Hội thảo đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử

Trần Minh Giang| 02/11/2015 17:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2/11/2015, tại Hà Nội, TANDTC tổ chức Hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử.

Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo TANDTC; các Thẩm phán TANDTC; đại diện Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Liên đoàn Luật sư Hà Nội, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC và TAND các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc…

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa phát biểu tại Hội thảo

Trang phục xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại Sắc lệnh số 13 ngày 14/1/1946 của Chủ tịch nước về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán đã quy định “Y phục các Thẩm phán Tòa Thượng thẩm và Tòa Đệ nhị cấp sẽ theo quốc tế, là áo dài đen tay rộng, giải trắng có nếp ở trước ngực, giải đen có lông trắng quàng trên vai bên trái”, quy định này được áp dụng đến năm 1950. Từ sau năm 1950 đến nay, trang phục xét xử của Thẩm phán có sự thay đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ và thiết kế, kiểu dáng theo hướng âu phục hóa. Qua nghiên cứu trang phục xét xử của Thẩm phán các nước cho thấy, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều quy định trang phục xét xử của Thẩm phán, mặc dù kiểu dáng, mầu sắc có thể khác nhau nhưng đều chung một điểm là quy định trang phục xét xử của Thẩm phán là “áo choàng”.

Theo các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, thì TAND là một trong các thiết chế trong bộ máy nhà nước thực hiện quyền tư pháp, là hiện thân của công lý, là chỗ dựa của công dân về công lý. Cũng theo quy định của Hiến pháp về chế định Thẩm phán, Hội thẩm thì địa vị pháp lý của Thẩm phán, Hội thẩm cũng được xác định ở một vị thế mới. Do đó hình ảnh của Thẩm phán TAND cần phải được xây dựng một cách gần gũi, thân thiện nhưng vẫn đảm bảo tính trang nghiêm, lịch sự; đặc biệt là phải thể hiện tính uy nghiêm, trang trọng và mang tính “quyền lực Nhà nước” khi thực thi công vụ. Một trong những biểu hiện của hình ảnh đó là trang phục xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm TAND.

Xuất phát từ vị thế mới của TAND, đồng thời để tiếp tục tạo dựng đầy đủ hình ảnh người Thẩm phán “xứng tầm” với vị trí, vai trò, trách nhiệm của người Thẩm phán, TANDTC đã tiến hành tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, kế thừa, tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng “Đề án đổi mới trang phục Thẩm phán và Hội thẩm TAND”. Theo đó, trang phục xét xử của Thẩm phán là “áo thụng đen”. Đối với Thẩm phán Tòa Gia đình và người chưa thành niên thì cần sự thân thiện nên khi xét xử Thẩm phán mặc trang phục làm việc hàng ngày hoặc áo thụng dài tay màu cam khoác bên ngoài với thiết kế giống áo choàng đen của các Thẩm phán khác (trừ Thẩm phán TANDTC). Đối với Hội thẩm nhân dân, khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ vụ án tại Tòa án, Hội thẩm sử dụng trang phục làm việc hàng ngày: quần âu, áo sơ mi trắng (đối với mùa xuân, hè) và veston (đối với mùa thu, đông). Đối với trang phục của Thẩm phán TAQS các cấp và Hội thẩm quân nhân thì thực hiện theo đề xuất của Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, Đề án cũng bổ sung thêm về lễ phục, trang phục làm việc hàng ngày đối với Thẩm phán; bổ sung “Tấm biển phù hiệu Tòa án”; sửa đổi “Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân” để nâng cao hình ảnh của Tòa án, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.

Hội thảo đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa và Nguyễn Văn Thuân chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều nhất trí với kiểu trang phục của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân như nêu trong Đề án. Việc Thẩm phán, Hội thẩm mặc trang phục xét xử tại phiên tòa sẽ thể hiện được sự uy nghiêm, qua đó góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong, lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Đề xuất mô hình phòng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Một trong những những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Triển khai nhiệm vụ nêu trên, TANDTC đã đề xuất để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức phiên tòa, vị trí, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong quá trình sửa đổi các luật về tố tụng tư pháp. Bên cạnh đó, TANDTC đã chỉ đạo việc nghiên cứu đổi mới hình thức tố chức phiên tòa xét xử với định hướng vừa đảm bảo tính kế thừa, tính đặc thù, tính uy nghiêm uy, trang trọng, vừa bảo đảm thể hiện tính công bằng, bình đẳng và đúng vị trí, vai trò chức năng của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Hiện nay, theo truyền thống thì mô hình phòng xét xử thường được bố trí thành ba khối: (1) khối trên cùng là Hội đồng xét xử; (2) khối ở hai bên cánh và đối diện nhau, một bên là đại diện Viện kiểm sát, một bên là Thư ký Tòa án; (3) khối ở bên dưới (đối diện với Hội đồng xét xử) là bị cáo (phiên tòa hình sự) hoặc các đương sự (phiên tòa dân sự). Phía bên trái của khối này là bàn của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo hoặc đương sự; phía sau là các dãy ghế dành cho bộ phận bảo vệ, giám sát, người đến dự phiên tòa.

Tại Hội thảo, Trung tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Độ, nguyễn Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và nhiều ý kiến khác đều cho rằng, cách bố trí phòng xét xử như hiện nay còn có nhiều bất cập và cần phải xem xét, bố trí lại chỗ ngồi, nhất là của Kiểm sát viên, Luật sư để đảm bảo tính bình đẳng giữa các bên trong quá trình tranh tụng. Việc sử dụng “vành móng ngựa” hay thay bằng “bàn bị cáo”; việc tổ chức các phiên tòa có người chưa thành niên, trẻ em tham dự được các đại biểu cho rằng cần được tổ chức với hình thức phù hợp bảo đảm tính thân thiện, hạn chế những tác động tiêu cực đến tâm lý của các đối tượng này. Bên cạnh đó, vị trí ngồi của Thư ký phiên tòa cần bố trí để thuận tiện cho việc các đương sự xuất trình chứng cứ thông qua Thư ký trong các phiên tòa dân sự, hành chính.

Hội thảo đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử

Các đại biểu tham gia góp ý vào Đề án

Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu rõ việc tổ chức các phiên họp giải quyết việc dân sự, xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND hiện chưa có quy định cụ thể. Do vậy, việc nghiên cứu để có những quy định thống nhất về đổi mới hình thức tổ chức các phiên tòa, trong đó có quy định về vị trí chỗ ngỗi của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là yêu cầu cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm coi trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các nguyên tắc Hiến định về Tòa án thực hiện quyền tư pháp và các nguyên tắc tố tụng trong xét xử.

Kết luận buổi Hội thảo, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đánh giá cao ý kiến của các đại biểu từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình đã có nhiều góp ý đối dự thảo Đề án đổi mới trang phục Thẩm phán và Hội thẩm TAND; đặc biệt là các nội dung mới được thể hiện trong Đề án như: quy định về Lễ phục, trang phục xét xử của Thẩm phán; các quy định về niên hạn sử dụng đối với từng loại trang phục; các quy định về hình thức, màu sắc, kiểu dáng trang phục...

Đối với mô hình phòng xét xử, các đại biểu đã có nhiều góp ý về mô hình tổ chức của từng loại phiên tòa (hình sự, dân sự, hành chính), mô hình tổ chức phiên tòa có người chưa thành niên tham dự; mô hình tổ chức các phiên họp xem xét, giải quyết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của TAND cũng như các vấn đề khác liên quan. Đây là những ý kiến rất cụ thể, xác đáng để TANDTC nghiên cứu tiếp thu, tổng hợp hoàn thiện Đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử