BLHS năm 2015: Nhiều điểm có lợi đối với người phạm tội

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC| 26/12/2017 09:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự tại Chương V của BLHS năm 2015 có nhiều điểm có lợi đối với người phạm tội.

Bổ sung các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội và bổ sung thêm 2 đối tượng (vật, tiền) liên quan đến tội phạm sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn áp dụng pháp luật.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự

Chương V của BLHS năm 2015 gồm có 3 điều quy định về hai vấn đề: một là, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (các Điều 27, 28); hai là, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29). Nhìn chung, BLHS năm 2015 kế thừa toàn bộ quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự của BLHS năm 1999. Điểm mới của chương này là mở rộng thêm trường hợp không áp dụng thời hiệu đối với một số tội (trong đó có tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ nếu thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng).

Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn quy định trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo hướng rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn. So với Điều 25 của BLHS năm 1999 thì Điều 29 của BLHS năm 2015 có nhiều thay đổi, tên điều luật được đổi thành “Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự”, việc đổi tên điều luật này nhằm phù hợp và phản ánh rõ nội dung của điều luật. Điều luật phân định rõ hai loại căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: (1) căn cứ để đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 29); (2) căn cứ để có thể được miễn trách nhiệm hình sự (các khoản 2, 3 Điều 29). Cần lưu ý là, theo khoản 1 Điều 25 của BLHS năm 1999 thì trường hợp “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” là một trong những căn cứ để đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng theo BLHS năm 2015 thì trường hợp này được chuyển thành căn cứ để có thể được miễn trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 2 Điều 29), tức là trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc, xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.

Khoản 1 Điều 25 của BLHS năm 1999 quy định “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Điều 29 của BLHS năm 2015 đã kế thừa quy định này nhưng thể hiện lại rõ hơn theo hướng cụ thể hóa khái niệm “do chuyển biến của tình hình” bằng khái niệm “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật”. Theo đó, trong trường hợp vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, nhưng do có sự thay đổi chính sách, pháp luật mà làm cho hành vi phạm tội đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, đó là: (1) BLHS đã phi tội phạm hóa đối với hành vi đó; (2) tuy hành vi phạm tội vẫn còn quy định trong BLHS do chưa kịp sửa đổi, bổ sung nhưng pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực đó đã có sự thay đổi dẫn đến hành vi đó không còn bị nghiêm cấm nữa nên việc đưa ra xử lý người có hành vi phạm tội này sẽ không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

BLHS năm 2015: Nhiều điểm có lợi đối với người phạm tội

Hội nghị trực tuyến tập huấn BLHS năm 2015 tại TAND tỉnh Quảng Ngãi

Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm 2 căn cứ để có thể được miễn trách nhiệm hình sự, bao gồm: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm b khoản 2 Điều 29). Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29).

Mặt khác, BLHS năm 2015 quy định chặt chẽ hơn căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp người phạm tội tự thú trước khi hành vi phạm tội bị phát giác. Theo đó, người phạm tội không chỉ tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, mà còn phải là người đã lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận mới được xem xét miễn trách nhiệm hình sự (điểm c khoản 2 Điều 29).

Các biện pháp tư pháp

Chương VII về các biện pháp tư pháp gồm có 4 điều (từ Điều 46 đến Điều 49) quy định về các biện pháp tư pháp. Điểm mới cơ bản nhất của chương này là việc bổ sung các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; còn các nội dung khác cơ bản vẫn giữ như quy định của BLHS năm 1999. Việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 47 BLHS năm 2015) về cơ bản, nội dung điều luật này vẫn kế thừa nhiều quy định tại Điều 41 của BLHS năm 1999, chỉ có vài sửa đổi nhỏ về nội dung và kỹ thuật nhằm thể hiện chính xác, cụ thể và khoa học hơn.

Về nội dung, bổ sung thêm 2 đối tượng (vật, tiền) liên quan đến tội phạm sẽ bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy, gồm khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội và vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ để đảm bảo sự đầy đủ, chính xác cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn áp dụng pháp luật. Đồng thời, bên cạnh hình thức xử lý đối với vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là "tịch thu sung vào ngân sách nhà nước" như quy định tại Điều 41 của BLHS năm 1999, Điều 47 cũng bổ sung thêm hình thức xử lý nữa, đó là “tịch thu tiêu hủy” tại khoản 1 để đảm bảo sự đầy đủ, chính xác và bao quát thực tiễn xử lý vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Về kỹ thuật, khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 đã thay cụm từ "sung quỹ nhà nước “bằng cụm từ "sung vào ngân sách nhà nước” để đảm bảo sự chính xác trong cách sử dụng thuật ngữ. Đồng thời tại khoản 3 Điều 47 đã bỏ cụm từ “sung quỹ nhà nước” để đảm bảo sự linh hoạt trong xử lý vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm bị tịch thu (có thể bị sung vào ngân sách nhà nước hoặc có thể bị tiêu hủy, tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng loại vật, tiền).

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
BLHS năm 2015: Nhiều điểm có lợi đối với người phạm tội