Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Nhóm PV miền Nam| 01/04/2016 20:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một ngày thảo luận sôi nổi, dân chủ dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình, chiều ngày 1/4/2016, Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ IV đã kết thúc tốt đẹp và ra “Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh”.

Thông qua 6 chủ đề “nóng” về hợp tác tư pháp

Hội nghị đã đưa ra thảo luận 6 chủ đề, đó là: Thể chế hóa hội nghị Chánh án ASEAN, xây dựng khung khổ hợp tác tư pháp ASEAN; Hội nhập ASEAN; Xây dựng Cổng thông tin điện tử ASEAN; Đào tạo tư pháp; Quản lý vụ án và công nghệ tại Tòa án; Tranh chấp gia đình xuyên biên giới. Tại mỗi chủ đề thảo luận có báo cáo của nước chủ trì nội dung thảo luận, sau đó đại biểu các nước tham gia ý kiến thảo luận, nêu quan điểm của mình.

Đoàn Malaysia đã có báo cáo: Xây dựng cơ chế chung về tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN. Đại diện Việt Nam, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào đã đánh giá cao lập trường của Malaysia về cơ chế tống đạt giấy tờ giữa các nước thành viên. Ông Tống Anh Hào cho biết, hiện đã có 6/10 quốc gia trong ASEAN xin gia nhập Công ước La Hay. Việt Nam đã nộp hồ sơ gia nhập Công ước La Hay và theo kế hoạch thì tháng 9/2016 Việt Nam chính thức là thành viên tham gia Công ước La Hay. Bộ luật Dân sự mới cũng quy định cho phép Tòa án tống đạt các giấy tờ tư pháp ra nước ngoài.

Một chủ đề được thảo luận sôi nổi là xây dựng Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN. Chủ đề này do TATC Singapore đề xuất. Đại diện Việt Nam, ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết: TANDTC Việt Nam có một đề án nâng cao Cổng thông tin điện tử. Việt Nam đã có nghị định, giao cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật, có dịch sang tiếng Anh; sẽ kết nối cơ sở dữ liệu này vào Cổng thông tin điện tử ASEAN.

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Chánh án 10 nước ASEAN ký Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều đoàn đã quan tâm chia sẻ về nội dung đào tạo tư pháp. ASEAN có sự đa dạng hệ thống pháp luật, vì vậy các lớp đào tạo, tập huấn là cần thiết. Theo đó, đến nay đã có 3 khóa đào tạo do Singapore chủ trì. Đại diện Malaysia trình bày: "Mỗi năm ít nhất 1 khóa tập huấn, quốc gia nào đăng cai thì quốc gia đó quy định phương thức đào tạo, có cơ chế tài chính phù hợp". Đại diện Philippine nêu quan điểm "Nội dung đào tạo rất lớn, rộng (tranh chấp hàng hải, vấn đề buôn người qua biên giới...). Chúng ta tiếp cận bằng phương pháp so sánh". Đại diện Tòa án Brunei cho biết "Trước đây quốc gia này cử người qua Úc, Anh để học; sau hội nghị này, Brunei sẽ làm việc để tham dự các cuộc tập huấn do các nước ASEAN tổ chức". Đại diện Tòa án Lào nêu ý kiến: "Chúng ta có đa dạng hệ thống pháp luật trong ASEAN, vì vậy thông qua các lớp tập huấn, các khóa học thì chúng ta có thể hiểu nhau hơn. Lào quan tâm các loại tội phạm trên mạng, lừa đảo xuyên quốc gia...". Đại diện TANDTC Việt Nam chia sẻ "Các khóa đào tạo chung được nêu ra ở hội nghị này rất đáng quan tâm. Đối với Việt Nam, chúng tôi cần giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ, phá sản...".

Vấn đề “nóng” nữa được hội nghị quan tâm là tranh chấp gia đình xuyên biên giới. Đại diện TANDTC Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, vấn đề kết hôn với người nước ngoài diễn ra khá phổ biến, dẫn đến việc có tranh chấp con cái xảy ra giữa một công dân Việt Nam và một công dân ở nước ngoài. Việc mang trẻ ra khỏi Việt Nam và đưa trẻ về Việt Nam xảy ra tranh chấp. Việt Nam thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Việt Nam ủng hộ việc thành lập các nhóm Thẩm phán giải quyết tranh chấp trẻ em xuyên quốc gia. Đại diện Tòa án Singapore cho biết: "Chúng ta hội nhập, có những vấn đề về hôn nhân và gia đình. Vào cuối năm 2016, Singapore tổ chức hội nghị về tranh chấp trẻ em, tranh chấp gia đình quốc tế sẽ mời các nước ASEAN tham gia".

Ra “Tuyên bố thành phố Hồ Chí Minh”

Bản tuyên bố đã nhắc lại tầm quan trọng và những kết quả của ACJM lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba với vai trò là một diễn đàn trao đổi các vấn đề chính sách cấp cao liên quan đến hệ thống pháp luật mỗi nước, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tư pháp và tăng cường tiếp cận những xu hướng pháp luật mới giữa các quốc gia thành viên khối ASEAN.

