Bộ máy giúp việc của TANDTC đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra

Mai Thoa| 24/04/2015 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 23/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 17 thẩm tra các Tờ trình, Đề án của Chánh án TANDTC về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân sự của TAND các cấp. Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện đã chủ trì phiên họp.

Bộ máy giúp việc đã được tinh gọn

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân đã trình bày Tờ trình, đề án về việc phê chuẩn Quyết định của Chánh án TANDTC về bộ máy giúp việc của TANDTC. Theo đó, việc xây dựng quyết định của Chánh án TANDTC về bộ máy giúp việc được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, rà soát lại bộ máy giúp việc hiện có; đánh giá kết quả công tác từng đơn vị trong hơn 10 năm qua; xem xét, dự báo khả năng, điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp...

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của TANDTC, bộ máy giúp việc được quy định theo hướng tinh gọn, đồng thời đảm bảo phải phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong bộ máy giúp việc, đảm bảo giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt các chức năng. Theo đó, bộ máy giúp việc của TANDTC dự kiến có 14 đơn vị cấp Vụ, cơ bản kế thừa các đơn vị chức năng như hiện nay nhưng có điều chỉnh về tên gọi cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị và lập thêm một số đơn vị mới, trên cơ sở điều chỉnh lại nhiệm vụ của một số đơn vị hiện nay.

Cụ thể, TANDTC dự kiến thành lập 3 đơn vị giúp việc về chuyên môn; 8 đơn vị giúp việc về hành chính, tư pháp và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng cộng có 14 đơn vị cấp Vụ, dự kiến tổng biên chế là 392 người (so với hiện nay, có 13 đơn vị giúp việc, 5 Tòa chuyên trách và 3 Tòa phúc thẩm, tổng biên chế hiện nay là 722 người thì giảm được 330 người).

Thẩm tra bước đầu về Tờ trình của Chánh án TANDTC, Nhóm nghiên cứu của UBTP cơ bản tán thành với TANDTC đã xác định chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới của TANDTC, cụ thể gồm có: Các đơn vị giúp việc về chuyên môn, các đơn vị giúp việc về hành chính tư pháp và các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ như vậy là cơ sở khoa học để xây dựng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, biên chế cho từng đơn vị giúp việc cụ thể.

Bộ máy giúp việc của TANDTC đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân phát biểu tại phiên họp

Theo Tờ trình, TANDTC dự kiến thành lập mới 2 Vụ Giám đốc kiểm tra (Vụ Giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính và Vụ Giám đốc kiểm tra về dân sự, kinh tế, lao động, gia đình và người chưa thành niên). Các ý kiến cơ bản tán thành việc thành lập hai đơn vị này và việc xác định các chức năng, nhiệm vụ chính của các đơn vị. Theo đó, các đơn vị này có nhiệm vụ chủ yếu giúp TANDTC trong công tác xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm tra công tác xét xử của TAND các cấp trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký, các Tòa chuyên trách của TANDTC hiện nay.

Ngoài ra, Nhóm nghiên cứu cũng đồng tình với Tờ trình của TANDTC về việc thành lập các Vụ: Vụ Tổng hợp được đổi tên từ Vụ Thống kê - Tổng hợp hiện nay, có bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ; Văn phòng TANDTC được giữ nguyên và có điều chỉnh, bổ sung một số nhiệm vụ mới để phù hợp với tổ chức TANDTC mới; Vụ Tổ chức - Cán bộ được giữ nguyên như hiện nay, đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ, chức năng mới (giúp việc cho Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia). Các đơn vị: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bao Công lý, Tạp chí TAND được giữ nguyên tên gọi và chức năng, nhiệm vụ như hiện nay...

