Chuyện về Tòa án nơi quê hương của Anh hùng Núp

An Nhiên| 11/09/2019 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là huyện cách xa nhất trung tâm TP. Pleiku (Gia Lai), nơi sinh ra Anh hùng của dân tộc Ba Na- Đinh Núp, KBang đang “thay da, đổi thịt”, hướng đến huyện Nông thôn mới vào năm 2020. Trong đó, TAND huyện đang đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ quan trọng này.

Đem nhận thức pháp luật xuống bản

Từ Pleiku, chúng tôi phải mất 3 giờ đồng hồ để về đến TAND huyện KBang. Tiếp phóng viên là Thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Phương, Chánh án TAND huyện cùng các vị Thẩm phán trong đơn vị.

Trong cuộc trao đổi, nữ Chánh án cho biết, huyện KBang trước đây là một huyện nghèo của tỉnh nhưng nhờ vào chính sách của Đảng, sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, huyện đang vươn lên mạnh mẽ. Với đa số là người dân tộc bản địa, trình độ nhận thức còn hạn chế, kinh tế còn khó khăn nên trước đây người dân thường lên rừng phát cây làm rẫy.

“Rất nhiều vụ phá rừng diễn ra, Tòa án với trách nhiệm là xét xử, chúng tôi đã mở rất nhiều phiên tòa đến từng bản, làng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, khi tuyên án, phải nghiên cứu kỹ hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống thực tế. Mỗi Thẩm phán, sau khi tuyên bản án xong, vừa phải đủ sức răn đe, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sớm làm lại cuộc đời. Không ai mong muốn bản thân dính vòng lao lý, tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo. Vì thế, chúng tôi đã phân tích kỹ trong quá trình xét xử; động viên, tuyên truyền gia đình bị cáo cũng như bà con nhân dân về những việc làm trái pháp luật để bà con tránh xa vi phạm”, Chánh án Nguyễn Thị Hồng Phương cho biết.

Đã từng rất nhiều lần, cán bộ Tòa án đi xét xử lưu động nhưng vì trời mưa, đường bị đất đá vùi lấp nên phải nhờ đến xe chuyên dụng của Kiểm lâm gạt đường xuống bản. Với họ, khó khăn không nản, chỉ mong sau mỗi lần xét xử lưu động, bà con ở các địa phương đó không tái phạm các quy định của pháp luật.

Chuyện về Tòa án nơi quê hương của Anh hùng Núp

Chánh án TAND huyện KBang Nguyễn Thị Hồng Phương

Thẩm phán Lê Văn Nguyên kể lại: “Cách đây mấy năm, có lần đi xét xử lưu động, trời mưa, đường bị đất đá vùi lấp xe không chạy nổi. Nghĩ đến cảnh bà con đang đợi HĐXX ở nhà rông là chúng tôi lại càng quyết tâm hơn để đến đúng giờ. Lúc này, chúng tôi buộc phải nhờ xe chuyên dụng của Kiểm lâm ủi đường. Khi đến đầu làng, đường bị sạt lở, phải cõng trên vai vành móng ngựa (loại nhỏ) hì hục đến nơi xét xử”.

Được biết, vào năm 2018 TAND huyện KBang đã mở 3 vụ xét xử lưu động về tội hủy hoại rừng tại xã Đăk Rong. Bằng sự nghiêm minh trong xét xử, sự cởi mở sau mỗi phiên tòa khi trò chuyện với bà con nhân dân, từ đó đến nay trên địa bàn xã không còn tình trạng chặt hạ rừng trái phép. Bản thân lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Rong đã cảm ơn Tòa án vì đã góp phần vào việc ổn định trật tự địa phương cũng như hạn chế vấn đề xâm lấn cây và đất rừng.

Cầu nối hạnh phúc gia đình

Cùng với sự phát triển về mặt kinh tế, vấn nạn tan vỡ hạnh phúc gia đình luôn gia tăng. Tại huyện này, án hôn nhân và gia đình chiếm gần 2/3 trong tổng số các loại án mà Tòa án thụ lý giải quyết.

Nỗi trăn trở về mái ấm gia đình, về sự hàn gắn những “vết nứt” luôn hiện hữu trong tâm khảm của mỗi Thẩm phán và thư ký Tòa án. Chánh án Nguyễn Thị Hồng Phương đã hòa giải thành công đến 75% các vụ án hôn nhân, gia đình. Với chị, bản thân là một người con, người vợ, người mẹ, hiểu rõ hơn hết sự tan vỡ gia đình sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các con.

Năm 2017, một vụ án ly hôn của đôi vợ chồng trẻ ở thị trấn KBang mà nguyên nhân xuất phát từ vấn đề muôn thủa “mẹ chồng- nàng dâu”. Chỉ vì “cơm không lành, canh không ngọt” trong cuộc sống khi con dâu ở chung với mẹ chồng, cô vợ quyết tâm đâm đơn ra Tòa ly hôn, mặc cho hai con nhỏ đang ngơ ngác cần hơi ấm của cha mẹ. Sau hai lần hòa giải, ngồi cả buổi để nghe đôi vợ chồng này trình bày, chị đã phân tích, làm rõ từng vấn đề đúng sai của các bên, về sự thiệt thòi, thiếu vắng tình thương của hai đứa con khi vợ chồng ly hôn. Nghe xong, chị vợ dường như đã thấu hiểu nên vội rút đơn ra về. Đến nay, cuộc sống của hai vợ chồng này với mẹ chồng rất hạnh phúc, thi thoảng hai người lại mời Chánh án đi uống cà phê để tâm sự về cuộc sống.

“Đã bao giờ chị rơi nước mắt khi xét xử?”, tôi hỏi. “Rơi nước mắt thì chưa có, nhưng buồn trong lòng thì nhiều lắm!”, Chánh án Phương trả lời. Chị cho biết, vừa rồi có tham gia xét xử một vụ “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” tại xã Sơn Lang. Đây là vụ án, bản thân bị cáo không hề  mong muốn nó xảy ra. Tại phiên xét xử, gia đình phía người mất cũng hy vọng HĐXX cho bị cáo cơ hội để còn làm việc, nuôi gia đình vợ con. Nhìn thấy đàn con nhỏ nheo nhóc của bị cáo phía dưới, bản thân chị đã day dứt, đấu tranh nội tâm về vấn đề nên tách hay không tách bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian.

Chuyện về Tòa án nơi quê hương của Anh hùng Núp

Tập thể TAND huyện KBang

Giờ nghị án, chị đưa nội dung vụ việc cũng như hoàn cảnh gia đình của bị cáo ra trao đổi với HĐXX, cùng với đó là đề xuất cho bị cáo hưởng án treo để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Nghe xong, mọi người ai nấy đều đồng ý với ý kiến của chị. Khi phiên tòa kết thúc, người dân ai nấy đều vui mừng vì trong pháp luật, tình người luôn hiện hữu.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Quê hương của Anh hùng Núp là một trong 5 huyện trên cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh nên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Kbang đã gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện này đã được chuyển quá trình xây dựng NTM qua giai đoạn 2015-2020.

Để hoàn thành mục tiêu này, tất cả các ban ngành, chính quyền địa phương của huyện, xã đã bắt tay vào cuộc tích cực. Trong đó, TAND huyện KBang cũng không ngoại lệ. Hiện, đơn vị này đang nhận kết nghĩa, giúp đỡ xã xa nhất, khó khăn nhất của huyện KBang.

Với phương châm giúp đỡ thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, lẫn tinh thần, lãnh đạo Tòa án đã phân công các các cán bộ, thường xuyên về nắm bắt cơ sở ở xã kết nghĩa Kon Pne. Các hộ nghèo, sau khi rà soát được cấp dê để chăn nuôi, hướng dẫn người làm kinh tế, sửa chữa nhà dột nát cho các gia đình trước mùa mưa, bão. Nữ Chánh án vui vẻ nói: “Bản thân vinh dự được bầu vào HĐND tỉnh Gia Lai đến nay đã là nhiệm kỳ thứ 2. Vì thế, trách nhiệm của một đại biểu Hội đồng, của một Chánh án cần phải được đặt vào quyền lợi của nhân dân. Chính vì điều đó, hằng năm, đơn vị đã nhận giúp đỡ 2 hộ gia đình thoát nghèo. Riêng năm 2019, đang triển khai giúp 3 hộ ở xã Kon Pne và Tơ Tung. Mỗi tháng, đơn vị sẽ họp để đánh giá công việc cũng như cắt cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền sở tại giúp đỡ cho các tập thể và cá nhân gặp khó khăn”.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, TAND huyện KBang đã thụ lý 204 vụ án các loại, trong đó giải quyết 169 vụ, đạt 82,8%. Số vụ án còn lại đều mới thụ lý và trong thời gian giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, các vụ án đã tuyên ra không có án hủy.

Năm 2019, đơn vị đăng ký Cờ thi đua ngành TAND. Để đạt được mục tiêu này, toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức của Tòa án huyện đang quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, trách nhiệm với cộng đồng cũng đang được triển khai một cách có hiệu quả. Xã Kon Pne, đơn vị được Tòa nhận làm kết nghĩa, trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019 không có người dân vi phạm pháp luật, điều nào đó đã chứng tỏ sự quan tâm, sâu sát và trách nhiệm trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật của Tòa án huyện này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về Tòa án nơi quê hương của Anh hùng Núp