Công tác bồi thường oan sai trong tố tụng: Cần có một cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện việc bồi thường

Mai Thoa| 18/12/2014 20:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/12, liên ngành các cơ quan: Bộ Tư pháp - TANDTC - VKSNDTC - Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã có cuộc họp về phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì buổi họp.

Phải có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2014 Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông  nghiệp để tổng hợp số liệu và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng và Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ và đã có báo cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Thực hiện Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH 13 năm 2014 của UBTVQH về việc thành lập đoàn giám sát “tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan, sai và Bộ Tư pháp cũng đã có báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Cũng trong năm 2014, liên ngành tư pháp cũng đã phối hợp trao đổi nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đối với 6 vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm. Cụ thể, vụ việc ông Phan Văn Lá ở Long An yêu cầu bồi thường do bị oan trong lĩnh vực điều tra hình sự; vụ ông Nguyễn Khắc Cần yêu cầu bồi thường do bị oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự trong quân đội; vụ ông Nguyễn Thanh Chấn; vụ bà Nguyễn Thái Thanh…

Quá trình thực hiện công tác bồi thường thấy rằng, việc phối hợp liên ngành vẫn còn những hạn chế. Luật Bồi thường Nhà nước có hiệu lực thi hành đến nay đã được gần 5 năm nhưng liên ngành mới hoàn thành xong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này. Chưa đánh giá được thực chất tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng; chưa có cơ chế sàng lọc thông tin để nắm bắt tình hình giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính bằng thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Việc thực hiện cung cấp thông tin hoặc phản hồi các vấn đề báo chí đăng tải về công tác bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có sự chủ động phối hợp trong việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan có liên quan, do đó chưa định hướng được dư luận xã hội trong việc giải quyết một số vụ việc nhạy cảm, phức tạp; chưa có sự phối hợp cung cấp thông tin về số liệu và việc đánh giá tình hình trong hoạt động tố tụng hình sự còn chưa đầy đủ, thống nhất, kịp thời…

Công tác bồi thường oan sai trong tố tụng: Cần có một cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện việc bồi thường

Toàn cảnh cuộc họp

Theo ông Lê Văn Thư, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp, Bộ Công an: Từ năm 2011-2014, Bộ Công an chỉ nhận được 5 trường hợp yêu cầu bồi thường và giải quyết được 4 vụ với tổng số tiền bồi thường gần 400 triệu đồng, còn một vụ ở Cần Thơ đang tiến hành thụ lý để giải quyết.

Cần sửa Luật Bồi thường Nhà nước

Thẩm phán Nguyễn Châu Hoan, Tòa Hành chính TANDTC nêu vấn đề hiện nay chúng ta có ba bộ luật tố tụng: Hình sự, Dân sự và Hành chính. Thông tư liên ngành số 22 vừa ban hành mới chỉ dừng lại ở hướng dẫn về bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự, chưa có trong tố tụng hành chính, dân sự, nếu có cũng chưa rõ ràng. Hướng dẫn về Luật Tố tụng hình sự tại Điều 14 về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, tại khoản 1 quy định: Cơ quan hành chính quản lý trực tiếp người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường. Tại điểm d, khoản 2 Điều 14 có quy định: “Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại thì cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”. Áp dụng quy định này có những việc cụ thể yêu cầu bồi thường như vụ án Phan Văn Lá, Nguyễn Thanh Chấn, nếu áp dụng quy định này không rõ. Nếu như Tòa án là cơ quan đứng ra thực hiện việc bồi thường cũng chưa hợp lý vì có 3 cơ quan tố tụng cùng tham gia: Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Còn vụ ông Phan Văn Lá cũng khá rõ ràng, khi bị khởi tố khi xét xử sơ thẩm, bản án kháng cấp phúc thẩm đã hủy và giao về cho cơ quan điều tra  và sau đó cơ quan này đình chỉ thì lỗi cũng không phải do Tòa án, vì án bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều vụ án tại Tòa đương sự kêu oan, nhưng hồ sơ lại rất “tròn trĩnh”, vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một ví dụ. Nếu có oan sai trong những trường hợp như vậy thì cũng không thể quy trách nhiệm bồi thường oan sai chỉ ở Tòa án. Vì vậy, việc chỉ khởi tố chủ tọa phiên tòa liệu có đúng không khi tại phiên tòa còn có cả kiểm sát viên, hồ sơ vụ án lại “tròn trĩnh” như vậy. Đây cũng là những vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Hoan cũng cho rằng, phần bồi thường trong án hành chính là chưa rõ ràng. Bản thân ông là Chủ tọa phiên tòa tái thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn. Sau khi xử hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, ông Vươn không rút đơn mà yêu cầu bồi thường do quyết định trái pháp luật gây ra. Trong tố tụng hành chính, việc bồi thường căn cứ hành vi hành chính trái pháp luật gây ra mới xem xét việc bồi thường. Việc bồi thường nhà nước về tố tụng hành chính đang vướng mắc, chưa có hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 22.

Đại diện Viện Khoa học xét xử TANDTC đề xuất cần xem xét, sửa đổi khoản a Điều 32 Luật Bồi thường Nhà nước, trong đó quy định: Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp: Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội. Bởi Hiến pháp 2013 đã quy định, một người chỉ được coi là có tội khi có bản án Tòa án tuyên có hiệu lực pháp luật. Vậy nên, nếu theo quy định này, khi bản án sơ thẩm tuyên, chưa có hiệu lực pháp luật, Tòa cấp trên hủy án để điều tra lại và Cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm lại “lãnh” trách nhiệm bồi thường oan sai, trong khi bản án cấp sơ thẩm xét xử chưa có hiệu lực pháp luật và cấp phúc thẩm đã hủy, như vụ án Phan Văn Lá ở Long An là một ví dụ điển hình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng, một vụ án oan sai là một chuỗi tố tụng thực hiện từ điều tra, truy tố đến xét xử mà chỉ quy trách nhiệm cho người cuối cùng là Tòa án là không hợp lý. Đương nhiên, về phía Nhà nước, trách nhiệm bồi thường với người dân bị oan vẫn phải tiến hành, còn những người thực thi công vụ, phải làm rõ trách nhiệm từng công đoạn của vụ án oan sai phải bồi thường.

Ông Ngọc cũng cho rằng, hiện nay cần phải có một cơ quan đứng ra đại diện việc bồi thường cho người bị oan, sau đó mới quy trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân để xảy ra oan sai. Vì nếu như để Thẩm phán, Kiểm sát viên hay Điều tra viên đứng ra thương thảo việc bồi thường với người bị oan sai là không phù hợp và khó đạt được sự thỏa thuận.

Cũng theo ông Ngọc, hiện nay pháp luật chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm đứng ra bồi thường? Vậy nên, trước mắt, với những vụ việc cụ thể nào chưa phân định được cơ quan nào phải bồi thường thì Bộ Công an, Tòa án, VKS cần họp bàn để xem xét trách nhiệm thuộc về cơ quan nào.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác bồi thường oan sai trong tố tụng: Cần có một cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện việc bồi thường