Cần thiết thành lập Vụ Pháp luật

Về việc thành lập Vụ Pháp luật theo đề xuất của TANDTC, qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình và nhận định, Vụ Pháp luật để giúp TANDTC về công tác pháp chế, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ, nhằm tăng chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của TANDTC. Những nhiệm vụ này hiện nay do Viện Khoa học xét xử thực hiện. Việc tách chức năng này ra khỏi Viện Khoa học xét xử để Viện Khoa học xét xử chỉ là đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp với Luật Khoa học công nghệ và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh phát biểu ý kiến đồng tình với các nội dung trong đề án bộ máy giúp việc của TANDTC, nhất là việc thành lập Vụ Giám đốc kiểm tra và Vụ Pháp luật. Bởi vì, đây là đơn vị thực hiện hai chức năng cơ bản rất quan trọng là giám đốc và việc tái thẩm, đòi hỏi chuyên môn cao. Giúp cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác chuyên môn; Vụ Pháp luật làm công tác pháp chế, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ, theo các đại biểu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.        

Về Cơ quan Thường trực TANDTC tại phía Nam, dự thảo quy định lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị này để giúp TANDTC trong công tác hành chính, quản trị, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC. Nhóm nghiên cứu cơ bản tán thành nhưng cho rằng, đơn vị này không còn là cơ quan hợp thành các bộ phận thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh mà chỉ thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc về công tác hành chính, vì vậy đề nghị TANDTC đổi tên gọi là Vụ Công tác phía Nam cho phù hợp.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, TANDTC đề xuất thành lập Viện Khoa học Tòa án trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học xét xử hiện nay để thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học về Tòa án. Hai đơn vị Tạp chí Tòa án và Báo Công lý giữ nguyên như hiện nay. Hai đơn vị này có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại TP. Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

 Các ý kiến tán thành với đề xuất trên và nhận định, đây là các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quan trọng; việc thành lập và xác định chức năng, nhiệm vụ của Viện Khoa học Tòa án là phù hợp với quy định của Luật Khoa học công nghệ và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập, đồng thời thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học của TANDTC.

Về bộ máy tổ chức của Tòa án quân sự các cấp, kể từ ngày 1/6/2015, Tòa án quân sự các cấp được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức TAND năm 2014. Nhóm nghiên cứu đề nghị TANDTC căn cứ quy định tại Điều 4 khoản 2 của Luật Tổ chức TAND để báo cáo UBTVQH có Nghị quyết để Tòa án quân sự các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, đồng thời, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định bộ máy giúp việc của Tòa án quân sự các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Giải trình thêm một số nội dung, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, không thành lập các Phòng nghiệp vụ. Hiện nay tại TANDTC tất cả các đơn vị đều có phòng, nhưng trong thiết kế của TANDTC, Vụ Giám đốc kiểm tra không có phòng, không có Trưởng, Phó phòng, vì những vị trí này do đặc thù công việc giống chuyên viên. Ở đây là những chuyên viên có kinh nghiệm để phục vụ Hội đồng Thẩm  phán, thực hiện chức năng nhiệm vụ, giúp Hội đồng Thẩm phán, Chánh án TANDTC theo đúng chuyên môn, cần những người có kinh nghiệm. Còn các đơn vị khác hiện tại bộ máy tổ chức đang có phòng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nên giữ nguyên.

Phó Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đồng ý với các ý kiến phát biểu trước đó, những Vụ có phòng thì để nguyên, còn Vụ nào chưa có phòng dừng lại, không tăng thêm. ĐB Nga cũng đồng tình với việc tách nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Viện Khoa học xét xử và thành lập thêm Vụ Pháp luật để thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho Chánh án TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác pháp chế... 

Về Cơ quan Thường trực TANDTC ở phía Nam, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đề nghị giữ nguyên và nâng lên cấp Vụ. Vì từ khi thành lập Tòa án, tại phía Nam đã có Văn phòng 2, sau đó có thời gian, UBTVQH cũng đã phê chuẩn cơ cấu Cơ quan Thường trực TANDTC tại phía Nam... Ngoài nhiệm vụ về hành chính, tại phía Nam còn nhiều nhiệm vụ khác nữa rất quan trọng như: Giám đốc, kiểm tra, xem xét hồ sơ theo trình tự phúc thẩm, tái thẩm; những vấn đề cần xác minh không thể cử một cán bộ từ Hà Nội bay vào, rất tốn kém và không kịp thời. Phó Chánh án cũng đề nghị giữ nguyên bộ máy giúp việc Thanh tra Tòa án, đổi tên từ Ban Thanh tra TAND trước đây.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ máy giúp việc của TANDTC đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra