đang xây ở vùng ngoại ô thành phố, giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh, giữa cánh đồng bạt ngàn rau màu, ngô và hoa tỏa hương ngào ngạt. Thích thú với phong cảnh vùng ngoại ô, mấy chị em học viên tranh thủ giờ giải lao, ra ruộng mua cho mình những bắp ngô non mới bẻ và say sưa chụp hình bên cánh đồng hoa.

Ngày ấy, trường vẫn còn ngổn ngang như một công trường xây dựng, vài tòa nhà nằm khiêm nhường giữa khu đất trống, lọt thỏm giữa cánh đồng rau màu. Dần dần, trường cứ “hóa thân”, vươn mình để cho hôm nay, đã thành một cơ ngơi khang trang, hiện đại. Những giảng đường với sức chứa hàng nghìn học viên, phòng diễn án, thư viện, nhà thể chất đa năng, khu ký túc xá 5 tầng, sân bóng đá… Giờ thì Trường cán bộ Tòa án cũ năm nào đã được nâng tầm, vươn mình trở thành Học viện Tòa án với tầm vóc và quy mô thật hiện đại.

Mùa xuân đầu tiên

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Học viện Tòa án

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo cán bộ, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo TANDTC với quyết tâm chính trị cao đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng Đề án thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án để tạo nguồn nhân lực cho hệ thống TAND. Chủ trương và quyết tâm này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành. Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Học viện Tòa án, từ tháng 12/2012, Trường Cán bộ Tòa án đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đồng thời thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề Thẩm phán và đào tạo bậc đại học chuyên ngành.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Học viện Tòa án. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới cho công tác đào tạo cán bộ của hệ thống TAND nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp ở nước ta. Ngay sau khi được thành lập, cùng với việc đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo các chức danh tư pháp của toàn bộ hệ thống TAND, năm 2016 Học viện Tòa án bắt đầu thực hiện chức năng đào tạo đại học ngành luật. Với mục tiêu đào tạo cử nhân luật có kiến thức và kỹ năng, có thể nghiên cứu và giải quyết những vấn đề pháp luật cơ bản nói chung và trong lĩnh vực thực hiện chức năng xét xử nói riêng, Học viện Tòa án đã khẩn trương xin cấp phép và mở mã ngành đào tạo cử nhân ngành luật, thực hiện tuyển sinh thành công khóa đào tạo đại học đầu tiên trong năm học 2016 - 2017….

Giờ đây, những dấu vết trường cũ hôm nào đã lùi xa để nhường lại cho những giảng đường, ký túc xá của Học viện khang trang, hiện đại, đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng và là điểm đến hấp dẫn, tin cậy và đầy hứa hẹn của những lớp cán bộ Tòa án trong tương lai. Nghĩ lại, cánh học viên chúng tôi thầm khâm phục tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo khi quyết định đặt cơ sở giáo dục tầm cỡ này ở nơi đây. Học viện Tòa án hôm nay chính là trái ngọt hiện hữu của tầm nhìn chiến lược đó.

Học để bảo vệ công lý

Đã có không ít thế hệ cán bộ công tác trong ngành Tòa án từng là học viên ở nơi này. Từ những mái đầu đã bạc của nhiều vị lãnh đạo Tòa án cấp tỉnh, cấp Vụ, bậc dưới trung niên của những Thẩm tra viên đến những thư ký mới chập chững vào ngành. Từ những lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cấp cao, nghiệp vụ thẩm tra viên, thư ký, đến những khóa học nghiệp vụ xét xử các loại án hình sự, giải quyết án kinh doanh, thương mại... Dưới mái trường này, nhiều thế hệ cán bộ đã trưởng thành, nhiều học viên đã có bản lĩnh chính trị, vững vàng chuyên môn để khẳng định mình trong các vị trí công tác khác nhau trong hệ thống Tòa án trên mọi miền đất nước. Giờ, tề tựu về nơi đây còn thêm những mái tóc xanh, những gương mặt trẻ trung, đầy nhiệt huyết và hành trang mang theo là khát vọng góp phần bảo vệ công lý của những sinh viên chính quy đầu tiên của khóa học chính quy đầu tiên trong Học viện này.

Mùa xuân đầu tiên

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Binh và Chuyên gia Hàn Quốc cắt băng khánh thành Học viện Tòa án

 Sẽ là có lỗi nếu không nói đến những nỗ lực không ngừng của cán bộ, giảng viên Học viện để có được ngày khai giảng khóa đại học chính quy đầu tiên này. Ngay từ khóa chiêu sinh đầu tiên năm 2016, Học viện Tòa án đã xác định phương châm đào tạo cán bộ là gắn kết giữa đào tạo nghề, đào tạo kiến thức pháp luật với giáo dục, rèn luyện ý thức chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng. Vì vậy, công tác tuyển chọn đầu vào được Học viện đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở hơn 400 hồ sơ dự tuyển, Học viện đã tổ chức sơ tuyển nhằm đảm bảo tuyển chọn những sinh viên có sức khỏe, kỹ năng, ngoại hình phù hợp với yêu cầu công việc. Những sinh viên vượt qua đợt sơ tuyển được xem xét tuyển sinh trên cơ sở điểm thi để lựa chọn những người có phẩm chất và năng lực đào tạo đại học. Việc xác định điểm trúng tuyển trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý của các khối thi, tỷ lệ nam, nữ, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh phân bổ cho các khu vực.

