Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Mạnh Hùng - Thảo Nguyên| 11/09/2019 00:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với mục tiêu giảm tải cho công tác xét xử, mô hình hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại…

Điển hình cho những đơn vị đã làm tốt công tác đó trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có thể kể đến một số đơn vị đã được TAND TP. Hà Nội chọn làm thí điểm như TAND quận Đống Đa, TAND quận Cầu Giấy, TAND huyện Hoài Đức và TAND huyện Chương Mỹ…

Trung tâm hòa giải, đối thoại quận Đống Đa

Theo ông Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại này cho biết, việc ra đời Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa là hướng đi mới trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án. Góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian chi phí, công sức của các đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, đồng thời giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án...

Theo đó, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa đã tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.

Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại chia sẻ thêm: Sau 10 tháng hoạt động (từ 1/11/2018 - 20/8/2019) Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Đống Đa đã thụ lý 1178 vụ việc. Tiến hành hòa giải, đối thoại thành công 611 vụ việc, trong đó 516 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành (chiếm 84%). Đây là con số rất ấn tượng về kết quả bước đầu từ mô hình này. Để có được kết quả đó là nhờ sự nghiên cứu tình hình thực tiễn của Việt Nam và triển khai áp dụng mô hình mới, văn minh, tiên tiến mà đa số các nước trên thế giới đã áp dụng thành công của lãnh đạo TANDTC, đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong giải quyết các tranh chấp dân sự và khiếu kiện hành chính hiện nay.

Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Ông Đào Vĩnh Tường, Chánh án TAND quận Đống Đa, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại

 Các hòa giải viên, đối thoại viên nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của TANDTC, tiếp thu kinh nghiệm của các Thẩm phán TANDTC và chuyên gia quốc tế. Các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các hòa giải viên, đối thoại viên đã thật sự cố gắng, nhiều trung tâm đạt số vụ hòa giải, đối thoại thành công cao. Nhiều hòa giải viên, đối thoại viên có kỹ năng hòa giải đối thoại tốt được chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Nhiều tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình tranh chấp về tài sản phức tạp được hòa giải theo hướng các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, không mất thời gian theo đuổi vụ kiện tại Tòa án qua các quy trình tố tụng, bước đầu tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp.

 Là người trực tiếp tham gia hòa giải rất nhiều vụ án, bà Nguyễn Thị Thu, hòa giải viên của Trung tâm này cho biết, ngày 19/11/2018, Trung tâm có thụ lý đơn khởi kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa người khởi kiện là một ngân hàng lớn trên địa bàn TP Hà Nội và người bị kiện Công ty Đ. Phía ngân hàng này yêu cầu Công ty Đ phải thanh toán các khoản nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày 16/10/2018 là 814.748.138 đồng.

 Ngay sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, hòa giải viên đã mời các bên đến Trung tâm để tiến hành hòa giải lần thứ nhất. Bước đầu, buổi hòa giải đã không tiến hành được do vắng mặt người bị kiện. Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận sự vắng mặt của đương sự và hẹn lịch hòa giải lần thứ hai. Sau đó, hòa giải viên đã liên hệ qua điện thoại với đại diện của Công ty Đ để nắm bắt quan điểm, ý kiến, nguyện vọng của bên bị kiện nhằm đánh giá thiện chí và khả năng trả nợ của Công ty này.

 Buổi tiến hành phiên hòa giải thứ hai, sau khi được hòa giải viên giải thích những thuận lợi về thời gian, lệ phí và hậu quả của việc nợ xấu ngân hàng đối với doanh nghiệp, đại diện Công ty Đ đã hiểu rõ và chủ động thu xếp phương án trả các khoản nợ cho ngân hàng. Đồng thời, hòa giải viên thuyết phục đại diện phía ngân hàng xem xét miễn giảm tiền lãi cho Công ty Đ, tạo điều kiện về mặt thời gian để Công ty Đ xử lý tài sản, thu xếp tất toán khoản nợ cho ngân hàng. Kết quả, ngày 30/11/2018 các bên đã thống nhất được toàn bộ nội dung giải quyết tranh chấp và đề nghị Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại trung tâm hòa giải.

