BLHS năm 2015: Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hành vi phạm tội và loại trừ trách nhiệm hình sự

GS.TS. Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 20/12/2017 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hành vi phạm tội và quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự.

Các quy định này về cơ bản vẫn kế thừa những ưu điểm của BLHS năm 1999, đồng thời có sự điều chỉnh để phù hợp với công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

Bổ sung nhiều quy định về hành vi phạm tội

Hành vi phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, Điều 13 của BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Về cơ bản, quy định này vẫn kế thừa quy định tại Điều 14 của BLHS 1999, nhưng có hai điểm mới cần chú ý: Một là, thay cụm từ “phạm tội trong tình trạng say” rất chung chung trong BLHS 1999 bằng các dấu hiệu cụ thể hơn. Đó là “phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Hai là, ngoài trường hợp phạm tội do rượu hoặc chất kích thích mạnh khác như BLHS 1999, BLHS 2015 đã bổ sung trường hợp phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do “bia” - loại đồ uống có cồn mà khi sử dụng nó có thể dẫn đến làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội - thì người phạm tội cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội để xác định vấn đề trách nhiệm hình sự của họ.

BLHS năm 2015: Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hành vi phạm tội và loại trừ trách nhiệm hình sự

Phiên tòa phúc thẩm của TAND TP Hà Nội xét xử các bị cáo phạm tội có tổ chức

Hành vi chuẩn bị phạm tội, quy định tại khoản 1 Điều 14 của BLHS 2015 đã kế thừa quy định tại Điều 17 của BLHS 1999 về chuẩn bị phạm tội, nhưng có ba điểm mới rất quan trọng. Thứ nhất, BLHS 2015 đã mở rộng nội hàm khái niệm “chuẩn bị phạm tội” bao gồm cả hành vi “thành lập, tham gia nhóm tội phạm”, trừ một số trường hợp hành vi này đã cấu thành một tội phạm cụ thể quy định tại Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điểm a khoản 2 Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và điểm a khoản 2 Điều 299 (Tội khủng bố) của BLHS năm 2015. Thứ hai, theo BLHS 1999 thì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối hành vi chuẩn bị phạm tội là khá rộng, bao gồm chuẩn bị phạm bất cứ tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nào. BLHS 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với người có hành vi chuẩn bị phạm tội, theo đó, người có hành vi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 24 tội danh, thuộc 4 nhóm tội phạm (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu và các tội xâm phạm an toàn công cộng). Đây là một điểm mới đáng chú ý của chế định chuẩn bị phạm tội trong BLHS.

Việc quy định này giúp cho người dân hoặc những người không am hiểu sâu trong lĩnh vực pháp luật có thể biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt, từ đó góp phần cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trên cơ sở quy định này, lần đầu tiên BLHS 2015 đã quy định một khung hình phạt riêng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội ngay trong điều luật quy định về từng tội danh cụ thể. Thứ ba, BLHS 2015 quy định về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đối với hành vi chuẩn bị phạm tội đối với một trong hai tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.

Tội đồng phạm, về cơ bản BLHS 2015 kế thừa hoàn toàn quy định về đồng phạm tại Điều 20 của BLHS 1999, đồng thời, có bổ sung thêm một quy định mới “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” (khoản 4 Điều 17). Theo khoa học luật hình sự hiện nay, những người đồng phạm bao gồm: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức và người thực hành. Trong đó, người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi xướng việc tội phạm; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; rủ rê, lôi kéo người khác cùng thực hiện tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện tội phạm; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần cho việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là tác giả tinh thần của tội phạm;

Người thực hành, là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, trong một vụ án đồng phạm, người tổ chức và người thực hành được coi là có vai trò quyết định dẫn đến hành vi phạm tội có thực hiện được hay không. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy, đôi khi người thực hành lại có hành vi vượt quá, không thực hiện đúng như những gì đã bàn với đồng phạm trước đó. Nếu buộc những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá này thì có nghĩa là buộc họ phải chịu trách nhiệm về những cái mà họ không biết, không có lỗi. Vì vậy, BLHS 2015 quy định trong trường hợp này phải loại trừ trách nhiệm cho các đồng phạm để tránh việc quy tội khách quan.

Nhiều quy định mới về loại trừ trách nhiệm hình sự

Tội che giấu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 18 BLHS 2015 đã kế thừa toàn bộ nội dung quy định về che giấu tội phạm của BLHS 1999. Điểm mới của điều luật này là đã bổ sung thêm khoản 2 quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS.

Điều đó có nghĩa là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng mà che giấu tội phạm cho nhau thì về nguyên tắc không phải chịu trách nhiệm hình sự; chỉ trong trường hợp tội đã phạm là một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS thì những người này mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp những người này che giấu tội phạm cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Quy định này nhằm làm cho BLHS phù hợp hơn với tâm lý và truyền thống đạo lý gia đình của người Việt Nam. Theo đó, thông thường những người trong gia đình luôn có xu hướng che giấu, bao che cho hành vi sai phạm của những người ruột thịt, người vợ, người chồng của mình vì họ không muốn cho người thân của mình phải chịu cảnh tù giam cầm, tù tội.

Tội không tố giác tội phạm, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa quy định của BLHS năm 1999 về không tố giác tội phạm, Điều 19 của BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm. Theo đó, khoản 3 Điều 19 quy định: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLHS năm 2015: Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về hành vi phạm tội và loại trừ trách nhiệm hình sự