"Thẩm phán tiêu biểu" Lý Ngọc Sơn: Thượng tôn pháp luật và luôn đặt chữ “Tâm” làm đầu

Duy Bình| 10/04/2017 21:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẩm phán tiêu biểu Lý Ngọc Sơn, Chánh tòa Hình sự TAND An Giang, sinh năm 1965, vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học ở phường Mỹ Bình, thị xã Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên), tỉnh An Giang.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm vào năm 1988, ông được phân công về giảng dạy ở Trường THPT Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, do niềm đam mê được trở thành cán bộ Tòa án, nên năm 1991, ông được TAND tỉnh An Giang tiếp nhận về công tác với chức danh Thư ký Tòa án.

Thẩm phán Lý Ngọc Sơn, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh An Giang là chủ toạ phiên tòa xét xử vụ án về "Tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" vào ngày 10/4/2017

Sau quá trình vừa công tác, vừa học tập và rèn luyện, năm 1998, ông tốt nghiệp Đại học Luật và được điều động về Phòng Giám đốc kiểm tra thuộc TAND tỉnh. Ngay sau đó, ông được tổ chức cử đi học lớp đào tạo Thẩm phán, năm 2001 ông vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán và được phân công về công tác tại Tòa hình sự.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, trong đó đặc biệt dành thời gian cho việc tập trung nghiên cứu học hỏi, cập nhật kiến thức, viết bài về trao đổi về nghiệp vụ xét xử được đăng trên các tạp chí chuyên ngành, nhất là tạp chí Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Cổng thông tin điện TANDTC...

Trong công tác chuyên môn, đối với từng vụ án cụ thể khi được lãnh đạo phân công giải quyết, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ, thận trọng xem xét đánh giá, phân tích một cách khách quan, đầy đủ về chứng cứ; thực hiện đúng trình tự, thủ tục luật định; vận dụng chính xác các quy định của pháp luật về mặt nội dung; giải quyết, xét xử bảo đảm về thời hạn, chưa có bản án nào bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán, không để án quá hạn xét xử theo quy định pháp luật. Trong công việc, ông luôn lấy chữ “Tâm” đặt lên hàng đầu và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thận trọng, chính xác nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót về nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác được giao. Theo đó, về công tác chuyên môn nghiệp vụ: trong 5 năm (từ ngày 1/10/2009 đến ngày 31/3/2015), Thẩm phán Lý Ngọc Sơn đã làm chủ tọa xét xử được 550 vụ án hình sự sơ, phúc thẩm. Kết quả xét xử từng năm đều vượt chỉ tiêu của đơn vị đưa ra; không có trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm và không có án bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Tháng 6/2004, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh tòa Hình sự, rồi Chánh tòa từ tháng 11/2006 đến nay. Với những cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác xét được giao nêu trên, ngày 16/1/2015, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn rất vinh dự được TANDTC tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”.

Đồng chí La Hồng, Chánh án TAND tỉnh An Giang trao Quyết định bổ nhiệm lại Thẩm phán Trung cấp cho đồng chí Lý Ngọc Sơn, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh An Giang vào ngày 29/12/2016

Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi xét xử các loại vụ án nói chung, các vụ án hình sự nói riêng, người Thẩm phán phải có phương pháp nghiên cứu một cách khoa học, hồ sơ phải được nghiên cứu theo một trình tự nhất định và không bỏ qua một trình tự nào cả. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phải tập trung nghiên cứu các yếu tố cấu thành tội phạm; nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tăng nặng định khung, các tình tiết giảm nhẹ, phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng... Bên cạnh đó phải tạo được thói quen có sổ theo dõi án được phân công giải quyết, lưu ý thời gian tạm giam, tạm giữ bị can, bị cáo để đảm bảo thời hạn giải quyết án, tránh xảy ra trường hợp để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan.

Ngoài ra, người Thẩm phán phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết vụ án một cách khoa học; thiết lập bảng nghiên cứu đầy đủ các chi tiết về lời khai của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác và những vấn đề cần phải làm rõ tại phiên tòa để giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan, đúng pháp luật. Đối với những vụ án phức tạp, đồng phạm có tổ chức, nhiều bị cáo tham gia thực hiện tội phạm phải thiết lập được sơ đồ thể hiện hành vi phạm tội của từng người, làm nổi bật được vị trí vai trò của từng bị cáo. Sau đó, kiểm tra lại các thủ tục tố tụng đã ban hành và tư cách của những người tham gia tố tụng trong vụ án; đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo, nhất là người chưa thành niên và những bị cáo bị truy tố, xét xử có khung hình phạt đến tử hình. Tiếp đến là xây dựng kế hoạch xét hỏi (tùy tính chất của từng vụ án) để đảm bảo về mặt thời gian và đảm bảo phiên tòa diễn ra tôn nghiêm, trật tự, đúng theo kế hoạch đã dự kiến.

Ngoài vinh dự là Thẩm phán tiêu biểu năm 2015, Thẩm phán Lý Ngọc Sơn còn đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua liên tục từ năm 2009 đến năm 2016 với các danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua TAND; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Bằng khen của Chánh án TANDTC; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Thẩm phán tiêu biểu" Lý Ngọc Sơn: Thượng tôn pháp luật và luôn đặt chữ “Tâm” làm đầu