BLHS năm 2015: Tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC| 11/01/2018 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới theo hướng sớm đưa người chưa thành niên ra khỏi vòng tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết.

Thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên, BLHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới theo hướng sớm đưa các em ra khỏi vòng tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết.

Các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự

Khoản 2 Điều 69 BLHS năm 1999 quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng mà gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, chế định này cũng bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ: thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cũng như vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại cộng đồng, các biện pháp hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, trên thực tế việc miễn trách nhiệm hình sự đồng nghĩa với việc trả tự do vô điều kiện mà không áp dụng bất kỳ các biện pháp giáo dục, phòng ngừa nào, điều này dẫn đến một thực tế là người chưa thành niên có thể tiếp tục tái phạm. Đây là lý do hạn chế việc áp dụng chế định này trong thực tiễn.

Để góp phần khắc phục những bất cập trên, đồng thời thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng sớm đưa các em ra khỏi vòng tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết, BLHS năm 2015, đã bổ sung một mục (Mục 2) với 4 điều quy định về 3 biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp cácđối tượng này được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 91 BLHS. Trong đó có 2 biện pháp hoàn toàn mới là khiển trách và hòa giải tại cộng đồng, còn 1 biện pháp là giáo dục tại xã, phường thị trấn được chuyển từ biện pháp tư pháp (theo BLHS năm 1999) thành một trong những biện pháp giám sát, giáo dục khi được miễn trách nhiệm hình nhằm tăng khả năng áp dụng các biện pháp có lợi hơn cho người chưa thành niên. Đây là các biện pháp mang tính giáo dục, phòng ngừa xã hội được áp dụng nhằm mục đích chính là giúp cho các em nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn hối cải, khắc phục sai phạm.

Các biện pháp giám sát, giáo dục

Khiển trách là một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục có thể được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ để sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả và cải tạo để trở thành người có ích. Việc khiển trách chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015; người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang tiến hành tố tụng đối với vụ án có thẩm quyền quyết định áp dụng và thực hiện việc khiển trách. Việc khiển trách đối với người phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người phạm tội. Để tăng cường hiệu quả phòng ngừa tái phạm, khoản 3 Điều 93 quy định cụ thể các nghĩa vụ mà người bị khiển trách phải thực hiện như tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham giá các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Thời gian thực hiện các nghĩa vụ này từ 3 tháng đến 1 năm tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Về việc hoà giải tại cộng đồng, Điều 94 BLHS năm 2015 quy định về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng cũng như nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Hòa giải chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS năm 2015; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang tiến hành tố tụng đối với vụ án có thẩm quyền quyết định áp dụng và phối hợp với UBND cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Người dược áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham giá các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi và thời gian thực hiện các nghĩa vụ này từ 3 tháng đến 1 năm tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Điều 95 BLHS năm 2015 nêu cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng và nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của BLHS. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang tiến hành tố tụng đối với vụ án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với thời hạn từ 1 năm đến 2 năm và giao người được miễn trách nhiệm hình sự cho UBND cấp xã tổ chức việc giám sát, giáo dục. Người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép; tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Để khuyến khích người được giám sát, giáo dục cải tạo tốt, khoản 3 Điều 95 BLHS năm 2015 quy định trường hợp người được giáo dục đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của UBND cấp xã được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục.

Về biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Mục 3 gồm 2 điều (Điều 96 và Điều 97 BLHS năm 2015) quy định về áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và việc chấm dứt trước thời hạn biện pháp này. Điểm mới về biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là theo BLHS năm 2015 thì chỉ còn 1 biện pháp tư pháp, đồng thời tên biện pháp tư pháp này được đổi từ “đưa vào trường giáo dưỡng” thành “giáo dục tại trường giáo dưỡng” cho phù hợp hơn. Bản chất của biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, điều kiện áp dụng, thủ tục áp dụng, hậu quả pháp lý cũng như việc chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng cơ bản được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999 về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Mục 4 gồm 4 điều (từ Điều 98 đến Điều 101 BLHS năm 2015) về cơ bản không có gì thay đổi so với quy định của BLHS 1999. Riêng hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 100) đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hóa và mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt này đối với cả trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng và trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý nhằm tăng cường khả năng áp dụng chế tài không tước tự do đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

(còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLHS năm 2015: Tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên