Lấy ý kiến bổ nhiệm, quy hoạch Phó Chánh án TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND

Trần Quang Huy| 19/04/2017 19:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/4, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự kiến nhân sự quy hoạch các chức vụ lãnh đạo TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có tập thể lãnh đạo TANDTC; các Thẩm phán TANDTC; Các Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương của các đơn vị thuộc TANDTC; tập thể lãnh đạo TAQS Trung ương; lãnh đạo đơn vị thuộc các Tòa phúc thẩm TAQS Trung ương; lãnh đạo các TAND cấp cao, các Tòa chuyên trách; lãnh đạo các TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu và tương đương…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo của TANDTC. Trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC rất coi trọng công tác này và đã tiến hành thủ tục để bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo cho TANDTC. Thời gian qua, có một số đồng chí Phó Chánh án TANDTC thôi giữ chức vụ lãnh đạo, vì vậy đội ngũ lãnh đạo TANDTC còn thiếu so với quy định. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương đã yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC làm thủ tục để bổ nhiệm 2 Phó Chánh án TANDTC. Trước mắt, hội nghị sẽ lấy ý kiến để bổ nhiệm 1 Phó Chánh án TANDTC, đồng thời lấy ý kiến để bổ sung quy hoạch Phó Chánh án TANDTC đối với các cá nhân có đủ điều kiện theo quy định. Đối với lấy ý kiến quy hoạch Phó Chánh án TANDTC, hiện tại đã có 7 đồng chí được quy hoạch từ năm 2013, do đó Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC tiếp tục rà soát, lựa chọn thêm 13 đồng chí là lãnh đạo cấp vụ thuộc TANDTC và lãnh đạo các TAND cấp tỉnh trong toàn quốc có đủ điều kiện để đưa vào diện quy hoạch Phó Chánh án TANDTC trong thời gian tới.

Lấy ý kiến bổ nhiệm, quy hoạch Phó Chánh án TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình mong muốn các đại biểu phải thực sự công tâm, khách quan để chọn người được bổ nhiệm vào vị trí này phải thực sự là người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải tận tâm, có tố chất điều hành, tổ chức, có tầm nhìn, quyết đoán, phải sâu sát công việc, biết quy tụ đồng nghiệp, có kỹ năng giao tiếp… Sau khi phổ biến quán triệt các quy định, hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu kín để lấy ý kiến bổ nhiệm 1 Phó Chánh án TANDTC và lấy ý kiến để bổ sung quy hoạch Phó Chánh án TANDTC.

 Sau phần triển khai các công việc liên quan đến công tác cán bộ, hội nghị đã tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử 6 tháng đầu năm 2017 của các TAND. Theo đánh giá của TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh thì trong 6 tháng, các TAND cấp tỉnh và cấp huyện trong toàn quốc có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức hoạt động xét xử và các mặt công tác khác. Qua công tác giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nhìn chung các TAND đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong việc đánh giá chứng cứ, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, đánh giá tính hợp pháp của các hợp đồng dân sự, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, xác định người tham gia tố tụng, xác định tội danh và lượng hình. Việc giải quyết của các Tòa án cơ bản đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng…

Lấy ý kiến bổ nhiệm, quy hoạch Phó Chánh án TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND

Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm lấy ý kiến bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC

Bên cạnh đó, lãnh đạo các TAND cấp cao cũng nêu lên những thiếu sót phổ biến trong việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại… Trong đó các sai sót mà TAND các cấp hay gặp phải là xác định sai tư cách người tham gia tố tụng; bỏ lọt tội phạm; chưa thu thập, đánh giá chứng cứ, thẩm định tài sản đúng quy định; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu. Cùng với công tác rút kinh nghiệm xét xử, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi tìm ra các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử và kiến nghị với lãnh đạo TANDTC những vấn đề liên quan đến công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, TANDTC và VKSNDTC cần ban hành quy chế phối hợp về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tạo hành lang pháp lý để TAND cấp cao và VKSND cấp cao giải quyết có hiệu quả hơn nữa đối với công tác này. TANDTC tiếp tục duy trì chế độ biệt phái Thẩm tra viên địa phương theo phương án điều động có thời hạn về công tác tại TAND cấp cao; đồng thời quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống quản trị mạng, bảo đảm thống nhất để khai thác, sử dụng, bảo đảm an ninh mạng. Bên cạnh đó, lãnh đạo TANDTC cần đưa chế độ trách nhiệm xử lý đối với Tòa án địa phương gửi hồ sơ vụ án chậm dẫn đến bản án, quyết định hết thời hiệu; xử lý đối với Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không tuân thủ bản án, quyết định giám đốc thẩm gây kéo dài vụ án,

Lấy ý kiến bổ nhiệm, quy hoạch Phó Chánh án TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND

Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND 6 tháng đầu năm 2017

Kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình biểu dương thành tích của các TAND cấp cao và TAND địa phương trong 6 tháng đầu năm 2017. Sau buổi rút kinh nghiệm công tác xét xử, lãnh đạo các đơn vị cần nghiêm túc khắc phục những thiếu sót, tồn tại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, hạn chế thấp nhất án bị hủy, cải, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Mặt khác, mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ được giao để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, xứng đáng với vai trò, vị trí của TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế XHCN.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến bổ nhiệm, quy hoạch Phó Chánh án TANDTC và rút kinh nghiệm công tác xét xử của TAND