Chế độ tiền lương, phụ cấp cần phù hợp với đặc thù của Tòa án

Quốc Huy| 27/04/2016 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp UBTVQH ngày 25/4, TANDTC đã có Tờ trình đề nghị quy định chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức các TAND; trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán TAND theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Theo đánh giá, đây là nội dung quan trọng.

Theo Tờ trình, TANDTC xây dựng thang bậc và hệ số lương đối với các chức danh tư pháp theo nguyên tắc và tính chất lao động phức tạp của từng nhóm chức danh, như sau:

Các ngạch Thư ký Tòa án được xác định tính chất lao động phức tạp cao hơn không nhiều so với các ngạch chuyên viên trong cơ quan Nhà nước, vì vậy được xác định tương đương với ngạch chuyên viên trong các cơ quan Nhà nước. Các ngạch Thẩm tra viên là công chức chuyên môn của Tòa án, có thời gian làm Thư ký Tòa án từ 5 năm trở lên thì được xác định có tính chất lao động phức tạp cao hơn 1.05 lần các ngạch Thư ký tương ứng. Các ngạch Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử, vì vậy, tính chất lao động phức tạp hơn (trừ Thẩm phán TANDTC là trường hợp đặc biệt) thì những người này cần được hưởng mức lương cao hơn 1.05 lần các ngạch Thẩm tra viên tương ứng.

 Riêng Thẩm phán TANDTC có số lượng từ 13 đến 17 người, là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực pháp luật, có uy tín và địa vị cao trong xã hội. Trước khi được làm Thẩm phán TANDTC phải được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Do vậy, mức lương đối với Thẩm phán TANDTC cần được thiết kế thành 2 phương án: Theo nguyên tắc tính chất lao động phức tạp đối với từng nhóm chức danh và thiết kế mức lương đặc biệt gồm 3 bậc, khoảng cách giữa các bậc lương là 0,60; thời gian nâng bậc là 5 năm/bậc, khi đã hưởng bậc lương cuối cùng trong ngạch, đủ điều kiện thời gian thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.

Các chức danh công chức hành chính làm việc trong cơ quan TAND như chuyên viên, cán sự, kế toán, văn thư được xếp theo ngạch, bậc và hệ số lương tương đương với các ngạch công chức hành chính có cùng trình độ.

Về phụ cấp trách nhiệm nghề đề án đề nghị sửa đổi, bổ sung “phụ cấp trách nhiệm” đối với Thẩm phán, Thư ký Toà án và Thẩm tra viên các Toà án (theo Quyết định số 171/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, như sau:

 Đối với Thẩm phán: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 20%; Thẩm phán trung cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 25%; Thẩm phán sơ cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 30%. Đối với Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án: Thẩm tra viên cao cấp và Thư ký viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 15%; Thẩm tra viên chính và Thư ký viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 20%; Thẩm tra viên và Thư ký viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề 25%.

 Các công chức, viên chức còn lại làm việc trong các TAND được hưởng mức phụ cấp 10% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Chế độ tiền lương, phụ cấp cần phù hợp với đặc thù của Tòa án

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến

Về phụ cấp thâm niên nghề, TANDTC đề nghị UBTVQH xem xét, giải quyết cho 1.689 người tương đương với 11,11% công chức hành chính tư pháp không xếp lương theo các chức danh tư pháp được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề. Vì số công chức này tuy không xếp lương theo các chức danh tư pháp nhưng vẫn thường xuyên trực tiếp nghiên cứu hồ sơ phục vụ công tác xét xử, tổng kết kinh nghiệm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mang tính chuẩn mực của các Tòa án để phát triển thành án lệ cho các TAND áp dụng trong xét xử.

Thẩm tra Tờ trình của Chánh án TANDTC về các nội dung trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong khi chưa có Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương thì cần tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 81/2014/NQ-QH13 của Quốc hội để Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán TANDTC tiếp tục được hưởng thang, bảng lương theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH (thang, bảng lương của công chức A3, gồm 6 bậc từ 6,2 đến 8,0). Quy định như vậy là bảo đảm tương ứng với tiền lương của Kiểm sát viên VKSNDTC. Trường hợp Thẩm phán cao cấp được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC thì xếp lên một bậc lương liền kề của bậc lương hiện hưởng tại thời điểm bổ nhiệm là phù hợp.

Vấn đề này, TANDTC cho rằng, sau 11 năm thực hiện, đến thời điểm này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chế độ tiền lương, thu nhập còn thấp, không đủ tái sản xuất sức lao động đối với người hưởng lương; chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề hiện nay mới chỉ áp dtrụng đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các TAND luôn gắn liền với nhiệm vụ xét xử, còn 1.689 người (tương đương với 11,11%) không được xếp lương theo các chức danh tư pháp, vì vậy chưa động viên kịp thời để họ yên tâm công tác nên đã tạo ra những bất hợp lý đối với số đối tượng này.

Xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án và để khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TANDTC xây dựng chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để báo cáo UBTVQH ban hành là cần thiết.

Cũng tại chương trình họp, UBTVQH đã cho ý kiến Tờ trình của Chánh án TANDTC về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm TAND; Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm, Chánh án TANDTC đề nghị trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay màu đen nhằm thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất hình ảnh của Tòa án và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đề nghị UBTVQH giao cho Chánh án TANDTC quy định về thiết kế riêng của từng loại trang phục xét xử của các ngạch Thẩm phán.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đồng ý với đề nghị của Chánh án TANDTC bổ sung trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng dài tay màu đen vì Thẩm phán là người trực tiếp tiến hành xét xử, thực hiện quyền tư pháp và nhân danh Nhà nước để tuyên các bản án, quyết định liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hiện nay, Thẩm phán sử dụng trang phục làm việc để tiến hành xét xử là chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt với trang phục của nhân viên các cơ quan, tổ chức và của người khác… Do đó, trang phục của Thẩm phán khi xét xử phải thể hiện được sự uy nghiêm, trang trọng cũng như cần tính đến yếu tố hội nhập quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế độ tiền lương, phụ cấp cần phù hợp với đặc thù của Tòa án