Bài 4- Triển khai xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trần Quang Huy| 18/10/2018 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về hòa giải, đối thoại, BCĐ cải cách tư pháp TW đã đồng ý với chủ trương của TANDTC về việc xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải, đối thoại, hướng tới giải quyết các mối quan hệ trong xã hội một cách nhanh chóng, đồng thuận.

Cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều loại hình hòa giải, đối thoại; trong đó các loại hình hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án, hòa giải, đối thoại trong tố tụng đã hình thành và phát triển từ lâu. Mỗi loại hình hòa giải qua thực tiễn áp dụng đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn nhiều vướng mắc dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự, khiều kiện hành chính ngày càng nhiều và phức tạp.

Thực trạng hòa giải, đối thoại những năm qua cho thấy vẫn chưa có sự kết hợp giữa Tòa án và các nguồn lực hòa giải ngoài Tòa án trong quá trình hòa giải, đối thoại, dẫn tới cả phương thức hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải ngoài Tòa án không phát huy hết ưu thế, hiệu quả. Phương thức hòa giải ngoài Tòa án có ưu điểm là linh hoạt; nhiều cơ quan, tố chức, cá nhân theo quy định của pháp luật thực hiện hòa giải nhưng kết quả hòa giải chỉ được thi hành khi các bên tự nguyện hoặc được Tòa án công nhận. Phương thức hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng con đường thi hành án, nhưng hòa giải, đối thoại chỉ là một thủ tục bắt buộc mà không có cán bộ chuyên trách thực hiện, do vậy hiệu quả chưa cao.

Bài 4- Triển khai xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải viên (ngồi giữa) nghe các đương sự trình bày chứng cứ

Việc thí điểm tăng cường, đổi mới hòa giải, đối thoại tại TP. Hải Phòng bước đầu đã thu được những kết quả tích cực; số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành đã giúp giảm số lượng các tranh chấp, khiếu kiện mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết. Hòa giải, đối thoại thành đã giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, vì phần lớn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được tự nguyện thi hành. Hòa giải, đối thoại thành đã nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án; góp phần hàn gắn những rạn nứt giữa các đương sự; ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các bên; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

 Qua nghiên cứu pháp luật về hòa giải của nhiều quốc gia trên thế giới, lãnh đạo TANDTC nhận thấy chế định “Hòa giải bên cạnh Tòa án”, “Hòa giải trước tố tụng tại Tòa án” hoặc “Hòa giải tại Tòa án” nhưng không nằm trong quy trình tố tụng đang được áp dụng hiệu quả, khắc phục được những hạn chế của quy trình tố tụng tại Tòa án và yếu điểm của hòa giải ngoài Tòa án khi tiến hành độc lập. Với phương châm “hai bên cùng thắng”, hướng tới việc “xây dựng các mối quan hệ ổn định, vượt qua tranh chấp”, chế định này đã và đang được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới (như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Malaixia, Canada và nhiều nước châu Âu). Kết quả giải quyết tranh chấp thông qua chế định này được thực hiện hiệu quả góp phần xóa bỏ tồn đọng án và sự chậm trễ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án... Với bối cảnh pháp luật, thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về hòa giải, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đồng ý với chủ trương của TANDTC về việc xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại

Hiện tại, TANDTC đang xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm tăng cường hòa giải, đối thoại, thu hút các nguồn nhân lực trong xã hội tham gia vào hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự thảo Luật cũng quy định việc quản lý, điều phối hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của hòa giải viên, đối thoại viên; quy định trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại thuận tiện cho các bên yêu cầu, bảo đảm thông suốt, công khai, minh bạch; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm hiệu lực thi hành của kết quả hòa giải, đối thoại thành.

Bài 4- Triển khai xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Các đương sự đạt được đồng thuận khi tiến hành hòa giải

Mục tiêu cụ thể của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là nâng cao tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành, giảm số lượng vụ việc phải giải quyết bằng con đường xét xử. Mặt khác, khi hòa giải, đối thoại không thành và không như các bên mong đợi thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính. Do vậy, việc tạo thêm cơ hội để các bên hòa giải, đối thoại chỉ mang lại lợi ích cho việc giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả hơn các quy trình tố tụng cứng nhắc.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp, công việc của Tòa án quá tải thì việc huy động nguồn nhân lực không thuộc biên chế Nhà nước nhưng đáp ứng những yêu cầu nhất định để tham gia công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những yêu cầu cần thiết tạo nên thành công của chế định này. Nguồn nhân lực có thế được huy động tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo mô hình này là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, những người giữ chức danh tư pháp khác, cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyên gia, nhà khoa học có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác.

Do vậy, việc tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc là một trong những mục tiêu cụ thể mà dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hướng tới. Theo dự án Luật này thì bên cạnh việc xã hội hóa nguồn nhân lực không nằm trong biên chế Nhà nước thì Nhà nước cần phải chi ngân sách để đầu tư một phần cơ sở vật chất, bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên.

Do đó, mục tiêu của các chính sách được cụ thể hóa tại dự án Luật này phải đáp ứng yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư; tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội. Qua phân tích sơ bộ kinh phí phải đầu tư, TANDTC nhận thấy, nếu dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua và đưa vào thực hiện thì trong vòng 10 năm sẽ mang lại nhiều lợi ích về văn hóa, pháp lý, sự ổn định của các quan hệ xã hội, tài chính của Nhà nước, người dân và xã hội.

(còn nữa)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4- Triển khai xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án