Có một “gia đình Tòa án” giữa núi rừng Nậm Pồ

Bùi Xuân Thao| 09/09/2015 17:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tất cả rồi sẽ trở lại bình thường như nó vốn có từ ngàn đời. Dù vậy, cái cảm giác ban đầu, mới lạ về một miền đất mới, về con người thì sẽ còn mãi…

Tòa án Nậm Pồ non trẻ mới được thành lập cũng vậy- sẽ mãi mãi là ký ức khó phai, theo suốt sự nghiệp của không chỉ cô Thư ký Tòa án trẻ mà sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp của những người “mở Tòa” nơi này.

Non trẻ giữa núi rừng biên cương

Năm 2013, vừa tốt nghiệp Đại học Luật thì cũng là dịp huyện Nậm Pồ được thành lập mới. Trúng tuyển công chức Tòa án, theo phân công, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tuyết Nhung xách hành trang cá nhân đơn sơ và mấy thứ “bếp núc” về nhận công tác nơi đây - TAND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Bỡ ngỡ ban đầu cũng qua, nhưng với Nhung, tất cả vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của mình…

 Cách trung tâm Điện Biên chừng 200 km về phía Đông, Nậm Pồ là huyện miền núi, 8/15 xã có đường biên giới giáp nước bạn Lào và nếu suôn sẻ thì từ trung tâm tỉnh Điện Biên cũng gần một ngày đường mới vào tới được. Nói về đường xấu, nguy hiểm của vùng núi non hiểm trở vào loại nhất nhì đất nước nơi đây thì chỉ là chuyện “xưa như trái đất” vậy. Và vào mùa mưa, chỉ có thể nói thật ngắn gọn rằng khi bước xuống xe mới thở phào… sống rồi. Cho đến nay, từ huyện vào các xã 100% vẫn là đường đất, cheo leo giữa núi cao và vực sâu. Có thể ai đó chưa đến Nậm Pồ nhưng đã từng được “chiêm ngưỡng” cái vất vả và nguy hiểm của việc đi lại ở đây qua một clip đã được cả nước biết đến. Đó là hình ảnh từng học sinh, cô giáo chui vào túi nilon để một người túm bơi vượt sông… Nhưng rồi lâu cũng thành quen, cứ mấy tháng về thăm nhà một lần, Nhung bảo cố “nhắm mắt” gần một ngày là lại qua thôi.

Nhớ lại buổi ban đầu, cái huyện lị tương lai này chỉ là một công trường, ngổn ngang, bề bộn, lầy lội bùn đất cùng tiếng khoan cắt dội vào vách đá xung quanh. Trong cái thung lũng nhỏ này, mọi người vừa hối hả xây dựng trụ sở các cơ quan, ban ngành, vừa phải tiếp tục công việc chuyên môn…Vậy nhưng cán bộ, Thẩm phán của đơn vị Tòa án non trẻ này đã mau chóng nhập cuộc và rất cảm động khi thường xuyên nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện của Tòa án cấp trên và của cấp ủy, chính quyền địa phương để vừa vượt qua những ngày đầu với bao khó khăn mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những quan tâm động viên về tinh thần hay hỗ trợ một phần kinh phí để đi xét xử lưu động, cho công tác Hội thẩm nhân dân, hay việc khen thưởng biểu dương kịp thời hàng năm là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ, công chức Tòa án huyện Nậm Pồ.

Có một “gia đình Tòa án” giữa núi rừng Nậm Pồ

Thẩm phán Vũ Thị Thành - Chánh án đầu tiên của TAND huyện Nậm Pồ 

Bản thân cô Thư ký Tòa án trẻ tên Nhung và các anh chị em trong cơ quan đều ở xa nhà, gần nhất cũng là cách trung tâm huyện hơn 70km, còn xa nhất là ở tận Thái Bình nên việc ăn, ở, đi lại, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Nhung kể, đã không ít lần bị ngã xe đau và trầy xước tím tái cả người, rồi cũng phải tự gượng dậy và toát mồ hôi mới dựng được xe nằm chênh vênh sườn núi lên…

Xa xôi và đi lại khó khăn thế cho nên tất cả cán bộ, công chức TAND huyện đều ở lại cơ quan, phòng làm việc cũng là chỗ nghỉ luôn. Lãnh đạo cơ quan cố gắng bố trí bếp ăn tập thể cho cán bộ. Cánh trẻ của Nhung, hết giờ làm việc là xuống bếp ăn tập thể để nấu, ra vườn để trồng rau, chăn nuôi. Những ngày đầu vào đây công tác, cán bộ Tòa án phải mua từng gói mì tôm, đồ dùng sinh hoạt cá nhân từ thành phố chở bằng xe máy. Cho đến nay, ở trung tâm huyện vẫn chưa có chợ nên anh em trong cơ quan phải tăng gia trồng rau và chăn nuôi để cải thiện cuộc sống hàng ngày. Cái vườn rau nhỏ xinh được ngăn riêng một góc để nuôi gà là nguồn thực phẩm “tiềm năng” của cả đơn. Khi quá thiếu vật dụng, phải đi chợ sắm thì chỉ đi vào ngày nghỉ bởi chợ cách trung tâm huyện 7km, toàn đường đất lộc cộc, thậm chí có nhiều đoạn phải cuốc bộ.

Là huyện mới thành lập và do đặc thù là vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, nên cấp trên mới bố trí được 2 Thẩm phán đều là nữ lại kiêm công tác lãnh đạo. Đơn vị có 4 thư ký nhưng tất cả đều mới ra trường vài năm, kinh nghiệm công việc chưa có nhiều…Nhưng vượt lên trên những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu ấy, tập thể cán bộ, công chức của đơn vị đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng năm đều xét xử, giải quyết đạt 100% với chất lượng chuyên môn được cấp trên đánh giá cao, đặc biệt là tỷ lệ hòa giải thành cao.

Từ khi được thành lập cho đến nay công tác xét xử lưu động và tuyên truyền pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của TAND huyện. Tòa án huyện đã tổ chức 5 đợt xét xử án lưu động với 18 vụ án tại các xã Nà Hỳ, Phìn Hồ, Nà Bủng, Vàng Đán, Nà Khoa là những xã đang có điểm nóng về tình hình tội phạm, chủ yếu là các tội về ma túy.

Vậy là, dù mới thành lập nhưng bình quân mỗi năm, TAND huyện tổ chức được 12 phiên tòa lưu động. Con số không lớn nhưng để có một chuyến đi lưu động nơi đây quả là một thử thách về mọi mặt. Chẳng hạn như khi chuẩn bị xét xử lưu động ở các xã, cán bộ đều phải đi từ ngày hôm trước. Đơn vị thuê xe ô tô để chở phông bạt, tăng âm loa đài, quốc huy, vành móng ngựa. Điều đương nhiên là một công việc “bếp núc” khác như chuẩn bị lương khô, sữa, nước uống là không thể thiếu. Có những khi không thuê được xe, hay ô tô không thể vào xã được thì anh chị em phải “tự cõng” bằng xe máy mà thôi.

Có một “gia đình Tòa án” giữa núi rừng Nậm Pồ

Thư ký Nguyễn Thị Tuyết Nhung trong một phiên tòa lưu động

Cùng với việc xét xử, Tòa án phải tuyên truyền, giải thích để cho nhân dân hiểu. Có những phiên tòa hình sự, bị cáo (được tại ngoại) thuộc dân tộc ít người, muốn triệu tập bị cáo đến phiên tòa phải kết hợp cả giải pháp pháp luật và phương pháp dân vận. Nhiều khi xử xong, biết bị cáo không có tiền, hoàn cảnh quá khó khăn con thơ nheo nhóc, cán bộ Tòa án còn đi mua từng hộp sữa, gói bánh về cho con bị cáo ăn...

