Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Phương Nam| 25/11/2015 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý, bổ sung cho Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án; đồng thời quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng.

Không quy định riêng các trường hợp không truy tố bị can

Về quy định không truy tố bị can, nhiều ý kiến ĐBQH không tán thành quy định này để đảm bảo minh bạch, công bằng trong việc truy tố, tránh dẫn đến tùy nghi khi áp dụng vì có trường hợp truy tố, có trường hợp không truy tố.

UBTVQH cho rằng, dự thảo quy định 4 trường hợp Viện kiểm sát có thể ra quyết định không truy tố bị can là trái nguyên tắc Hiến định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16), không bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Quy định về không truy tố của Viện kiểm sát trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 chính là để áp dụng đối với các trường hợp Viện kiểm sát đình chỉ vụ án khi có căn cứ miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bị can. Về cơ bản, các trường hợp Viện kiểm sát không truy tố bị can cũng là các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật hình sự. Vì vậy, nếu quy định Viện kiểm sát vừa có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự vừa có thẩm quyền ra quyết định không truy tố như dự thảo là trùng lặp.

Mặt khác, qua giám sát oan, sai của Quốc hội vừa qua cho thấy việc Viện kiểm sát đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can theo khoản 1 Điều 25 của Bộ luật hình sự còn có nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, có những trường hợp có dấu hiệu làm oan. Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng, tùy tiện trong việc truy tố, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị không quy định riêng “các trường hợp Viện kiểm sát không truy tố bị can” như dự thảo đã trình Quốc hội mà thu hút chung vào các trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự, theo đó đề nghị quy định đầy đủ, chặt chẽ căn cứ, các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự, tạo cơ sở pháp lý để Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, tránh lạm dụng.

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự

Về ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử,  nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ quy định về ủy quyền công tố trong dự thảo, nếu xác định vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cùng cấp thì Viện kiểm sát cấp trên đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án phải chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền xem xét, quyết định việc truy tố.

Theo UBTVQH, Bộ luật hiện hành không quy định về ủy quyền công tố mà "Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền" (khoản 4 điều 166), nhưng trên thực tiễn có nhiều vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên điều tra nên Viện kiểm sát cấp trên phải thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án đó và quyết định việc truy tố. Trường hợp quyết định truy tố thì Viện kiểm sát cấp trên ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy chế nội bộ của ngành Kiểm sát. Đối với những vụ án này, qua thực tiễn cho thấy, Viện kiểm sát cấp dưới còn bị động trong thực hành quyền công tố, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa còn hạn chế.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, để Viện kiểm sát cấp dưới chủ động trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, UBTVQH đã chỉnh lý thẩm quyền truy tố tại Điều 234 của dự thảo như sau:

“... Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán

Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với quy định xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo UBTVQH: BLTTHS hiện hành chưa có cơ chế giải quyết đối với trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng. Hiến pháp năm 2013 trao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý thì khi có sai lầm, phải có cơ chế sửa sai. Vì vậy, việc bổ sung thủ tục đặc biệt, cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự của chính mình khi có căn cứ xác định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm đó có sai lầm nghiêm trọng là cần thiết (tương tự như quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính hiện hành).

Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị giao cho Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. UBTVQH nhận thấy, thực tiễn khi xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm có nhiều trường hợp đã rõ ràng về chứng cứ, không cần phải xét xử lại như có đủ căn cứ để giảm nhẹ hình phạt hoặc giảm mức bồi thường cho bị cáo nhưng do quy định hiện hành Hội đồng giám đốc thẩm không có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, chỉ được hủy án để xét xử lại làm việc giải quyết vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, gây tốn kém, lãng phí ngân sách Nhà nước. Việc cho phép Hội đồng giám đốc thẩm sửa án không vi phạm nguyên tắc Hiến định “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý, bổ sung cho Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án; đồng thời quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng (như trường hợp tài liệu, chứng cứ đã rõ ràng, việc sửa bản án không làm thay đổi bản chất vụ án, không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, không gây bất lợi cho người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi): Bổ sung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm