Hệ thống TAND đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020

Trần Minh Giang| 08/12/2015 21:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, hệ thống TAND có 13 đại biểu tham dự.

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TANDTC, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND là Trưởng đoàn.

Đây là những cán bộ, công chức tiêu biểu, xuất sắc, là các gương điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015 của hệ thống TAND.

Các phong trào thi đua thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác

Trong Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015) của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương được trình bày tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX nêu rõ: TAND các cấp đã đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ pháp luật; tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, là sự khích lệ, động viên cán bộ, công chức TAND các cấp đã nỗ lực không ngừng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, phong trào thi đua yêu nước của hệ thống TAND giai đoạn 2010-2015 diễn ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nên hệ thống TAND đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các TAND đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo. Tòa án các cấp đã chủ động phát động và tổ chức các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”.

Hệ thống TAND đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020

Các đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vào Lăng viếng Bác trước phiên khai mạc

Với việc tổ chức xét xử có hiệu quả trên 1.500.000 vụ án (trong đó có nhiều vụ án lớn) bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng và thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, hệ thống TAND đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp và chỉ tiêu mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ổn định chính trị, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước. Các phong trào thi đua được triển khai trong 5 năm qua đã thực sự tạo ra không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong từng đơn vị, trở thành động lực và có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác mà trọng tâm là hoạt động xét xử. Trong phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, đó là những tập thể, cá nhân đầu tàu, gương mẫu trong việc khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành xuất sắc, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được giao.

5 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được trao tặng các danh hiệu khen thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ và TAND. Hệ thống TAND được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2. Có 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; 2 tập thể được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 3 tập thể, 5 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 13 tập thể, 16 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; 38 tập thể, 86 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 103 tập thể, 143 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 248 tập thể, 316 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 95 lượt tập thể được tặng thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”; 31 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”…

Những bông hoa tiêu biểu của TAND

Tại Đại hội, chúng tôi đã được tiếp xúc, trò chuyện, trao đổi với các đại biểu của hệ thống TAND và thấy rằng, đây thực sự là những bông hoa tươi thắm nở giữa vườn hoa rực rỡ sắc màu của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Duyên dáng trong tà áo dài, Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai, Chánh án TAND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là người dù ở vị trí công tác nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác trong nghề Tòa án từ tháng 7/1998 đến nay, Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai đã trải qua nhiều vị trí. Ý thức được trách nhiệm của người cán bộ Tòa án, Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai luôn trau dồi nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để vận dụng vào nhiệm vụ chuyên môn. Sau mỗi lần xét xử, bản thân chị tự rút kinh nghiệm, thông qua đó tìm rõ nguyên nhân tồn tại để khắc phục kịp thời. Vì thế các vụ án do Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai giải quyết luôn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong những năm qua, Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai đã tham gia xét xử trên 1.200 vụ án các loại mà không có vụ án nào quá hạn luật định hoặc bị hủy vì lý do chủ quan. Nhiều năm liền, Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai đã được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen; được Chánh án TANDTC khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai được lãnh đạo TANDTC vinh danh là Thẩm phán tiêu biểu của hệ thống TAND.

Hệ thống TAND đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020

Các đại biểu TAND tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

Thẩm phán Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh là người  cương nghị, mạnh mẽ. Trong vai trò là Bí thư Ban cán sự Đảng kiêm Bí thư Đảng bộ TAND tỉnh Bắc Ninh, anh luôn gương mẫu và cùng với các thành viên trong Ban cán sự làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đến tới các đảng viên và quần chúng trong cơ quan. Thẩm phán Phạm Minh Tuyên đã chỉ đạo Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Ninh đạt được những thành tích trong công tác xét xử. Bản thân Thẩm phán Phạm Minh Tuyên trong 5 qua đã trực tiếp giải quyết, xét xử gần 500 vụ án các loại luôn đảm bảo tính khách quan, án hình sự luôn xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Thẩm phán Phạm Minh Tuyên còn là người có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn xét xử. Ngoài ra, Thẩm phán Phạm Minh Tuyên còn trực tiếp biên soạn 3 cuốn sách tham khảo “Quy trình giải quyết vụ án hình sự”; “Các tội phạm về ma túy - cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử ở Việt Nam”; “Các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử tại Việt Nam”. Bên cạnh đó, anh còn là thành viên Hội đồng khoa học TANDTC, là giảng viên kiêm chức, tham gia giảng dạy các lớp đào tạo Thẩm phán, Luật sư và đào tạo cao học cho Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án và Viện Nhà nước và pháp luật. Thẩm phán Phạm Minh Tuyên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; được tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tòa án; vì sự nghiệp Công Đoàn, vì sự nghiệp thế hệ trẻ, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Gặp Thẩm phán Huỳnh Văn Quân công tác TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chúng tôi thấy anh là người thân thiện, niềm nở. Xuất thân từ gia đình nông dân tại làng quê Tân Chánh thuộc vùng sâu vùng xa huyện Cần Đước, năm 17 tuổi anh đã tham gia cách mạng. Năm 22 tuổi, anh là Chủ tịch UBND xã Tân Chánh; năm 25 tuổi là Trưởng phòng Công nghiệp huyện Cần Đước; năm 32 tuổi là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Cần Đước. Quá trình công tác được tiếp cận với chính trị, pháp luật nên năm 37 tuổi, anh chuyển công tác sang TAND huyện Cần Đước với chức danh Thư ký và được bổ nhiệm Thẩm phán từ năm 2007 đến nay. Gắn bó với TAND đã 18 năm, anh luôn phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Bản thân Thẩm phán Huỳnh Văn Quân đã giải quyết trên 1.500 vụ án các loại luôn đảm bảo thấu tình đạt lý. Với những thành tích đó, nhiều năm liền Thẩm phán Huỳnh Văn Quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận là Chiến sĩ thi đua.

Hệ thống TAND đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020

Các đại biểu TAND chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội

Thẩm phán Huỳnh Thị Mộng Thúy, Phó Chánh án TAND TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được Đại hội biết đến là người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong công việc cơ quan, chị có nhiều sáng kiến và đổi mới phương pháp làm việc, quản lý, điều hành. Chị luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ; là trung tâm gắn kết đồng nghiệp; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tổ chức, kỷ luật nên tạo động lực để các cán bộ, công chức vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 2010 đến nay, chị luôn đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; được Chánh án TANDTC và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng thưởng nhiều Bằng khen. Đối với công việc gia đình, chị làm tròn bổn phận một người vợ, người mẹ và người con trong gia đình cha mẹ hai bên, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả nhà. Để đạt được danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chị cho biết: Người phụ nữ nói chung và phụ nữ trong hệ thống TAND nói riêng để làm tròn bổn phận thì chính bản thân phải phấn đấu nỗ lực không ngừng, phải có bản lĩnh vững vàng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt cả việc công lẫn việc tư.

Được tiếp xúc, trò chuyện với những tấm gương điển hình của TAND như:  Đại tá, Thẩm phán cao cấp Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp TAQS Trung ương; Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Đà Nẵng; Thẩm phán Nguyễn Văn Chiến, Phó Chánh án TAND huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh án TAND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai; Thẩm phán Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk; Thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Phó Chánh án TAND huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; bà Đào Tú Hoa, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ TAND TP. Hà Nội… mới thấy rằng, mỗi người một vẻ. Mỗi người ở từng lĩnh vực công tác, ở từng vùng miền từ Bắc, Trung, Nam, ở vùng sâu, vùng xa hay thành thị nhưng ở họ đều toát lên sự tận tụy, công tâm, hết lòng vì công việc. Những con người tiêu biểu ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong 16.000 cán bộ Tòa án đang công tác TAND, TAQS các cấp đang hàng ngày đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng hệ thống TAND xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhằm củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với cơ quan xét xử.

Lĩnh hội những chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2016-2020 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND và các đại biểu TAND tiếp thu và triển khai tới các đơn vị trong toàn hệ thống TAND để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức phong trào thi đua yêu nước.

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa mong muốn, mỗi cán bộ, nhân viên TAND, TAQS các cấp cần thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”, xây dựng phong trào thi đua thiết thực và hiệu quả. Mỗi người cán bộ Tòa án thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước nhất” để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của hệ thống TAND trong giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt nhiều thành tích toàn diện hơn nữa. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống TAND đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020