Công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội rửa tiền

Đ. Việt| 31/05/2019 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 31/5, TANDTC phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại diện các đơn vị chức năng thuộc TANDTC.

Cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền

Phát biểu công bố Nghị quyết, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội rửa tiền

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ

Thực tiễn phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt. Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý, sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Những nội dung căn bản của Nghị quyết

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 23/5/2019 và Chánh án TANDTC ký ban hành ngày 24/5/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 7/7/2019.

Công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội rửa tiền

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc ra đời Nghị quyết 03 thể hiện cam kết của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết công ước quốc tế

Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó Điều 1 xác định vi phạm điều chỉnh của Nghị quyết là hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 324 của BLHS về tội rửa tiền.

Điều 2 của Nghị quyết hướng dẫn cách hiểu thống nhất một số thuật ngữ pháp lý dược sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 324 của BLHS như: Tiền, tài sản do phạm tội mà có; trường hợp nào được coi là biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.

Đáng chú ý, về tội phạm nguồn, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết hướng dẫn: Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong BLHS và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền.

Trong khoản này có dẫn chiếu đến một số tội phạm là tội phạm nguồn như nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe (như giết người, cố ý gây thương tích); nhóm tội phạm mua bán người, xâm phạm sở hữu (như trộm cắp, tội cướp); nhóm tội phạm kinh tế (như buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, trốn thuế, chứng khoán, xâm phạm quyền tác giả); nhóm tội phạm môi trường, tội phạm ma túy; nhóm tội phạm khủng bố và tài trợ khủng bố; nhóm tội phạm liên quan đến vũ khí và nhóm tội phạm tham những (như tham ô tài sản, nhận hối lộ)…

Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của BLHS Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.

Khoản 2, Điều 3 của Nghị quyết hướng dẫn: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự với tội phạm nguồn.

Điều 4 của Nghị quyết hướng dẫn xác định một số hành vi khách quan của tội rửa tiền. Cụ thể: Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có, hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS là hành vi dùng tiền, tài sản thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Hành vi sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 BLHS là hành vi dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác.

Hành vi cản trở việc xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 BLHS là hành vi cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc làm rõ nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản (ví dụ: cung cấp tài liệu, thông tin giả; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ; hủy bỏ, tiêu hủy, sửa chữa, tẩy xóa tài liệu, chứng cứ...).

Tại buổi lễ công bố, phóng viên báo chí tham dự đã đặt câu hỏi về một số nội dung trong Nghị quyết, tính thực tiễn và tác động của Nghị quyết đối với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm rửa tiền…Toàn bộ các nội dung liên quan đến câu hỏi của phóng viên đã được lãnh đạo TANDTC  trả lời và giải đáp đáp một cách thỏa đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS về tội rửa tiền