Nói đến xét xử lưu động, cán bộ, Thẩm phán ở đây không thể quên ơn lãnh đạo, chiến sỹ Đồn biên phòng Nà Bủng. Họ vốn đã quá thiếu thốn nhưng sẵn sàng nhường chỗ nghỉ, giúp cho đoàn xét xử lưu động những bữa ăn thanh đạm mà ấm tình quân dân. Dù công tác ở đây chưa nhiều nhưng Nhung và cánh trẻ đã sớm hiểu ra một điều thật giản dị rằng ở những nơi cực kỳ khó khăn thế này, để giáo dục, cảm hóa tội phạm chỉ thông qua những bản án thôi thì chưa đủ mà còn phải thêm cái tâm và tình người trong mỗi cán bộ Tòa án và cần phải có sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành chung tay xây dựng.

Mái ấm “gia đình Tòa án”

Với Nhung, Tòa án Nậm Pồ không chỉ là nơi bắt đầu sự nghiệp của mình mà nơi đây đã thật sự là mái ấm gia đình thứ hai trong đời. Nhung bảo cô đã may mắn khi được sống, làm việc trong môi trường mà chả khác gì sống trong gia đình mình vậy. Thân con gái xa bố mẹ nhưng Nhung và những cán bộ Tòa án trẻ đã được những người nữ lãnh đạo của đơn vị luôn đồng hành cùng tập thể cán bộ, công chức từ những ngày đầu gian nan cho đến ngày hôm nay. Đó là chị Vũ Thị Thành - Chánh án và chị Vàng Thị Dua - Phó Chánh án, những người mà lớp trẻ của Nhung thường gọi là cô. Họ - những người phụ nữ đã gắn bó với cái nghề vốn được coi là quá khô khan, cứng nhắc. Và khi tách huyện, những người vốn “chân yếu, tay mềm” ấy lại phải đảm đương cương vị là những người đứng mũi chịu sào trong những ngày đầu thành lập Tòa án huyện mới với bao gian nan, vất vả.

Với cảm nhận của riêng mình, Nhung nghĩ, đó là chuỗi khó khăn và thử thách trên những đôi vai của những người nữ lãnh đạo. Họ đã đến với nghề cũng là cái duyên mà ở đó là cuộc hành trình đánh đổi biết bao mồ hôi nước mắt và cả tuổi trẻ của mình. Mỗi khi kể về chặng đường đã qua, về nghề nghiệp, gia đình thì đó là những lời tâm sự cũng là lời dạy cho thế hệ trẻ của Nhung về bài học đạo lý trong cuộc sống.

Nhung kể, các cô thường nói với cánh trẻ rằng đã đến với nghề Tòa là cái duyên, nhưng bám trụ với nghề không phải là điều dễ. Phải biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và hơn nữa là "vượt lên chính mình" để rèn luyện ý chí tự học, tự nghiên cứu và giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp trước những thay đổi của xã hội.

Dường như thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của lớp cán bộ trẻ nên những người nữ lãnh đạo đơn vị đã xử sự tâm lý hơn bao giời hết. Các chị như những người mẹ thứ hai của Nhung. Đứng mũi chịu sào của đơn vị Tòa án huyện mới thành lập, giao thông đi lại rất khó khăn, thiếu thốn đủ điều về cơ sở vật chất, thậm chí ngay cả những vật dụng sinh hoạt thường ngày nhưng với tình thương của các chị, cánh trẻ vẫn được quây quần như đang sống trong gia đình mình vậy. Nhung thường ví mỗi cơ quan ở Nậm Pồ là một mái nhà và TAND huyện đã thật sự là ngôi nhà thứ hai của Nhung - nơi lãnh đạo cũng như người mẹ, đồng nghiệp như anh em trong gia đình.