  Với quyết tâm thực hiện thành công chương trình thí điểm, ông Đào Vĩnh Tường cho biết: Trong thời gian tới, TAND quận Đống Đa sẽ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hòa giải, đối thoại vận dụng những kinh nghiệm, ý kiến đóng góp phù hợp thực tiễn trong quá trình hòa giải, đối thoại của chuyên gia quốc tế; tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính trên địa bàn quận. Tập trung đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động hòa giải, đối thoại, kết quả bước đầu triển khai thí điểm tại địa bàn.

Trung tâm hòa giải, đối thoại quận Cầu Giấy

Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại quận Cầu Giấy Trần Thị Phương Hiền cho biết, việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại các đơn vị thuộc TAND TP. Hà Nội là hướng đi mới trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án.

Những năm qua, các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính... trên địa bàn quận Cầu Giấy có chiều hướng gia tăng, đã tạo rất nhiều áp lực cho cán bộ, công chức của TAND quận Cầu Giấy. Là một trong những đơn vị được chọn thí điểm trong công tác tổ chức hòa giải và đối thoại, trong quá trình giải quyết vụ án, việc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Cầu Giấy được thành lập là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước, và toàn xã hội, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.

Từ ngày 1/11/2018 - 30/6/2019, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Cầu Giấy tiếp nhận 669 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu các loại từ Tòa án chuyển, trong đó có 284 vụ việc đương sự không đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc được triệu tập nhưng không đến trung tâm để hòa giải, đối thoại. Trung tâm đã thụ lý 385 vụ việc; đã hòa giải, đối thoại xong 339 vụ việc; còn lại 46 vụ việc. Tỷ lệ giải quyết 88,05%.

Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Ông Trần Hồng Nhân - hòa giải viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Cầu Giấy

Kết quả hòa giải, đương sự thống nhất được toàn bộ các vấn đề cần giải quyết 254 vụ việc. Qua hòa giải đương sự rút đơn khởi kiện 34 vụ việc. Hòa giải không thành 51 vụ việc. Tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành 288 vụ/339 vụ đã giải quyết xong đạt 84,95% .

 Là người trực tiếp tham gia hòa giải rất nhiều các vụ án, hòa giải viên Trần Hồng Nhân cho biết, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND quận Cầu Giấy đã tiến hành hòa giải, đối thoại thành rất nhiều vụ án, trong đó có một vụ án dân sự để lại cho ông ấn tượng sâu sắc là vụ án tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa một Công ty CP hoạt động về bưu chính trên địa bàn TP. Hà Nội và ông D. N. H. Đây là vụ án mà quá trình hòa giải diễn ra rất lâu và ban đầu khi tham gia hòa giải các bên đều rất căng thẳng, bên nào cũng đưa ra lí lẽ cho rằng mình đúng.

Cụ thể, phía Công ty trên yêu cầu ông H. thanh toán cho Công ty 100% tiền đặt cọc thuê nhà, tuy nhiên phía ông H. không đồng ý, đưa ra các lí lẽ chứng minh phía Công ty vi phạm hợp đồng nên không đồng ý trả. Quá trình tiến hành hòa giải, lần nhứ nhất ông H. được mời nhưng không lên hòa giải, lần thứ hai, lần thứ ba phía ông H. lên nhưng các bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Qua quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như tiếp xúc trực tiếp với các bên đương sự, hòa giải viên nhận thấy hợp đồng này vi phạm do lỗi của cả hai bên nên đưa ra phương án là mỗi bên chịu 50% tiền đặt cọc. Sau khi nghe hòa giải viên phân tích, phía ông H. đồng ý, tuy nhiên phía Công ty trên lại không đồng ý.

