Dự thảo BLHS (sửa đổi): “Phi hình sự hóa” có “giải cứu” cho cán bộ phạm pháp thoát án tù?

Mai Thoa| 06/11/2015 15:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về dự thảo BLHS (sửa đổi) tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu có chung nhận xét, BLHS được sửa đổi lần này hết sức nhân đạo.

Đó là đã giảm hình phạt tử hình, giảm tất cả các khung hình phạt, tăng hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ, phi hình sự hóa một số loại tội và hình sự hóa một số loại tội là cần thiết.

Không nên bỏ tử hình tội “Cướp tài sản”

Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, nhiều ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh trong dự thảo Bộ luật (như tội Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia...). Ngoài ra, dự thảo BLHS tách riêng hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh riêng và bỏ hình phạt tử hình ở các tội này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, ngoài 7 tội danh trên, cần bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác là: Tham ô; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền ( Lâm Đồng) chỉ đồng ý bỏ 5 trong số 7 tội danh trên. Ông cho rằng, riêng tội Cướp, tội Vận chuyển trái phép chất ma túy thì chưa đồng tình. Bởi như vậy sẽ “không xử được ai”, vì tất cả mọi người bắt được đều xác nhận, họ chỉ vận chuyển ma túy. Đối với tội “Cướp tài sản” cũng vậy, các hành vi cướp rất nguy hiểm cho xã hội, nếu bỏ hình phạt tử hình ở tội này sẽ không còn sức răn đe và giáo dục, vì có nhiều những hành vi nguy hiểm mà loại tội phạm này gây ra có thể dẫn đến chết người.

Liên quan đến quy định không thi hành án tử hình đối với người phạm tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”, nhiều ĐB đồng tình và cho rằng, quy định như vậy nhằm thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải quy định chặt chẽ, cụ thể khoản tiền chủ động nộp có tương ứng với khoản tiền thiệt hại hay không chứ không thể “chủ động nộp năm, mười triệu” để được miễn thi hành án tử hình; hoặc lập công lớn ở đây là gì? Nếu không quy định rõ ràng sẽ rất dễ lợi dụng khi áp dụng. Nhiều ĐB khác cũng đánh giá, đây là những điểm mới, thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, để tránh có kẽ hở của pháp luật, cần phải quy định chặt chẽ đối tượng, điều kiện áp dụng và cần cân nhắc, xem xét làm rõ chế định này với quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước để đảm bảo sự thống nhất giữa các chế định trong luật.

Về phi hình sự hóa, nhiều ý kiến tán thành việc thay thế tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị giữ và sửa đổi cấu thành tội danh này để tránh bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế. UBTVQH dự kiến thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 9 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: Quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp…

Dự thảo BLHS (sửa đổi): “Phi hình sự hóa” có “giải cứu” cho cán bộ phạm pháp thoát án tù?

ĐB Trần Hồng Hà phát biểu

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng nên cân nhắc kỹ, bởi nhiều cử tri băn khoăn, có phải “phi hình sự hóa” để giải cứu cho cán bộ phạm pháp ra tù không? Bên cạnh đó, cần có thông tin đầy đủ cho ĐB Quốc hội biết hiện nay có bao nhiêu cán bộ đang ở tù về tội “Cố ý làm trái…”, bao nhiêu cán bộ đang bị khởi tố, điều tra, truy tố về xét xử về tội danh này. Nếu chúng ta bỏ tội này thì đương nhiên, những người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố là phải đình chỉ, những người đang thi hành án phải được ra tù, như vậy có nhận được sự đồng thuận của nhân dân hay không?

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) lại cho rằng, thay đổi là phù hợp. Tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là tội danh chung, có phạm vi rộng nhưng với quy định trong BLHS hiện hành lại không cụ thể, rõ ràng, thể hiện sự quy nạp một nhóm tội vào một điều luật chung, điều này không đảm bảo tính minh bạch, dẫn đến tình trạng lạm dụng làm oan người vô tội. Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013, dự thảo BLHS thay thế các tội danh thuộc các nhóm tội như trên là hợp lý.

Cần có cơ chế của Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Việc quy định theo hướng liệt kê cụ thể các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước. Dự thảo BLHS (sửa đổi) khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện và quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội về ma túy và các tội xâm phạm trật tự, an toàn công cộng là phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đề nghị, Ban soạn thảo rà soát để giới hạn hẹp hơn nữa các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) nên loại bỏ các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông ra khỏi danh mục các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, để bảo đảm cho việc áp dụng các biện pháp thay thế, xử lý hình sự, hoàn thiện cơ sở pháp lý để Tòa gia đình và người chưa thành niên thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình thì cần phải có thủ tục, trình tự riêng và được áp dụng ở tất cả các giai đoạn tố tụng. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp này là Tòa án.

Còn theo ĐB Nguyễn Thành Bộ, cần giữ quy định người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời quy định cụ thể hơn các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giúp cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để áp dụng trên thực tế. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLHS (sửa đổi): “Phi hình sự hóa” có “giải cứu” cho cán bộ phạm pháp thoát án tù?