Bảo vệ công lý, quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án

Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu| 09/02/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng công bố trước toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã lần đầu tiên khẳng định tôn trọng các quyền công dân và quyền con người trên đất nước Việt Nam: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Trong những năm chiến tranh, dù phải tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến xây dựng nhà nước, chính quyền của nhân dân, vì nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động, thực thi các quyền của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp.

Trải qua lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam càng hiểu rõ và trân trọng giá trị thiêng liêng của các quyền con người. Dân tộc Việt Nam hiểu rõ quyền con người gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Với mục tiêu đó, ngay sau khi giành được chính quyền, Việt Nam đã tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng và ban hành Hiến pháp (1946), trong đó các quyền tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của quyền con người đã được trân trọng ghi nhận. Tiếp tục sau đó, sự ra đời của các bản Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992 đã ngày càng hoàn thiện hơn các quy định về các quyền cơ bản của công dân nhằm hướng tới quyền con người ngày càng được đảm bảo một cách tốt nhất trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bảo vệ công lý, quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án

Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Tiếp thu tinh thần về quyền con người của Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013. So với các bản Hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hiến pháp 2013 khẳng định Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; vì thế quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Với Hiến pháp 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” trở thành tiêu đề của tên Chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ của công dân” như tất cả các bản Hiến pháp trước đây. Sự bổ sung cụm từ “quyền con người” này là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bằng việc sử dụng cụm từ “quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”, thay cho cụm từ “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Quyền con người đã trở thành một Chương, chứ không chỉ là một nội dung của Chương trong Hiến pháp. Việc đổi tên chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp 2013 thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như trước cộng đồng quốc tế.

Chương quyền con người, quyền công dân được đưa lên Chương II trong Hiến pháp 2013, ngay sau Chương chế định về chế độ chính trị. Điều này phản ánh tư duy lý luận sâu sắc của Đảng cũng như tư duy lập hiến hoàn chỉnh của Nhà nước trong việc xem quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là những vấn đề then chốt của việc thiết kế bản Hiến pháp mới.

Đồng thời, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được đặt ngay tại Chương II của Hiến pháp là sự khẳng định và đề cao nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mục đích cuối cùng của bản Hiến pháp là nhằm khẳng định và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân và tất cả mọi người.

Hiến pháp 2013 đã lần đầu tiên khẳng định việc bảo vệ nhân phẩm như là một quyền bất khả xâm phạm của con người (tại Điều 20): “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể… và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Như vậy, Hiến pháp đã thừa nhận nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm của tất cả mọi người. Điều này cho thấy sự nhận thức mới của Đảng và Nhà nước ta trong việc tôn trọng con người và bảo vệ các quyền con người dựa trên quan điểm của Liên hợp quốc và các chuẩn mực quốc tế.

Hiến pháp 2013 đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người, nhất là các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa. Chẳng hạn, Hiến pháp khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 24);  “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Điều 36)… Nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người là hoàn toàn phù hợp với bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN ở Việt Nam. Theo đó, Nhà nước luôn chăm lo đến con người, đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, đến sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người, và đặc biệt chịu trách nhiệm chính trong việc tôn trọng, thực thi và bảo đảm các quyền con người.

Như vậy Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc quy định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn. Đặc biệt Điều 102 Hiến pháp quy định, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy trong toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ có Tòa án có chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp quy định “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ công lý, quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Điều này phù hợp với tinh thần Hiến pháp sửa đổi, coi con người là trọng  tâm và là mục tiêu phục vụ.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành, Tòa án nhân dân đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận công lao, thành tích. Trên chặng đường tới, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, tin tưởng rằng công tác đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp, ngoài việc đào tạo chuyên môn thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án có phẩm chất chính trị vững vàng là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo Tòa án thực sự là Tòa án nhân dân, là chỗ dựa công lý cho nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Đó cũng là mục tiêu và động lực mới cho sự phát triển đầy đủ của nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ công lý, quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án