Bản tuyên bố khẳng định lại sự đồng thuận của Chánh án các nước ASEAN trong việc theo đuổi các mục tiêu tăng cường hợp tác tư pháp giữa Tòa án các nước ASEAN được ghi nhận trong Thỏa thuận Boracay 2015; nhấn mạnh nhu cầu và tầm quan trọng của việc xây dựng một kênh hợp tác chính thức, ổn định, bền vững và hiệu quả giữa Tòa án các nước ASEAN bên cạnh kênh hợp tác của nhánh hành pháp và lập pháp trong khuôn khổ ASEAN, nhằm đảm bảo tính toàn diện trong hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN đã được thành lập;

Bản tuyên bố nêu rõ: “1. Đồng ý đổi tên Hội nghị Chánh án các nước ASEAN thành Hội đồng Chánh án ASEAN (CACJ); 2. Xác nhận sự đồng thuận về ý chí việc thể chế hóa CACJ nhằm đưa Hội đồng trở thành một thực thể liên kết với ASEAN theo hiến chương ASEAN, tạo tiền đề cho mối quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định, bền vững giữa Tòa án các nước ASEAN dựa trên nguyên tắc và tôn trọng sự độc lập về thể chế giữa Tòa án các nước trong khuôn khổ ASEAN; 3. Đồng ý thực hiện các bước cần thiết nhằm đảo bảo việc ASEAN công nhận CACJ; 4. Đồng ý ủy quyền cho Chánh án TANDTC Việt Nam, hiện tại là Chủ tịch của CACJ, đệ trình yêu cầu công nhận CACJ lên ASEAN, với sự giúp đỡ của Singapore; 5. Đồng ý chỉ định đại diện từ hệ thống Tòa án mỗi nước để thành lập Nhóm Nghiên cứu nhằm nghiên cứu các công việc trong thời gian tới của CACJ trên cơ sở bài phát biểu của Chánh án Philippines và ý kiến đóng góp liên quan của Chánh án các nước khác; chỉ định Nhóm Nghiên cứu nộp báo cáo nghiên cứu của họ cùng những ý kiến tham mưu tại cuộc họp tới của CACJ; 6. Đồng ý ủy quyền cho Singapore tiếp tục đàm phán để tìm kiếm nguồn tài trợ cho Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN; 7. Cam kết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, nỗ lực hết mình để hoàn thành những mục tiêu đã được thông qua tại các kỳ Hội nghị trước cũng như tại Hội nghị lần này”.

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm Chánh án tối cao Vương quốc Campuchia

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm Chánh án TANDTC Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Các đoàn Tòa án tối cao tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm 

Sau khi ra Tuyên bố thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình và Chánh án, Trưởng đoàn Tòa án tối cao các nước tham dự Hội nghị đã trao tặng cho nhau những món quà lưu niệm thắm tình hữu nghị, đánh dấu sự thành công tốt đẹp của Hội nghị. Lúc 17 giờ ngày 1/4/2016, Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình tuyên bố bế mạc Hội nghị.

Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thức IV tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với đại biểu tham dự hội nghị. Tại buổi chiêu đãi của TANDTC tối ngày 31/3, bà Maria Lourdes P.A Seneno, Chánh án Tòa án tối cao Cộng hòa Philippines đã chia sẻ: "Đất nước, con người Việt Nam thật mến khách, đại biểu các nước đến đây được đón tiếp rất chu đáo, nồng hậu và chân tình. Hôm nay đến đây mọi người đều có cảm giác như đang ở nhà của mình, không chỉ được nghe những bài hát đậm nét dân tộc của Việt Nam mà còn được thưởng thức những bài hát của tất cả các nước ASEAN do các ca sỹ Việt Nam thể hiện đã làm tất cả chúng tôi rất xúc động. Các nước còn phải học hỏi nhiều hơn từ Việt Nam".

HỘI ĐÀM SONG PHƯƠNG GIỮA CHÁNH ÁN TANDTC VIỆT NAM VÀ CHÁNH ÁN TATC PHILIPPNIES

Trong khuôn khổ Hội nghị Chánh án các nước AESAN lần thứ 4, chiều ngày 01/4, tại Dinh Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Việt Nam đã có cuộc hội đàm song phương với bà Maria Lourdes P.A. Sereno, Chánh án Tòa án tối cao Philippines. Hai bên đã trao đổi quan điểm về những vấn đề quan tâm.

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Chánh án TANDTC Việt Nam hội đàm với Chánh án TATC Philippines

Trả lời câu hỏi của phía Philippines về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề biển đảo, hàng hải.... Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã nêu quan điểm như sau: Việt Nam luôn luôn chủ trương giải quyết vấn đề biển đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối biện pháp dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta đã có ký kết DOC và tham gia Công ước Luật Biển 1982. Đó là những căn cứ pháp lý mà tất cả chúng ta phải tôn trọng. Chúng tôi muốn tiến tới ký DOC. Đó là lập trường của Việt Nam.

Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp

Chánh án TANDTC Việt Nam tặng quà Chánh án TATC Philippines

Cũng tại cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất tăng cường hợp tác song phương về các vấn đề: trao đổi đoàn cấp cao, đào tạo tư pháp, kinh nghiệm hoạt động cải cách tư pháp, kinh nghiệm xét xử và ban hành án lệ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 4 thành công tốt đẹp