Những “bí kíp” của “bông hồng gai” Tòa án xứ Thanh

Thanh Phương| 02/03/2017 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 20 năm qua, Thẩm phán Nguyễn Thị Huệ đã xét xử, giải quyết gần 1.000 vụ án, luôn thận trọng nghiên cứu, điều tra xác minh kỹ càng, phán xử thấu tình đạt lý.

Đặc biệt là sự rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp và tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức phụng công thủ pháp, chí công vô tư theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án.

Trước khi bước chân vào Tòa án, chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1964) đã kinh qua rất nhiều chức vụ công tác tại địa phương. Ra trường, chị công tác tại Phòng tư pháp huyện, được thời gian chuyển qua trọng tài, thanh tra, cơ quan thường trực HĐND huyện, năm 1994 chị “bén duyên” với Tòa án. Chị vẫn tâm niệm, nghề chọn mình, khi đã gắn bó thì luôn cố gắng, nỗ lực làm cho tốt. Tháng 10/1995 chị được bổ nhiệm Thẩm phán, năm 2006 được bổ nhiệm là Chánh án.

Nhìn lại hơn 20 năm công tác, quả là một chặng đường dài. Số lựợng vụ, việc trực tiếp giải quyết từ đó đến nay là 820 vụ, việc, chưa có vụ nào bị hủy do lỗi chủ quan. Các vụ án đã giải quyết, xét xử đạt chất lượng cao, không có án quá hạn, các vụ án hủy, sửa đều không để lại hậu quả gì.

Trao đổi với PV, Chánh án Huệ cho biết: “Từ thực tế tiếp nhận các loại đơn khởi kiện, hầu hết đều chưa đảm bảo về mặt nội dung, cũng như hình thức phải hướng dẫn bổ sung, do vậy tôi đã chỉ đạo cán bộ cơ quan xây dựng, ban hành các loại biểu mẫu chi tiết, cụ thể phù hợp với từng quan hệ pháp luật trên cơ sở biểu mẫu chung của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để áp dụng trong quá trình tiếp nhận đơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến nộp đơn, hướng tới sự phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Với gần 30 năm công tác, trên 20 năm làm Thẩm phán với những kinh nghiệm trong hòa giải các tranh chấp, bản thân chị và đơn vị hòa giải được phần lớn vụ án dân sự, hôn nhân gia đình... Tỷ lệ hòa giải thành các năm từ 67% đến 70% số vụ án, tiết kiệm được thời gian và kinh phí mở phiên tòa.

Những “bí kíp” của “bông hồng gai” Tòa án xứ Thanh

Chánh án Nguyễn Thị Huệ

Chị luôn tâm niệm bản án là văn bản tố tụng then chốt, có giá trị thi hành đối với không chỉ đương sự trong vụ án mà còn có thể tác động đến cơ quan, tổ chức hữu quan. Các bộ luật tố tụng đều quy định nội dung viết bản án và Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành các mẫu án văn quy định những vấn đề cơ bản, chung nhất. Do vậy, cần sự vận dụng linh hoạt phù hợp từng vụ án cụ thể. Tuy nhiên, trình độ nhận thức và kỹ năng viết án văn của các Thẩm phán khác nhau. Từ thực tiễn, đòi hỏi trong phạm vi đơn vị phải có sự thống nhất chung.

Chị đã đề ra cách thức quản lý mới là phân công một thư ký làm thi hành án hình sự phối hợp với cán bộ trực văn phòng theo dõi án đã xét xử, số có kháng cáo, kháng nghị, số không có kháng cáo, kháng nghị để kịp thời ra quyết định thi hành án trình Chánh án ký. Cách làm mới khoa học, đem lại hiệu quả cao hơn trước.

 Đầu nhiệm kỳ HĐND, dù chưa được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng xét xử nhưng do yêu cầu tiến độ giải quyết án nên chị đã đề ra giải pháp lựa chọn mời những vị hội thẩm tái nhiệm xét xử và mời toàn thể các vị hội thẩm tham dự phiên tòa để học tập kinh nghiệm, nhằm gấp rút trang bị kiến thức, kỹ năng xét xử. Do được dự các phiên tòa, các vị hội thẩm mới được bầu tự tin, không bị lúng túng khi tiến hành xét xử, có quan điểm, lý luận vững vàng. Các phiên tòa đều bố trí hội thẩm dự khuyết để thay thế kịp thời. Do vậy, các năm qua không có trường hợp nào phải hoãn phiên tòa vì lý do vắng hội thẩm.

Trong những năm qua, Chi bộ TAND huyện Nông Cống liên tục được Huyện ủy Nông Cống công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị TAND huyện Nông Cống luôn là một trong những đơn vị trong tốp đầu các phong trào thi đua. Cơ quan cũng như Chánh án Nguyễn Thị Huệ được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của tỉnh và của TANDTC... Năm 2016, Chánh án Nguyễn Thị Huệ được đề nghị nhận bằng khen của Chánh án TANDTC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bí kíp” của “bông hồng gai” Tòa án xứ Thanh