 Rồi những núi việc “không tên” của công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng khóa đại học đầu tiên cũng ổn thỏa. Ngày ấy đã đến. Trong tiếng trống khai trường rộn ràng vang lên từ chính bàn tay Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo TANDTC, cán bộ học viên, sinh viên Học viện như sống trong thời khắc giao thừa của những ngày mới, của vận mệnh mới. Sau những lời cảm ơn lãnh đạo Đảng, Chủ tịch nước qua các thời kỳ, nhất là Chủ tịch Trần Đại Quang đã có sự quan tâm đặc biệt đến công tác của Tòa án nói chung, trong việc thành lập Học viện nói riêng, cảm ơn sự giúp đỡ về vật chất của Chính phủ Hàn Quốc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã hòa chung niềm vui với cán bộ giảng viên, học viên của Học viện. Những lời nhắn nhủ, chỉ bảo chân tình của vị đứng đầu TAND là thông điệp vô tận về tình cảm và trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức TAND cho sự nghiệp đào tạo của Học viện đến mai sau…

Nhìn những gương mặt tươi trẻ, chững chạc trong đồng phục gọn gàng, uy nghiêm của sinh viên khóa đào tạo đại học chính quy đầu tiên trong Học viện, tôi như tìm thấy mình của mấy mươi năm về trước - những mộng mơ của tuổi sinh viên và háo hức, khát vọng về một nghề, một sự nghiệp cho mai sau… Nhưng có chút hơi khác giữa chúng tôi, những sinh viên Đại học Pháp lý Hà Nội ngày xưa khi ngồi trên giảng đường chỉ biết học kiến thức pháp luật mà chưa thể hình dung được mình sẽ làm gì cụ thể sau khi ra trường. Còn các em, những sinh viên chính quy của Học viện Tòa án hôm nay dường như đã có hướng đi cho tương lai do chính sách ưu tiên tuyển dụng để công tác trong hệ thống TAND sau khi tốt nghiệp và sẽ là những người kế tiếp sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng, lẽ phải.

Bữa cơm lúc trưa ở căng tin Học viện khá nhộn nhịp và ấm cúng. Thầy trò quây quần trong phòng ăn rộng rãi, bên những bàn ăn sạch sẽ, với những món ăn mang đậm chất sinh viên. Thầy Trần Văn Hà - Phó Giám đốc phụ trách Học viện và là một trong những người đầu tiên “lăn lộn” trên đám đất chưa xây trường mời chúng tôi dùng bữa. Suất ăn 20.000 đồng cho cả sinh viên và cán bộ giảng viên cũng khá ổn do Học viện có chủ trương trợ giá phần phụ phí.

Mùa xuân đầu tiên

Tác giả trò chuyện với các tân sinh viên

Một chút e dè của cô gái mới lớn, nữ sinh viên Phan Huyền Trang, quê ở Hưng Yên có điểm thi tốt nghiệp rất cao nhưng chọn học tại đây chia sẻ rằng, thích ngành luật từ còn nhỏ và muốn trở thành Thẩm phán. Giờ được học tại đây, em như được chắp cánh cho ước mơ của mình.

Trong bộ đồng phục thu đông gọn gàng mà rắn rỏi, gương mặt khá chững chạc so với tuổi, Nguyễn Thanh Huyền cho biết theo học ở đây để sau này nối nghiệp cha hiện đang là Thẩm phán.

Có vẻ như chưa quen với cái lạnh phương Bắc, cậu sinh viên Mai Xuân Tùng sống ở mảnh đất phương Nam cho biết em có khả năng đạt điểm chuẩn và theo học nhiều trường học lớn ở trong đó. Nhưng vì yêu thích nghề Tòa án và cũng muốn thử thách với cuộc sống tự lập xa nhà, nhất là muốn được thưởng thức cái lạnh của mùa đông nên đã chọn học tại Học viện này.