 Không nản lòng trước khó khăn, hòa giải viên vẫn kiên trì, tiếp tục cho các bên thêm thời gian bàn bạc về phương án của hòa giải viên đưa ra. 15 ngày sau, tại buổi hòa giải lần thứ tư, các bên đã thống nhất được phương án mỗi bên chịu 50% tiền đặt cọc. Điều đặc biệt hơn nữa là ngay tại phiên hòa giải đó, ông H. đã lập tức trả 50% số tiền đặt cọc cho phía Công ty trên trước sự chứng kiến của hòa giải viên. Phía Công ty này cũng làm thủ tục rút đơn khởi kiện ngay sau khi kết thúc phiên hòa giải.

 Đánh giá về hoạt động của Trung tâm, bà Trần Thị Phương Hiền cho biết, các hòa giải viên, đối thoại viên đều là các đồng chí lãnh đạo, thẩm phán Tòa án các cấp, kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp đã nghỉ hưu, các luật sư lâu năm, đều là những người có bề dày kinh nghiệm về chuyên môn và thực tế để giải quyết các vụ việc tranh chấp, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất đam mê với nghề, muốn cống hiến trình độ năng lực của mình cho hoạt động hòa giải và sự nghiệp tư pháp…

  Đối với tranh chấp dân sự, một số vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương không giải quyết được, nội bộ gia đình mâu thuẫn, mất đoàn kết, có trường hợp căng thẳng dẫn đến xô xát với nhau nhưng sau khi được hòa giải viên của Trung tâm phân tích, hòa giải, các thành viên trong gia đình, các đương sự không còn căng thẳng, chủ động thỏa thuận phân chia đất có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Theo bà Trần Thị Phương Hiền, để đạt được những kết quả nêu trên trước hết là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TANDTC, Thường trực Thành ủy Hà Nội, sự giúp đỡ nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia quốc tế, sự cố gắng của các đơn vị, cá nhân được giao thực hiện thí điểm, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của các hòa giải viên, đối thoại viên với quyết tâm cao, mong muốn góp phần vào việc thực hiện thành công đề án thí điểm tại Hà Nội.

Trung tâm hòa giải, đối thoại huyện Hoài Đức

 Việc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Hoài Đức được thành lập là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước, và toàn xã hội, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án

  Theo Chánh án TAND huyện Hoài Đức, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại Nguyễn Sinh Thành cho biết, thực hiện quyết định của TANDTC về việc mở rộng thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TAND TP Hà Nội đã thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP và 15 tòa án cấp quận, huyện trên địa bàn, trong đó có Trung tâm hòa giải tại TAND huyện Hoài Đức.

 Trung tâm hòa giải của TAND huyện Hoài Đức đã thực hiện nghiêm túc việc triển khai Trung tâm hòa giải do TANDTC tổ chức đưa hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó, còn giúp hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Bà Nguyễn Mai Anh, hòa giải viên Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Hoài Đức

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm hòa giải của TAND huyện Hoài Đức đã tiếp nhận giải quyết 360/500 đơn khởi kiện thụ lý. Trong đó, đã hòa giải thành, đối thoại thành 319/360 tổng số đơn đã giải quyết, đạt 88,6%. Bình quân mỗi hòa giải viên của Trung tâm tiếp nhận và giải quyết 92 vụ.

Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại cũng cho biết thêm, các hòa giải viên, đối thoại viên và thư ký của Trung tâm đã rất nhiệt tình, tâm huyết và có trách nhiệm cao với công việc được giao. Trong quá trình làm việc, nghiên cứu đơn có gì vướng mắc đều được sự giúp đỡ tận tâm từ các Thẩm phán nên có tâm lý tự tin khi làm việc. Đối với các thư ký đều chịu khó học hỏi, tham khảo góp phần vào sự thành công của những phiên hòa giải.

