Tòa án các tỉnh Tây Nguyên chung tay vì cộng đồng

PV| 01/01/2019 08:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn, vì thế các đơn vị Tòa án, ngoài việc “giữ vững cán cân công lý”, còn tranh thủ thời gian tuyên truyền pháp luật, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Tòa án hướng về các gia đình khó khăn

Năm 2004, thực hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. TAND tỉnh Đắk Lắk đã được phân công kết nghĩa với buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Buôn H’Ngô A là vùng căn cứ kháng chiến của huyện Krông Bông. Năm 1965 nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc và là chỗ dựa tin cậy của Đảng, các cơ quan hậu cần, Tỉnh đội, Tuyên huấn… Hiện buôn H’Ngô có 190 hộ với 788 khẩu, trong đó có đến 118 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo.

Trong những năm qua, Lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Lắk xác định công tác kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nên đã kịp thời tổ chức quán triệt chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến từng đảng viên, cán bộ công chức trong cơ quan.

Hàng năm, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Lắk luôn cử cán bộ xuống buôn kết nghĩa làm công tác phát động quần chúng trong thời gian công tác tại buôn tuyên truyền, vận động nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Qua đó, nắm bắt tình hình và tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xây dựng vững chắc mối đoàn kết giữa các dân tộc để nhân dân hiểu và cương quyết không nghe, không tin, không làm theo lời bọn phản động xúi giục.

Vào những dịp lễ Tết, lãnh đạo và cán bộ công chức trong TAND tỉnh xuống thăm hỏi, tặng nhiều phần quà có giá trị cho tất cả người dân trong buôn. Bên cạnh đó, cán bộ TAND tỉnh Đắk Lắk còn vận động phong trào đóng góp nửa ngày lương/tháng để xây dựng nhà tình nghĩa cho những hộ dân khó khăn. Đến nay, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được 3 ngôi nhà tình nghĩa cho 3 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong buôn; xây dựng nhà mẫu giáo; Đoàn thanh niên của TAND tỉnh thường xuyên xuống buôn tặng quà, sách vở, bút mực cho các cháu thiếu nhi…

Ông Trịnh Văn Toàn - Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc kết nghĩa nhằm giữ mối liên hệ giữa nhân dân buôn H’Ngô với TAND tỉnh, giữ vững sự đoàn kết gắn bó giữa cán bộ công chức cơ quan TAND tỉnh với nhân buôn H’Ngô và chính quyền địa phương, chung sức chung lòng xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phối hợp cùng nhau trong công tác vận động quần chúng nhân dân giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở buôn H’Ngô; kiên quyết không để xảy ra biểu tình bạo loạn, tổ chức vượt biên trái phép; kịp thời phát hiện tố giác bọn phản động cho chính quyền xử lý.

“Lãnh đạo và cán bộ công chức trong TAND tỉnh Đắk Lắk đều nhận thức sâu sắc, xác định công tác kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Tỉnh ủy và là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan. Chính vì vậy trong thời gian tới, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục xây dựng mối đoàn kết này ngày càng thân thiết hơn, bền chặt hơn”, ông Toàn cho biết.

Tòa án các tỉnh Tây Nguyên chung tay vì cộng đồng

Lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Lắk cùng TAND TP. HCM tặng nhà tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Ông Y San BKrông - Buôn trưởng buôn H’Ngô A phấn khởi cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là lãnh đạo, cán bộ TAND tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua tình hình chính trị và trật tự an toàn trong buôn có nhiều chuyển biến tích cực, người dân trong buôn đều có ý thức ổn định tư tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Về đời sống của bà con trong buôn cũng được được cải thiện. Hàng năm, TAND tỉnh đều cử cán bộ xuống nắm bắt tình hình, tham mưu giúp Ban tự quản buôn xây dựng chương trình công tác, giúp đỡ bà con trong sản xuất và phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con trong buôn.

Bà H’Jao Niê (83 tuổi, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) xúc động cho biết, trước đó do không có nhà để ở nên bà phải đi xin ở nhờ nhà của họ hàng hoặc những người quen. “Khi nghe buôn trưởng thông báo tôi được TAND tỉnh Đắk Lắk tặng cho một căn nhà tôi rất vui. Cảm ơn lãnh đạo và cán bộ tòa án rất nhiều”.

Gia Lai “cõng” luật về làng

Ngoài việc các đơn vị tòa huyện ở Gia Lai chăm lo cuộc sống cho các buôn, làng do mình nhận làm kết nghĩa thì trong năm 2018, rất nhiều đơn vị trên địa bàn đã tổ chức các phiên tòa giả định, nhằm đưa pháp luật đến với bà con vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, TAND TP.Pleiku là một trong những đơn vị đi đầu về việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân, cũng như tuyên truyền pháp luật đến cơ sở.

Từ đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo cơ quan đã phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công nhân viên chức trong toàn đơn vị ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của công tác kết nghĩa với buôn làng. Từ đó, hằng năm, đơn vị luôn lên kế hoạch cụ thể, các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của buôn làng và đúng quy định pháp luật.

Hành vi phạm pháp, dù có bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì đó cũng là điều không được pháp luật chấp nhận. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án liên quan đến pháp luật, ngoài các bản án nghiêm minh, còn phải có các hình thức truyên truyền, giáo dục phù hợp để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ được những điều trai trái mà tránh.

Theo đồng chí Nay Lu Vinh, Bí Thư chi đoàn TAND Tp. Pleiku thì đơn vị đã chọn phường Phù Đổng, là nơi để tuyên truyền pháp luật. Nội dung kịch bản được dàn dựng tỉ mỉ, đúng với quy định hiện hành. Các nhân vật được tập luyện kỹ càng trước khi mở phiên tòa. “Thông qua các phiên tòa giả định, chúng tôi mong rằng người dân sẽ nhận thức được sâu sắc những hậu quả khi bản thân mình gây ra, từ đó, họ sẽ tránh được những sai lầm trong cuộc sống. Qua đây, chúng tôi cũng muốn tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là luật hình sự đến đông đảo đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân”.

Tạm rời thành phố Pleiku để về với Tòa án huyện Chư Sê, là đơn vị tòa án dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong những năm qua về chất lượng xét xử án, cũng như các hoạt động xã hội. Trong vòng 5 năm liền từ 2013-2017 đơn vị luôn đón nhận cờ thi đua của Chính phủ và cờ ngành Tòa án. Đặc biệt, trong năm 2018, đơn vị đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của nhà nước.

Để có được kết quả tự hào này là biết bao công sức, mồ hôi của tập thể đơn vị đã đổ xuống. Khẩu hiệu: “Gần dân, giúp dân, vì dân” luôn hiện hữu trong tâm trí của các cán bộ, công nhân, viên chức mỗi khi có người dân đến làm việc. Bởi vậy, ngoài vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ có chiều sâu, thì công tác hòa giải, giải quyết án cũng được nhân dân hết lòng ủng hộ. Việc lắng nghe dân trình bày, tâm sự một cách nghiêm túc, đôi khi có phần cởi mở đã giúp cho các Thẩm phán hòa giải được rất nhiều vụ ly hôn đứng bên bờ vực tan vỡ.

Tòa án các tỉnh Tây Nguyên chung tay vì cộng đồng

Rất đông bà con đến theo dõi phiên tòa giả định do TAND Tp. Pleiku tổ chức

Sau khi nhận thấy, ngoài tính nghiêm minh của pháp luật, việc tuyên truyền ở tòa án vẫn chưa đủ sức lan tỏa thì lãnh đạo Tòa án huyện Chư Sê đã thống nhất phương án cần phải xây dựng các phiên tòa giả định đến với các buôn làng.

Nhận thấy, vấn đề vi phạm luật lệ giao thông trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện còn nhiều, đa phần là do trình độ nhận thức còn hạn chế nên khi xảy ra những sự việc đáng tiếc người dân vẫn chưa hiểu được mình sai phạm ở những điểm nào. Chính vì thế, án giao thông được đơn vị chọn làm các phiên tòa giả định.

Với cuộc sống của bà con nơi đây là ban ngày khi con gà chưa cất tiếng gáy, ông mặt trời còn chưa nhô lên, người dân đã bước chân ra khỏi nhà để lên nương rẫy, đến chiều tối, khi mặt trời đã lặn họ mới về tới nhà. Bởi vậy, Tòa án huyện đã tổ chức phiên tòa giả định vào buổi tối ở thôn Tao Kuk, xã Ia Pal. Đây là thôn một trong những thôn khó khăn trên địa bàn xã cũng như tính chung toàn huyện Chư Sê.

Xuyên suốt nội dung phiên tòa giả định là việc một chàng thanh niên tham gia giao thông khi đã có nồng độ cồn, cùng với đó chiếc xe máy do chàng trai trẻ này cầm lái vào ban đêm lại không có đèn chiếu sáng. Trong một phút bất cẩn ngoảnh đầu ra phía sau, đầu che đã đi chệch hướng sang trái dẫn đến việc va chạm với xe máy đi chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh đã làm cho người chạy xe đầu đường bên kia ra đi mãi mãi.

Hàng trăm người dân kéo nhau đến theo dõi, ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng  lời nói của các bên liên quan, cũng như ý kiến tranh luận của các luật sư, quan điểm của VKS cũng như sự điều hành nghiêm minh, xem xét, phân tích các tình tiết có trong vụ án của HĐXX.

Chỉ đến khi, những lời xin lỗi sau cùng được cất lên, cùng với đó là một bản án nghiêm minh từ HĐXX được tuyên đọc thì những người tham dự mới lẽ ra bao nhiêu điều. Một thanh niên tham dự cho biết: “Những phiên tòa như thế này đã đánh thức bao nhiêu trai trẻ, thanh niên trong làng về việc chấp hành luật giao thông đường bộ. Khi nghe những lời nói sau cùng từ phía bị cáo, mà ruột gan tôi không cầm được nước mắt. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với các cô, chú, bác anh em trong làng tuân thủ đúng quy định khi tham gia giao thông”.

Những phiên tòa giả định, hay những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần của các đơn vị tòa án phần nào đó đã giúp người dân vượt qua khó khăn, hiểu hơn về pháp luật để đón một cái tết vui vẻ cùng với gia đình và cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án các tỉnh Tây Nguyên chung tay vì cộng đồng