Vi Hoàng Tùng, người dân tộc Tày đến từ miền núi xa xôi Cao Bằng thì chia sẻ, dù gia đình không ai làm nghề Tòa nhưng vì yêu thích nên tự chọn cho mình, muốn học để sau này bảo vệ công lý… Nam sinh viên tên Tuấn sớm ra dáng chững chạc của một vị Thẩm phán tương lai thi thoảng góp thêm câu chuyện với ngôn ngữ đúng “vị” con nhà luật. Chúng tôi cùng cười vui vì một chút hồn nhiên nhưng cũng khá mạnh mẽ như tố chất của cán bộ Tòa án tương lai của cánh sinh viên trẻ này…

Anh Giám - cán bộ tổ chức Học viện cho biết thêm: Trong số tân sinh viên này, nhiều em đủ điểm các trường đại học tốp đầu nhưng tha thiết nguyện vọng học tại đây. Dù năm đầu chiêu sinh đại học chính quy nhưng Học viện đã chọn lọc được những sinh viên có đủ phẩm chất để trở thành cán bộ Tòa án. Ngoài việc trang bị kiến thức pháp luật toàn diện, Học viện còn đặc biệt quan tâm đào tạo và rèn luyện nhân cách, phẩm chất chính trị của cán bộ Tòa án tương lai… Chả thế, tôi được các em nữ sinh viên “bật mí” hồi mới nhập học cũng phải trải qua môn quốc phòng, nếm mùi nắng gió… Bữa cơm trưa kết thúc với những tiếng nói cười trong trẻo vương ngoài hành lang.

Lúc trước, tản bộ trên những con đường uốn quanh khuôn viên Học viện, ngắm những công trình mới xây còn thơm mùi sơn, chúng tôi cùng một cảm nhận về sự tiện ích, khang trang và hiện đại. Khu ký túc xá 5 tầng khang trang, đảm bảo cho khoảng 700 học viên ở với tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ. Do ở xa trung tâm nên Học viện quan tâm trang bị cho các em những phương tiện thông tin để đảm bảo đời sống tinh thần, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, vui tươi cho sinh viên. Ngoài nhà tập thể chất đa năng, với các phòng tập nhiều môn thể thao, Học viện còn có cả sân bóng đá, nơi biểu diễn văn nghệ cho học viên, sinh viên..

Khát vọng vươn tầm

Mới chỉ là những bước đi đầu tiên nhưng kỳ vọng về một Học viện xứng tầm khu vực và thế giới đã được nghiêm túc đặt ra. Với nhiệm vụ đào tạo tổng hợp, Học viện đang từng bước xây dựng và tạo ra một môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh, coi trọng giá trị đạo đức và lòng yêu ngành, yêu nghề của học viên, sinh viên.

Là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc TANDTC, Học viện có điều kiện nắm vững thực trạng đội ngũ cán bộ và nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, Học viện xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án. Học viện nghiên cứu xây dựng để ổn định chương trình đào tạo các chức danh tư pháp có tính thống nhất và liên thông từ bậc đào tạo đại học, sau đại học lên bậc dạy nghề để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực của hệ thống Tòa án.

Về lộ trình, theo Phó Giám đốc phụ trách Học viện Trần Văn Hà, Học viện tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo trình đào tạo đại học trên cơ sở xác định rõ những giáo trình của các trường đại học, học viện khác có thể sử dụng giảng dạy những môn học lý luận chung, những môn trang bị kiến thức luật cơ bản. Một số giáo trình cần xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung kiến thức có tính chuyên ngành để vừa trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên, vừa trang bị những kiến thức có tính nghiệp vụ chuyên sâu về thực hành quyền tư pháp. Hệ thống tài liệu đào tạo các chức danh tư pháp được chuẩn hóa thành giáo trình đào tạo theo từng cấp độ và từng chức danh cụ thể. Nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án đảm bảo một tỷ lệ thích hợp giữa lý luận với những kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng nghề nghiệp cụ thể. Học viện chú trọng rèn luyện tư duy nghề cho người học ngay từ bậc đại học, làm tiền đề để khi tiếp tục đào tạo nghề cho họ ở bước tiếp theo sẽ tập trung vào đào tạo kiến thức chuyên sâu, các kỹ năng và thực hành nghề nghiệp. Mặt khác, Học viện cũng có các học phần tự chọn và tăng thêm nhiều đợt thực tập tại Tòa án các cấp, tạo điều kiện cho học viên được tham dự hoạt động giải quyết các tranh chấp tại Tòa án, mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Thầy Hà bày tỏ, với những kết quả bước đầu trên con đường phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp có uy tín trong nước, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực; với quyết tâm chính trị cao của Ban Cán sự, lãnh đạo TANDTC và đồng lòng quyết tâm của toàn thể các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động cùng sinh viên, học viên, tin rằng Học viện sẽ vững bước trưởng thành.

***

Gió đồng se se mang theo hương Xuân sớm, mơn man chốn sân trường. Trong sắc chiều tà, gót chân chúng tôi nhẹ tênh, bồng bềnh những xúc cảm về ngôi trường mới, một sứ mệnh cao cả mà thầy trò Học viện vừa đón nhận. Và với các tân sinh viên, có lẽ sau này, dù có đi đến chân trời xa, công tác ở đâu, giữ trọng trách nào thì những ký ức về mùa xuân đầu tiên chốn giảng đường này hẳn sẽ đượm mãi sắc hương. Đâu đây văng vẳng câu hát “Rồi dập dìu mùa xuân con én về…”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa xuân đầu tiên