Có một “gia đình Tòa án” giữa núi rừng Nậm Pồ

Đường từ Điện Biên đi Nậm Pồ

Trong sinh hoạt đầm ấm là thế nhưng trong công tác thì Nhung và cánh trẻ rất cảm phục bởi các cô, các chị nghiêm khắc, ân cần chỉ dạy những cán bộ trẻ với bao năm kinh nghiệm công tác. Không chỉ hoàn thành trọng trách của Thẩm phán, của người lãnh đạo cơ quan, bản thân các chị vẫn luôn cố gắng đầu tư nghiên cứu chuyên môn, học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp để nâng cao năng lực và từng bước xây dựng bản lĩnh của một người Thẩm phán. Các chị thường nói với Nhung rằng khó khăn đến mấy, không quen rồi cũng thành quen, đã được giao trách nhiệm thì phải làm hết sức mình.

Sự thành công của mỗi cá nhân cũng là niềm vinh dự cho cả tập thể. Thẩm phán Vũ Thị Thành - Chánh án TAND huyện mà Nhung coi như mẹ của mình, sinh ra ở quê lúa Thái Bình, lên nhận công tác ở Điện Biên và gắn cả thời con gái với mảnh đất nơi đây. Sự nỗ lực phấn đấu và trưởng thành của chị khiến đồng nghiệp và lớp trẻ như Nhung luôn ngưỡng mộ. Đã nhiều năm liền, chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được Chánh án TAND tỉnh rồi Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Năm 2014, chị Thành vinh dự được nhận danh hiệu Thẩm phán giỏi. Vừa qua trong kỳ đại hội Đảng bộ huyện, chị Thành đã được số phiếu cao trong ban chấp hành và vinh dự hơn cả, chị Thành là 1 trong 4 Đảng viên nữ của huyện Nậm Pồ đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIII.

 Trên cương vị là Bí thư chi bộ cơ quan cũng là Chánh án, chị Thành đã hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ công chức phấn đấu, học tập, nâng cao nhận thức về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo TAND huyện đã quan tâm cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ ứng dụng áp dụng phần mềm quản lý nội bộ, cử được 1 cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ thư ký Tòa án tại Trường cán bộ Tòa án; cử 1 đồng chí học lớp Trung cấp lý luận chính trị; Kết nạp 1 quần chúng ưu tú vào Đảng và quyết tâm xây dựng một Tòa án huyện vững vàng nơi biên cương này…

Theo Nhung thì có một “gia đình Tòa án” vững vàng nơi núi rừng Nậm Pồ như hôm nay không thể không nhắc đến chị Vàng Thị Dua, một nữ Thẩm phán người H' Mông. Chị là người đã trau dồi ngôn ngữ và kiến thức về tập quán đồng bào địa phương cho cả đơn vị, một Phó Chánh án tận tâm với công việc và bao dung trong sinh hoạt... Nhung vẫn nhớ ngày mới nhận công tác tại đây, cô Dua vừa trải qua một cuộc phẫu thuật mổ đóng 8 chiếc đinh ở cánh tay trái. Mọi sinh hoạt đối với cô là khó khăn vậy nhưng cô vẫn luôn sát cánh cùng tập thể cơ quan từ công tác chuyên môn đến những công việc lao động tập thể. Cô Dua luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và đã đạt nhiều thành tích cao trong công tác, năm 2014 đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở...Và còn cả những đóng góp của cánh cán bộ trẻ của Nhung nữa chứ - nhóm thanh niên trẻ, đầy hoài bão về một tương lai tươi sáng đã đến với nơi đây - vùng đất mới đầy gian nan, vất vả, để rồi gắn bó, phấn đấu cho sự nghiệp Tòa án mà mình đã chọn...

(Ghi theo lời kể của Tuyết Nhung - Thư ký TAND huyện Nậm Pồ). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một “gia đình Tòa án” giữa núi rừng Nậm Pồ