Bộ luật TTHS 2015: Quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia tố tụng

Phương Nam| 02/08/2018 15:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể tham gia tố tụng, BLTTHS 2015 quy định bổ sung hoặc rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này.

Bộ luật TTHS 2015: Quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia tố tụng

BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền cho bị cáo 

Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ,  BLTTHS năm 2015 bổ sung cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo một số quyền sau đây: Được nhận các quyết định tố tụng liên quan đến mình; đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;  có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015 khi có yêu cầu (đối với bị can); có quyền trực tiếp hỏi những NTGTT nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý (đối với bị cáo).

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 quy định rõ hơn nghĩa vụ của người bị buộc tội phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền.

Quyền và nghĩa vụ của bị hại

Cùng với việc bổ sung diện đối tượng bị thiệt hại, BLTTHS năm 2015 còn bổ sung quyền và nghĩa vụ của bị hại nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đảm bảo công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đạt hiệu quả và cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích của chủ thể bị tội phạm gây thiệt hại với lợi ích chung.

Theo Điều 62 BLTTHS năm 2015, bị hại và người đại diện theo pháp luật của họ được bổ sung các quyền sau: Được cơ quan tố tụng thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của họ; đưa ra chứng cứ; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá, người dịch thuật; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người tham gia phiên tòa và một số quyền khác.

Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 còn quy định rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của bị hại nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong việc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm. Đó là các nghĩa vụ: Chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền; trường hợp cố ý vắng mặt hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Để nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng, phù hợp với Luật Giám định tư pháp năm 2012, các Điều 63, 64, 65 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung một số quyền cho các chủ thể này gồm: Đưa ra chứng cứ;  trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người định giá tài sản, người dịch thuật; được thông báo kết quả giải quyết vụ án; đề nghị chủ tọa hỏi những người tham gia phiên tòa; tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và một số quyền khác.

Đồng thời, BLTTHS năm 2015 còn quy định rõ hơn nghĩa vụ của những chủ thể này phải chấp hành các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền nhằm tăng cường trách nhiệm của họ trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

BLTTHS năm 2003 chỉ quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà không đề cập đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Tuy nhiên, thuật ngữ “đương sự” được quy định trong BLTTHS năm 2003 có phạm vi bao gồm người bị hại (theo BLTTHS năm 2015 là bị hại), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

So với quy định về đương sự trong BLTTHS năm 2003, thuật ngữ đương sự trong BLTTHS năm 2015 hẹp hơn, đó là việc tách chủ thể bị hại (theo BLTTHS năm 2003 là người bị hại) ra khỏi phạm vi thuật ngữ “đương sự”. Tuy nhiên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tại Điều 84 BLTTHS năm 2015 cũng tương đồng với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại Điều 59 BLTTHS năm 2003.

Trên cơ sở kế thừa quy định của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm phát huy vai trò của chủ thể này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong suốt quá trình tố tụng. BLTTHS năm 2015 có những bổ sung cơ bản: Xác định những người thuộc diện người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Đó là, luật sư; người đại diện; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý.

Bổ sung một số quyền cho chủ thể này, bao gồm: Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; yêu cầu giám định, định giá tài sản; có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật TTHS 2015: Quyền và nghĩa vụ của những chủ thể tham gia tố tụng