Là người trực tiếp hòa giải rất nhiều các vụ án, bà Nguyễn Mai Anh, hòa giải viên Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Hoài Đức cho biết, tháng 3/2019 vừa qua, Trung tâm có tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Mai có đơn khởi kiện về việc yêu cầu chia thừa kế đối với bà Lê Thị Minh (tên đương sự đã được thay đổi).

Theo đó, sau khi nhận được đơn khởi kiện, TAND huyện Hoài Đức đã chuyển đơn tới Trung tâm hoà giải. Giám đốc trung tâm tiếp nhận đơn và phân công cho hòa giải viên Nguyễn Mai Anh. Nhận đơn, hòa giải viên đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ để nắm được yêu cầu của phía người khởi kiện, đồng thời rà soát các vấn đề pháp lý cần thiết của vụ án rồi lên lịch hoà giải, đánh giấy mời làm việc tới các bên.

 Theo hòa giải viên, bà Mai và bà Minh là hai chị em ruột, gia đình có hai chị em. Cha mẹ hai bà đã mất, có để lại một thửa đất A hiện do bà Minh trực tiếp trông coi và sinh sống, bà Mai sống và làm việc ở miền Nam. Tuy nhiên, nay bà Mai có có yêu cầu muốn phân chia di sản là thửa đất trên nên đã khởi kiện lên Toà án.

Sau khi đã nghiên cứu đơn kiện, hòa giải viên tiến hành buổi gặp mặt để hiểu thêm về mâu thuẫn giữa hai chị em. Qua tiếp xúc, nhận thấy, mâu thuẫn của hai chị em chủ yếu phát sinh do sự hiểu biết hạn chế về pháp luật. Do đó, hòa giải viên đã phân tích các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và hậu quả của việc đưa tranh chấp ra xét xử tại tòa án.

Nhờ những lời giải thích thấu đáo, cặn kẽ, đúng pháp luật, cả hai bên cùng nhận thấy những lỗi lầm của bản thân nên đã nhanh chóng có thiện chí đi đến một thoả thuận chung. Theo đó, bà Minh sẽ được tiếp tục sinh sống ổn định và có quyền đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất đối với thửa đất A; bà Minh có trách nhiệm trả cho phía bà Mai một khoản tiền tương ứng với giá trị di sản mà bà được hưởng. Sau khi đạt được thỏa thuận này, bà Mai đã tự nguyện rút đơn khởi kiện.

Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại này tiếp tục cho biết, để đạt được những kết quả nêu trên trước hết là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo TANDTC, Thường trực Thành ủy Hà Nội, sự giúp đỡ nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của chuyên gia quốc tế, sự cố gắng của các đơn vị, cá nhân được giao thực hiện thí điểm, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của các hòa giải viên, đối thoại viên với quyết tâm cao, mong muốn góp phần vào việc thực hiện thành công đề án thí điểm tại Hà Nội.

Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Chương Mỹ

Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc thành lập Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án là chủ trương đúng đắn của Đảng, là thủ tục có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và khiếu kiện hành chính. Thực hiện tốt công tác hoà giải đối thoại góp phần làm giảm tải lượng công việc phải thụ lý, giải quyết tại Toà án thông qua hoà giải, đối thoại; tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển kinh tế.

Triển khai thí điểm về hòa giải, đối thoại tại Toà án tạo điều kiện, nền móng, cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Hoà giải, đối thoại tại Tòa án, nhằm tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho việc áp dụng hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại các Toà án trong cả nước.

Trong thời gian qua, Tòa án huyện Chương Mỹ đã chú trọng làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, thông qua đó giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, đồng thời góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chánh án TAND huyện Chương Mỹ, kiêm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, việc thực hiện hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp tại TAND huyện Chương Mỹ bước đầu đã thành công, đặc biệt đối với các đơn khiếu kiện hành chính vốn rất phức tạp. Ngay sau khi nhận hồ sơ vụ việc, Giám đốc trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phân công cho các hòa giải viên, đối thoại viên nghiên cứu xem xét. Các hòa giải viên, đối thoại viên được phân công giải quyết vụ việc đã chủ động, tích cực nghiên cứu nội dung vụ việc xây dựng kế hoạch làm việc với đương sự, tiến hành hòa giải, đối thoại.

Kết quả cụ thể, từ ngày 1/11/2018 - 20/8/2019, Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND huyện Chương Mỹ đã nhận thụ lý 511/843 đơn kiện. Trong đó đã giải quyết 360 đơn; số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 312, đạt tỷ lệ 70,5%.

Qua những vụ việc được giải quyết bằng hòa giải, đối thoại đã góp phần tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự khi không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án với một tỷ lệ nhất định. Đồng thời, kết quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhà nước và nhân dân, như: Giảm các chi phí về mở phiên tòa cho ngân sách nhà nước, hạn chế sự tham gia của các cơ quan có liên quan khi không phải mở phiên tòa xét xử...

Kết quả của hòa giải, đối thoại thành dựa trên công tác dân vận cũng góp phần tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, triệt tiêu những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa.

 Hòa giải viên Nguyễn Thị  Hằng cho biết, đầu tháng 6/2019, chị N. T. D. đã có đơn khởi kiện về việc ly hôn, nuôi con với anh N. V. Q. Do đó, sau khi tiếp nhận được đơn khởi kiện của chị D. Giám đốc Trung tâm đã phân đơn cho hòa giải viên phụ trách giải quyết. Hòa giải viên được phân công đã chủ động nghiên cứu hồ sơ để nắm bắt được thông tin về vấn đề tranh chấp trong vụ việc hôn nhân gia đình chị D. đang yêu cầu giải quyết.

Biết được chị D. và anh Q. đã kết hôn từ năm 2009 và có với nhau 2 con chung. Lý do chị D. muốn ly hôn là vì hai vợ chồng không hiểu nhau, bất đồng trong quan điểm sống. Trên cơ sở đó, hòa giải viên đã tiến hành buổi gặp gỡ với anh Q. để hiểu thêm về sự mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng. Biết được nguyên do mâu thuẫn vì gần đây, do áp lực công việc, anh Q. thường xuyên uống rượu về muộn nên hai vợ chồng mới cãi nhau. Anh Q. vẫn còn tình cảm với chị D. và rất mong muốn hai vợ chồng có thể về đoàn tụ để cùng nuôi dạy các con. Sau buổi gặp mặt với anh Q., hòa giải viên đã gọi hai vợ chồng chị D. và anh Q. lên Trung tâm hòa giải, đối thoại để làm việc.

Tại buổi hòa giải, chị Hằng phân tích các quy định pháp luật và hậu quả của việc ly hôn đối với hai vợ chồng chị D. và anh Q. hiểu. Sau đó, hòa giải viên tiến hành việc đặt câu hỏi và để hai bên đương sự trình bày hết những nguyên do mâu thuẫn trong quá trình chị D. và anh Q. chung sống với nhau. Việc đặt câu hỏi và phân tích những vấn đề đang mâu thuẫn của hòa giải viên đã giúp tháo gỡ những nút thắt trong lòng của chị D. và anh Q. khiến hai vợ chồng họ thêm hiểu nhau hơn, cả hai đều nhận ra chính họ cũng đã có những lỗi sai trong cách cư xử, quan trọng hơn là khiến họ nhận ra họ vẫn còn tình cảm với nhau, giữa họ còn có 2 con chung để cùng nhau nuôi dạy. Qua đó, anh Q. hứa từ sau có việc gì cũng sẽ chia sẻ với chị D. và không uống rượu về muộn nữa. Chị D. cũng nói sẽ lắng nghe chồng hơn để hai vợ chồng tìm lại tiếng nói chung. Sau đó, chị D. đã tự nguyện rút đơn khởi kiện và về đoàn tụ với anh Q. cùng nhau nuôi dạy các con. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các điểm sáng về công tác hòa giải, đối thoại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội