TAND huyện Châu Thành, Kiên Giang: Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hòa giải thành

Quang Trung| 23/01/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong nhiều năm qua, TAND huyện Châu Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Châu Thành là huyện nông nghiệp, nằm phía Nam của tỉnh Kiên Giang. Huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 31%, hầu hết người dân tộc sống tập trung ở 6/10 xã, thị trấn nên công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật của nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Người dân tộc có nhiều tập tục lạc hậu lâu đời đã thấm sâu vào cuộc sống của họ, từ đó hầu hết các tranh chấp khi phát sinh chỉ có thể giải quyết được bằng các tập tục lạc hậu của người dân tộc đã có từ lâu đời, chính các tập tục lạc hậu này đã gây không ít khó khăn đến việc tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng người dân tộc và người Khmer nói riêng. Chính từ những khó khăn này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải quyết các tranh chấp dân sự trong đồng bào dân tộc Khmer của đơn vị.

Tuy nhiên với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo TAND tỉnh, đặc biệt là chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể CBCC TAND huyện với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, sự đoàn kết nhất trí cao, từng cá nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm nên trong nhiều năm qua, TAND huyện Châu Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chánh án TAND huyện Châu Thành cho biết, để giải quyết, xét xử các loại vụ kiện dân sự đối với đồng bào dân tộc Khmer, TAND huyện Châu Thành đã thực hiện một số giải pháp cụ thể, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác hòa giải đối với đồng bào dân tộc. Cụ thể, đơn vị phân công một Thư ký là người dân tộc Khmer chuyên giúp việc cho một Thẩm phán giải quyết những tranh chấp có liên quan đến người dân tộc Khmer, giúp Thẩm phán nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, đã hòa giải nhiều lần ở cơ sở nhưng không thành thì Thẩm phán dành thời gian thích hợp cho các bên tự suy nghĩ, đồng thời có biện pháp phối hợp với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc nơi đương sự cư trú để động viên phân tích hoặc trao đổi và nhờ sự giúp đỡ của các sư sãi là trụ trì của chùa tác động giúp cho Tòa án giải quyết nhanh vụ án. Khi mở phiên tòa xét xử, Tòa án phân công Hội thẩm nhân dân là người dân tộc Khmer tham gia để giải thích pháp luật, từ đó họ thông suốt hơn về pháp luật khi tham gia phiên tòa.

Những giải pháp và kinh nghiệm mà TAND huyện Châu Thành đã thực hiện trong thời gian qua đã có hiệu quả rất lớn đến thành tích so với điều kiện, khả năng hiện có của đơn vị. Trong năm 2015, TAND huyện Châu Thành đã thụ lý 648 vụ, việc các loại; giải quyết 620 vụ, đạt tỷ lệ 95,68%. Chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên, không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Tỷ lệ hòa giải thành đạt 47,85% đã góp phần rất lớn trong việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm tại địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2014, đơn vị được Chính phủ tặng Cờ thi đua và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đơn vị có 2 cá nhân vinh dự được Chính phủ tặng bằng khen, 3 cá nhân được công nhận danh hiện Chiến sỹ thi đua TAND. Đặc biệt, năm 2015, TAND huyện Châu Thành tiếp tục được Cụm thi đua số V TAND đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng TAND tặng thưởng Cờ thi đua TAND vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Châu Thành, Kiên Giang: Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hòa giải thành