Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới

Nhóm PV| 25/12/2014 20:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 24 đến 28/12, Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia lần thứ ba đã diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ ba nước.

Chánh án TANDTC nước CHDCND Lào Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, Chánh án TANDTC nước CHXHCN Việt Nam Trương Hòa Bình và Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia Dith Munthy đồng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có đại diện các Tòa án địa phương nơi có đường biên giới chung của ba nước như Sơn La, Hà Tĩnh, Kiên Giang, An Giang… (Việt Nam); Bô-li-khăm-xay, Hủa Phăn, Champasak, Attapue… (Lào); Rothanakiri, Pres Vihear, Modolkiri…(Campuchia).

Hội nghị được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Tòa án tối cao ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 12/2010 tại Tp. Nha Trang (Việt Nam); lần thứ hai vào tháng 10/2012 tại Tp. Xiêm Riệp (Campuchia) và lần thứ ba này được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào).

Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới

Chánh án TANDTC nước CHDCND Lào (nước chủ nhà) Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay 25/12, Chánh án TANDTC Lào Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha đánh giá cao Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Lào - Việt Nam - Campuchia đã thể hiện sâu sắc tình đoàn kết, quan hệ hợp tác truyền thống giữa ba nước; là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm qua biên giới.

Hội nghị lần này tập trung điểm lại kết quả hợp tác đa phương và song phương trong thời gian qua giữa Tòa án ba nước, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn cần được giải quyết theo tinh thần của các Thông cáo chung Hội nghị trước đây và cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra những định hướng hợp tác có tính chiến lược phù hợp với bối cảnh quốc tế, khu vực và tình hình mỗi nước. Hội nghị cũng là diễn đàn để Tòa án ba nước cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp cũng như thảo luận các cơ chế hợp tác giữa Tòa án ba nước nói chung và Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới nói riêng.

Chánh án Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha cho rằng, hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua đang có những tác động tiêu cực đến từng quốc gia trên thế giới, trong đó có ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia. Cùng với thiên tai, dịch bệnh và khủng bố quốc tế, các loại tội phạm có tổ chức xuyên biên giới đang ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn khó lường. Tội phạm qua biên giới ảnh hưởng nặng nề tới an ninh trật tự, kinh tế và chính trị của mỗi nước và ba nước có chung đường biên giới, nên việc đấu tranh phòng chống tội phạm đòi hỏi phải có sự thỏa thuận, nhất trí thường xuyên, có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng biên phòng, an ninh, hợp tác song phương và đa phương.

Việc Tòa án ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về phòng chống và xét xử tội phạm xuyên quốc gia thời gian qua cũng là nhằm đảm bảo tính độc lập, phù hợp với nhân quyền trong việc xét xử nói chung, theo đúng luật pháp trong nước cũng như hiệp định và hiệp ước hợp tác về tư pháp mà các bên đã ký kết nói riêng.

Theo Chánh án TANDTC Lào Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, công tác phòng chống tội phạm qua biên giới dù ở cấp Trung ương hay khu vực, trong thời gian tới cần phải tập trung vào việc tăng cường theo dõi các đối tượng xấu và ngăn chặn ngay từ cấp huyện, không cho phép mở rộng xuyên biên giới; hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp cấp địa phương các bên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự hợp tác và chia sẻ thông tin...

Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới

Chánh án TANDTC ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia chụp ảnh với các đại biểu TAND Việt Nam tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã có bài phát biểu nhấn mạnh: Việt Nam, Lào và Campuchia là ba nước Đông Dương có mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước đã dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống đó với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hệ thống TAND Việt Nam đã và đang tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ này thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể, hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác của hệ thống TAND Việt Nam đã mở ra một giai đoạn hợp tác mới sau khi TANDTC Việt Nam ký các thỏa thuận hợp tác với TANDTC Lào vào tháng 8/2008 và với Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia vào tháng 12/2009.

Nhìn lại chặng đường phát triển của mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương trong thời gian qua, TAND Việt Nam vui mừng nhận thấy, kể từ sau Hội nghị Toà án các tỉnh biên giới ba nước lần thứ nhất đến nay, các hoạt động hợp tác của Toà án ba nước ở cấp Toà án tối cao và cấp tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới ngày càng thu được những kết quả có ý nghĩa to lớn. Nhiều đoàn đại biểu của Toà án tối cao và Toà án cấp tỉnh của Việt Nam đã đi thăm và làm việc tại Campuchia, Lào và ngược lại nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xét xử, phòng chống tội phạm và tương trợ tư pháp, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống của Toà án ba nước Đông Dương. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ và cần được tiếp tục nhân rộng, phát huy trong thời gian tới.

Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới

Các đại biểu TAND Việt Nam tại Hội nghị

Tại Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia, Chánh án TANDTC đã trình bày Báo cáo đánh giá việc phối hợp thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và tại Campuchia năm 2012. Đáng chú ý, báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao. Nội dung báo cáo của Chánh án tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Công tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới; công tác trao đổi các đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương; cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động và ký kết các văn bản pháp luật giữa Tòa án 3 nước; Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp khắc phục thực hiện Thông cáo chung; Một số định hướng và chiến lược hợp tác đa phương và song phương trong thời gian tới”.

Hội nghị cũng đã nghe Chánh án và các Công tố viên, Thẩm phán các tỉnh của ba nước Lào - Việt Nam và Campuchia trình bày các tham luận trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thích hợp trong việc hợp tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm xuyên biên giới giữa ba nước. Về phía Việt Nam có một số tham luận của Tòa Hình sự TANDTC; TAND tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hà Tĩnh trình bày tại Hội nghị có ý nghĩa thực tiễn cao, cụ thể: “Nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới và tương trợ tư pháp (phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường)” của Tòa Hình sự TANDTC; “Kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm qua biên giới, phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán” của TAND tỉnh Kiên Giang; “Về phối hợp giải quyết tranh chấp quốc tịch, giải quyết ly hôn giữa TAND tỉnh Hà Tĩnh và TAND tỉnh Bô Li Khăm Xay (Lào)” của TAND tỉnh Hà Tĩnh; “Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống và xét xử các tội phạm xuyên quốc gia giữa TAND tỉnh An Giang, Việt Nam với Tòa án tỉnh Takeo và Tòa án tỉnh Kandal Vương quốc Campuchia” của TAND tỉnh An Giang…

Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới

 Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu nữ Đoàn TAND Việt Nam tham dự Hội nghị

Các tham luận tại Hội nghị nêu rõ: Thực tế, ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia có đường biên giới chung dài hơn 3.200km. Tuyến biên giới dài và hòa bình giữa ba nước Đông Dương anh em là điều kiện thuận lợi thúc đẩy đi lại du lịch, làm ăn buôn bán, đầu tư giữa người dân và doanh nghiệp ba nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tuyến biên giới chung giữa ba nước cũng chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới có tính chất quốc tế, phát triển cả về quy mô và tính chất nguy hiểm. Trong đó tội phạm về ma túy trở thành một trong những loại tội phạm phổ biến và nguy hiểm nhất. Nếu không có sự hợp tác tốt giữa các nước thì khó có thể kiểm soát và phòng chống tốt. Bên cạnh đó, nạn buôn bán người qua biên giới, tội phạm về an toàn, trật tự công cộng và các loại tội phạm khác diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp. Theo thống kê, trong tổng số hơn 1.580 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam bị phát hiện trong giai đoạn năm 2004-2009, có 11% số vụ mua bán sang Campuchia, 29% số vụ sang Lào.

Tuy nhiên, thời gian qua, mặc dù có sự phối hợp cùng giải quyết một số vấn đề, vụ án xuyên quốc gia, nhưng hiện nay giữa ba nước vẫn chưa thiết lập được cơ chế trao đổi thông tin, đặc biệt là thông tin pháp lý có tính chất kịp thời, thường xuyên giữa cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp tỉnh có chung đường biên giới. Việc ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương giữa ba nước trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm còn chậm, chưa phản ánh đúng thiện chí và mong muốn của các bên trong việc đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp...

Vì vậy, các đại biểu Tòa án tối cao và Tòa án các tỉnh biên giới của ba nước đều nhất trí, vì mục tiêu xây dựng một cộng đồng ba nước Đông Dương vững mạnh, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện thì vấn đề nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới và tương trợ tư pháp càng phải coi trọng. Ba nước cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý, xây dựng các điều ước quốc tế song phương và đa phương về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện ủy thác tư pháp; đặc biệt Việt Nam và Campuchia cần đẩy nhanh xây dựng và ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp song phương.

Bên cạnh đó, giữa bối cảnh tội phạm có tổ chức xuyên biên giới đang ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn khó lường, về phần Tòa án đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Tòa án các nước với nhau. Tòa án ba nước cần cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp nói chung và phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực môi trường nói riêng.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn đại biểu TANDTC Việt Nam đã có nhiều hoạt động thăm hỏi xã giao Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ni Ya-tho-tu; Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone; lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lào…

Tại hội nghị, lãnh đạo TANDTC Việt Nam đã trao tặng quà cho Tòa án tối cao hai nước Lào và Campuchia, mỗi Tòa án 22 bộ máy vi tính.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ ba: Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm qua biên giới