Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, đổi mới theo tinh thần Hiến pháp

01/01/2016 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những nhiệm vụ cơ bản của việc tổ chức thi hành Hiến pháp 2013 sau khi có hiệu lực là công tác rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành.

Mục đích nhằm xác định sự phù hợp của từng loại văn bản QPPL với các quy định mới của Hiến pháp để có giải pháp xử lý phù hợp.

Chú trọng vấn đề quyền con  người

Ngay sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp nói chung và hoạt động liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng đã được triển khai tích cực, có trách nhiệm. Các luật, pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước tập trung vào các định hướng: Làm rõ bản chất, vị trí, vai trò chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, xác định rõ Quốc hội là cơ quan lập pháp; Chính phủ là cơ quan hành pháp và Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Điều chỉnh lại thẩm quyền, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước… theo đúng các quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền nêu trên. Cùng với đó, các Luật về tổ chức của các cơ quan: Quốc hội, TAND, VKSND, Chính phủ… cũng đã được Quốc hội thông qua đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Một vấn đề nữa là việc rà soát các luật, pháp lệnh bảo đảm thi hành các quy định liên quan đến việc đảm bảo quyền con người được các cơ quan có trách nhiệm triển khai. Kết quả rà soát ban đầu cho thấy tổng số luật, pháp lệnh cần được đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới khoảng 33 văn bản, trong đó 15 luật, pháp lệnh cần được sửa đổi; 10 pháp lệnh cần được thay thế bằng luật; 9 luật cần được ban hành mới (Luật Căn cước công dân, Luật Biểu tình, Luật Tiếp cận thông tin…) và không có luật, pháp lệnh nào phải dừng thi hành.

Luật Tổ chức TAND đã thể chế tinh thần này của Hiến pháp khá đầy đủ và đang triển khai thực hiện. Luật quy định nhiệm vụ của Tòa án nhân dân bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án phải là nơi mà mọi người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, sự thật; có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm hại; khi công dân yêu cầu Toà án giải quyết mọi tranh chấp thì Toà án có trách nhiệm thụ lý giải quyết mà không có quyền từ chối.

Cùng với đó, hàng loạt các luật trong lĩnh vực quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)… Các luật khác như Luật Báo chí, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình… đang được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tiếp theo sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền con  người, quyền công dân đúng với tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, đổi mới theo tinh thần Hiến pháp

Hiến pháp năm 2013 xác định rõ Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp 

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… có 38 đạo luật quan trọng đã được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp. Các đạo luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế cần bám sát các quy định của Hiến pháp về kinh thế thị trường định hướng XHCN để tập trung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ cho nền kinh tế thị trường, tạo đột phá trong cải cách thể chế kinh tế theo đúng các quy luật của thị trường. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh tế tập trung vào việc loại bỏ các cơ chế, các thủ tục hành chính đang gò bó sự phát triển kinh tế, gây khó khăn, ách tắc trong vận hành và phát triển các quan hệ thị trường. Tạo môi trường pháp lý ổn định và an toàn cho việc xây dựng, vận hành và phát triển các loại thị trường, đặc biệt là thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ, huy động được mọi nguồn lực tham gia kinh tế thị trường…

Đề cao vai trò của cơ quan lập pháp

Đáng chú ý, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc và đối ngoại cũng vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để điều chỉnh các quan hệ quan trọng này theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 cũng đang được triển khai đồng bộ với các lĩnh vực điều chỉnh pháp luật khác. Các luật về lĩnh vực này cũng đã được Quốc hội thông qua trong các kỳ họp vừa qua tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của đất nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 cũng đã tạo một cơ sở hiến định mới cho việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013 về bộ máy Nhà nước, các đạo luật như: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ… được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý khá đồng bộ cho việc thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước đã được hiến định theo tinh thần phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự đồng bộ này tạo thuận lợi cho mỗi chế định quyền lực phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của mình không chỉ trong lĩnh vực quyền lực được phân công mà còn cả trong việc phối hợp, kiểm soát việc thực hiện các thẩm quyền của từng thiết chế quyền lực Nhà nước khác. Đối với Quốc hội, sự đồng bộ này tạo điều kiện cho Quốc hội thực hiện thực hiện vai trò, trách nhiệm của một thiết chế thực hiện quyền lập pháp, vai trò của một “nhạc trưởng” trong việc tổ chức điều phối sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp.

Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, đổi mới theo tinh thần Hiến pháp

Hàng loạt các luật về quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung

Có thể nói rằng, với Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu mới của Hiến pháp 2013 là một công việc hệ trọng, phức tạp cần được triển khai một cách khoa học, có lộ trình thích hợp, huy động được trí tuệ, kinh nghiệm của cả xã hội cùng tham gia đóng góp cho việc hoàn thiện từng dự thảo luật trước khi Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua.

 Cùng với đó, vai trò lập pháp của Quốc hội cần được củng cố và nâng tầm hơn nữa. Theo TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, để Quốc hội làm tốt chức năng của mình, thì quyền sáng kiến lập pháp và trình dự án luật của các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quyền lập pháp của Quốc hội. Trong lịch sử hoạt động Quốc hội chưa có dự án văn bản nào do chính đại biểu Quốc hội nêu sáng kiến và trình Quốc hội, do đó cần chú trọng đến khâu này. Bên cạnh đó, đa số các đại biểu kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể… Sự kiêm nhiệm này là cần thiết nhưng chỉ nên ở mức độ tỷ lệ phù hợp mới có thể khắc phục được sự lẫn lộn trong các vai trò đại biểu và quan chức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, đổi mới theo tinh thần Hiến pháp