Luật Tố cáo 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập

Tống Toàn| 13/12/2018 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ 1/01/2019) thể hiện rõ nét tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo với góc độ là quyền con người.

Đồng thời, có những quy định cụ thể để bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, sự công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo…

Những hạn chế, bất cập

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật Tố cáo năm 2011 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp. Đó là: tố cáo việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây, nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ…

Luật Tố cáo năm 2011 cũng chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, gây ra những khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết tố cáo của các cơ quan nhà nước.

Tiếp đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, một số quy định thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý một số tình huống như: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu các thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tố cáo; quy định về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp…

Luật Tố cáo năm 2011 cũng chưa quy định rõ về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, do vậy trên thực tế đã xảy ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã ban hành, có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh, nhất là việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; xử lý sai phạm về kinh tế tài chính… Vì vậy đã gây ra những bức xúc trong nhân dân.

Luật Tố cáo 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập

Cuối cùng, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đã đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định đó còn gặp khó khăn trong thực hiện, chưa tạo ra cơ chế pháp lý đầy đủ để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Do vậy, cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân của người tố cáo.

Những hạn chế, bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và trật tự, kỷ cương pháp luật. Vì vậy, cần phải xây dựng Luật Tố cáo mới để khắc phục tình trạng đó.

Thay đổi cho phù hợp đạo luật gốc

Hiến pháp năm 2013 đã có điểm mới so với Hiến pháp năm 1992 trong đó quy định quyền tố cáo là quyền con người chứ không chỉ dừng lại ở quyền công dân; đồng thời đề cao vấn đề thực thi quyền con người, quyền công dân… Mặt khác, những sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong BLTTHS năm 2015 cũng liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo của người dân trong Luật Tố cáo.

Điều đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng Luật Tố cáo mới, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, Luật Tố cáo cần có những quy định thể hiện rõ nét hơn tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo với góc độ là quyền con người, đồng thời cần có những quy định cụ thể để bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo, sự công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo…

Việc xây dựng Luật Tố cáo mới cũng xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Luật Tố cáo năm 2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019, gồm có 9 chương, 67 điều.

Ngoài ra, Luật cũng quy định những vấn đề chung về khen thưởng và xử lý vi phạm trong tố cáo. Theo đó, người trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu người giải quyết tố cáo thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong giải quyết tố cáo hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật (Điều 63).

Luật còn quy định về việc xử lý hành vi vi phạm của người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và của người tố cáo, cũng như những người khác có liên quan (Điều 64 và Điều 65). Điều 66 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: Luật Tố cáo năm 2011 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Chương VI - Bảo vệ người tố cáo  và các Điều, khoản khác được giao trong Luật, đồng thời quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (Điều 67).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tố cáo 2018 đã khắc phục những hạn chế, bất cập