Hiến pháp mới và Luật Tổ chức TAND: Tạo điều kiện hạn chế oan sai

21/01/2015 08:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân đầu năm 2015, chúng tôi có cuộc phỏng vấn TS Phạm Minh Tuyên vừa được bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, xung quanh những vấn đề bạn đọc quan tâm.

Phát huy truyền thống của đơn vị

PV: Nhân dịp năm mới, BCL xin chúc mừng tân Chánh án. Năm mới, cương vị mới, nhiệm vụ mới, cảm nghĩ của ông như thế nào?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Xin cảm ơn lời chúc mừng của nhà báo. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là với trách nhiệm được giao, tôi phải cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết cũng như tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của cán bộ, công chức Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh, xứng đáng với sự ủng hộ của đồng nghiệp, sự tin cậy của lãnh đạo TANDTC cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương.

PV: Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn trước mắt?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Đối với tôi, có lẽ thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Thuận lợi trước hết là Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh có truyền thống đoàn kết, luôn luôn biết hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai là chúng tôi luôn vận động, tạo điều kiện cho cán bộ, Thẩm phán đi học để nâng cao trình độ, nên năng lực của đội ngũ Thẩm phán  và Thư ký hiện tại là khá vững. Bên cạnh việc đề cao năng lực chuyên môn thì tác phong làm việc rất chuyên nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Thứ ba là các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và Thi hành án của tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau vì một mục đích thượng tôn pháp luật. Trong những năm qua, sự phối hợp này là rất tốt, nên những năm qua chất lượng xét xử của ngành Tòa án tỉnh Bắc Ninh ổn định, tuyệt đối không có án oan, không có bản án nào bị khiếu nại phức tạp.

Chánh án tiền nhiệm của tôi là TS Nguyễn Trí Tuệ đã tạo ra những thuận lợi đó và trao lại cho chúng tôi, nên nhìn chung theo tôi thuận lợi là chính.

PV: Tổng kết công tác thi đua năm 2014, Tòa án tỉnh Bắc Ninh đã được suy tôn Cờ Thi đua của Chính phủ và có hai đơn vị là Tòa án thành phố Bắc Ninh và Tòa án nhân dân huyện Yên Phong được đề nghị tặng thưởng Cờ thi đua Tòa án nhân dân, đó là sự ghi nhận của đồng nghiệp, của lãnh đạo TANDTC đối với thành tích mà Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh đạt được. Ông nghĩ sao về phần thưởng này?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Phần thưởng này là niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với chúng tôi. Đó cũng là những tiền đề tích cực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong những năm tiếp theo.

Tòa án kiểm tra các khâu điều tra, truy tố

PV: Là người thường xuyên nghiên cứu về hình sự, ông đánh giá thế nào về những vụ án oan hiện nay, điển hình nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bên Bắc Giang liền kề với Bắc Ninh?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Những bản án oan gây bức xúc đối với nhân dân, bản án oan lại có mức án chung thân, tử hình thì sự bức xúc đó càng lớn. Là một người làm công tác xét xử, thường xuyên nghiên cứu về luật hình sự tôi cảm thấy đó là những bản án bất công, không thể hiện được công lý. Tòa án đã không tìm ra được sự thật khách quan để tuyên bản án đúng người, đúng tội. Không có người Thẩm phán nào không cảm thấy buồn khi nghe những tin như vậy. Tuy nhiên, với tư cách người nghiên cứu khoa học thì tôi vẫn đặt ra những câu hỏi, tại sao lại có thể xảy ra oan sai đến như thế, có kẽ hở nào để những chứng cứ gỡ tội bị bỏ lọt như vậy. Nói thật, trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, khi mà hồ sơ được Cơ quan Công an và Viện Kiểm sát cố tình xây dựng sai lệch như vậy thì có lẽ không mấy Thẩm phán ngồi xử vụ án đó có thể phát hiện ra dấu hiệu oan sai để tránh sai lầm.

Hiến pháp mới và Luật Tổ chức TAND: Tạo điều kiện hạn chế oan sai

 Chánh án Phạm Minh Tuyên

PV: Phải chăng khâu xét hỏi, tranh luận tại các phiên tòa đã thiếu chặt chẽ, không đầy đủ?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Tôi nghĩ rằng nếu mổ xẻ thì có rất nhiều nguyên nhân và nhiều vấn đề cần bàn đến, nhưng hoạt động xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa theo tôi rõ ràng là không hiệu quả.

Nguyên nhân một phần quan trọng nữa cũng từ chính những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự chưa bảo đảm được quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…Trong nhiều nguyên nhân, tôi băn khoăn nhất là hồ sơ vụ án được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát thực hiện, nếu có những sai sót, thậm chí cố ý sai lệch thì Hội đồng xét xử cũng không dễ phát hiện được. Do đó, để phòng, tránh oan sai trong hoạt động tố tụng thì cần quy định người bào chữa chỉ có thể là luật sư và nên quy định mở rộng những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa chứ không nên quy định hẹp như Điều 57 BLTTHS hiện hành và cần đưa quyền im lặng vào trong Luật tố tụng hình sự

PV: Nếu Hội đồng xét xử không phát hiện được hồ sơ vụ án bị sai lệch thì án oan vẫn có thể xảy ra?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Đấy là mối lo ngại nhất. Vì vậy, Hiến pháp 2014 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thể hiện sự phân công quyền lực Nhà nước mạch lạc, đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp quy định rõ như vậy và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) vừa được ban hành đã cụ thể hóa quy định này, theo tôi là một bước tiến quan trọng để ngăn ngừa oan sai.

PV: Xin ông phân tích rõ hơn?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử mà còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, Tòa án không chỉ dựa trên hồ sơ của Viện Kiểm sát, của Cơ quan điều tra, và chỉ có thể trả hồ sơ để các cơ quan này tự  kiểm tra, điều tra bổ sung mà Tòa án cần phải có thẩm quyền tự mình kiểm tra, đánh giá lại những chứng cứ các cơ quan này đã thu thập, sử dụng để buộc tội. Với những vụ án phức tạp, thì khâu này lại càng cần thiết đối với các Thẩm phán. Thẩm phán phải bỏ ngay suy nghĩ “án tại hồ sơ” mà cần phải làm quen với thuật ngữ  “án tại phiên tòa”. Tôi tin rằng, làm tốt được công tác này thì hoạt động xét xử chắc chắn thuận lợi hơn và cũng ngăn ngừa và hạn chế oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

PV: Như vậy có thể hiểu là Tòa án phải xem xét các hoạt động tố tụng từ khi bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra, truy tố.

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Đúng như thế. Nếu trong quá trình xem xét lại đó mà phát hiện các hoạt động tố tụng trước đó không đúng thì Tòa án yêu cầu làm lại hoặc tự mình thực hiện các hoạt động điều tra để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Luật tố tụng Hình sự ở nhiều nước trên thế giới cũng quy định như vậy.

Nguồn nhân lực

PV: Từ một cơ quan chỉ thực hiện chức năng xét xử, nay có thêm chức năng thực hiện quyền tư pháp, ông đánh giá thế nào về năng lực đội ngũ Thẩm phán nói riêng, công chức Tòa án nói chung trong việc thực hiện nhiệm vụ mới?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Đấy là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Như thực tiễn ở Bắc Ninh, trong lĩnh vực hình sự chẳng hạn, tôi không thấy lo ngại lắm. Nếu Thẩm phán nắm vững các quy định của pháp luật, có phương pháp làm việc khoa học thì không khó để thực hiện nhiệm vụ xem xét, kiểm tra các hoạt động tố tụng từ khi khởi tố, điều tra đến truy tố.

PV: Nhưng thực hiện quyền tư pháp không chỉ đối với các vụ án hình sự, mà còn là kiểm soát các cơ quan khác trong thực hiện quyền lực nhà nước. Theo ông nhiệm vụ này được hiểu thế nào?

Chánh án Phạm Minh Tuyên: Đã có nhiều ý kiến về nội dung này. Tôi cũng cho rằng  ngoài việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính thì trong quá trình xét xử các vụ án, nếu phát hiện các văn bản hành chính trái pháp luật, Tòa án có thẩm quyền tuyên bố về tính không hợp pháp của văn bản hành chính đó. Đặc biệt để nâng cao thẩm quyền của Tòa án và bảo đảm cho người dân tiếp cận công lý một cách nhanh nhất thì việc xây dựng Luật cũng cần phải tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và đặc biệt các quy định của Luật cũng cần phải dễ hiểu thì mới tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý một cách nhanh nhất vì “Công lý chậm trễ là Công lý bất công”

Đối với cơ quan lập pháp, thông qua hoạt động xét xử, nếu phát hiện các quy định của pháp luật trái Hiến pháp, Tòa án có quyền tuyên bố về tính vi hiến của quy định đó và không áp dụng hoặc là kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý theo thẩm quyền. Ví dụ như Luật tố tụng Hành chính nên bỏ quy định ủy quyền trong Tố tụng hành chính vì thực tiễn xét xử chưa thấy người bị kiện nào đến Tòa mà toàn ủy quyền cho những người không có thẩm quyền quyết định đến Tòa nên việc đối thoại trong tố tụng hành chính hầu như vô nghĩa.

Đây là những nội dung rất quan trọng cần được nhận thức thống nhất và thể chế hóa trong quá trình xây dựng các luật tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt là luật tổ chức các cơ quan tư pháp và các luật tố tụng tư pháp.

Với nội hàm  đó của quyền tư pháp thì rõ ràng vấn đề tạo nguồn nhân lực đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu đặt ra là một nhiệm vụ rất quan trọng.

PV: Xin cảm ơn Chánh án đã trả lời phỏng vấn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiến pháp mới và Luật Tổ chức TAND: Tạo điều kiện hạn chế oan sai